Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường trong nước đứng yên trong khi đường thế giới tăng cao
17 | 02 | 2020
Giá đường thô và đường trắng trên thị trường thế giới đều tăng cao kỉ lục vào tháng 1/2020, trong khi đó, giá đường tại thị trường trong nước không có nhiều biến động bên cạnh việc đường nhập khẩu theo hạn ngạch ATIGA đã chính thức tràn về.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết trong tháng 1/2020 nhà máy đường Nông Cống kết thúc vụ sớm nhất vào ngày 19/1, do ít mía. Đến 31/1, các nhà máy đường thuộc duyên hải miền Trung chuẩn bị sau Tết mới vào sản xuất.

Như vậy, chỉ có số nhà máy đường đang sản xuất trước Tết tiếp tục sản xuất trong tháng 1/2020 nhưng do có thời gian gián đoạn nghỉ Tết từ 19/1 đến ngày 3 - 5/2, tức từ 25 Tết đến khoảng 10 - 12 tháng giêng Canh Tý nên sản lượng sản xuất không lớn.

Lũy kế từ đầu vụ đến 31/1 các nhà máy đường ép được khoảng 2,5 triệu tấn mía và sản xuất được gần 250.000 tấn đường các loại, số liệu của VSSA cho hay.

Trên thị trường thế giới, theo báo cáo của tổ chức ISO, giá đường trên thị trường thế giới của tháng đầu năm 2020 phản ánh quan điểm đồng thuận rằng thị trường đang phải đối mặt với thâm hụt đáng kể trong năm 2019/20, cũng như động thái gia tăng mua khống của các quĩ đầu cơ.

Biến động giá đường thế giới trong tháng 1/2020. Nguồn: VSSA

Giá đường thô (được đo bằng giá hàng ngày của ISA) được cải thiện từ 13,24 US cent/pound, được niêm yết vào đầu tháng, lên 14,57 US cent/pound vào ngày 23/1, mức giá kỉ lục cao nhất trong 24 tháng.

Vào cuối tháng, giá đạt khoảng 14,40 US cent/pound, dẫn đến mức trung bình hàng tháng là 14,13 US cent/pound, tăng 5,4% so với tháng 12/2019.

Đường trắng trên sàn London đến 20/1/2020 vượt ngưỡng 400 USD/tấn, đến 31/1 đạt 402,7 USD/tấn.

Nếu tính từ đầu tháng 11/2019 đến 31/1/2020 tỉ lệ tăng là 19 %. Đây là mức tăng đáng kể, và giá đường trắng đang có xu hướng tăng nhiều hơn đường thô, báo cáo của VSSA nhận định.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá bán buôn (có VAT, đồng/kg) nửa cuối tháng 1/2020 không biến động nhiều, dao động ở mức như nửa đầu tháng 1/2020 cho đến hết các ngày nghỉ Tết.

Sau Tết giá có dấu hiệu tăng lên chút ít nếu tính cho các ngày cuối tháng 1/2020, đặc biệt tại thị trường miền Bắc và Hà Nội, tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) có giá khác nhau.

Biến động giá đường trong nước tháng 1/2020. Nguồn: VSSA

Theo VSSA, trong tháng 1/2020 đã có đường nhập chính thức áp dụng xóa hạn ngạch nhập khẩu của ATIGA về tiêu thụ trong nước ở thời điểm cuối tháng 1/2020, sau Tết giá của nguồn đường này bán ra thị trường thấp hơn đường sản xuất trong nước ở mức 12.400 - 12.800 đồng/kg, có nơi bán giá cao hơn, khoảng 13.200 - 13.300 đồng/kg.

Ngoài ra, đường lậu Thái Lan trong nửa cuối tháng 1/2020 có diễn biến ít sôi động, có lẽ do đúng dịp Tết và ảnh hưởng dịch viêm phổi cấp do virus corona vì bị kiểm tra và hạn chế đi lại, đường lậu giảm bán tại thị trường miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Tại TP HCM và các tỉnh Nam bộ đường lậu vẫn hoạt động, nhưng sau tết bị cạnh tranh với đường nhập chính ngạch theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Giá đường lậu vẫn luôn thấp hơn đường trong nước khoảng từ 200 - 300 đồng/kg, giá tại 3 vùng miền tương đồng khoảng 12.500 - 12.600 đồng/kg, cũng có nơi thấp dưới giá này.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường