Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cúm A/H5N6 trở lại, lệnh cấm bán tháo gia cầm ở vùng dịch
13 | 02 | 2020
Dịch cúm A/H5N6 xuất hiện tại 4 tỉnh thành ở nước ta, buộc phải tiêu huỷ hàng chục ngàn con gia cầm. Lãnh đạo Cục Thú y nghiêm cấm các hộ chăn nuôi thuộc vùng dịch không được bán tháo đàn gia cầm khi chưa hết thời gian cách li.

Dịch xuất hiện tại nhiều tỉnh thành

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ổ dịch cúm A/H5N6 đã được ghi nhận xảy ra ở 4 hộ chăn nuôi vịt tại thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từ 4/2, sau khi các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6.

Cụ thể, ngày 3/2, một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Vinh, có hiện tượng ăn ít, sốt cao, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng. Trong 2.397 con đã chết 385 con. Ngay lập tức, cán bộ thú y xuống lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N6.

Qua rà soát ngay sau đó, lực lượng cán bộ thú y huyện Chương Mỹ và Thành phố Hà Nội phát hiện thêm 3 hộ gia đình khác gần với gia đình có đã chết cũng có biểu hiện ủ bệnh. Ngay lập tức, toàn bộ hơn 6.800 con vịt của 4 gia đình này đã bị xử lý tiêu hủy, chôn lấp tại chỗ.

Cúm A/H5N6 trở lại, lệnh cấm bán tháo gia cầm ở vùng dịch - Ảnh 1.

Dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện tại 4 tỉnh thành ở nước ta

Ngoài tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm bị bệnh, tiêu độc khử trùng theo quy định, cơ quan Thú y cùng với chính quyền địa phương đã lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi thôn, cho bao vây đàn gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa với tổng số trên 300.000 con.

Tại Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng đẫ xuất hiện tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên (huyện Đầm Hà). Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy toàn bộ đàn gà 3.000 con.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóacho biết, ngày 3/2 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi, 4 thôn, 3 xã, 2 huyện Nông Cống, Quảng Xương, buộc phải tiêu hủy 23.083 con gia cầm các loại.

Theo thông tin công bố từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 đã xuất hiện ở 4 tỉnh, thành phố của nước ta bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Theo đó, cơ quan chức năng buộc phải tiêu huỷ hàng chục ngàn con gia cầm các loại.

Cục Thú y dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khá nhau. 

Đó là, hiện tổng đàn gia cầm rất lớn với 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Cấm bán tháo gia cầm ở vùng dịch

Trong buổi làm việc với các địa phương xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại huyện Nông Cống và Quảng Xương (Thanh Hoá), ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y yêu cầu việc ngăn chặn và khống chế dịch bệnh phải thực sự quyết liệt, bởi bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người.

Cũng theo ông Thành, những đàn gia cầm chưa bị nhiễm cúm mà đã được tiêm vắc xin cúm gia cầm đề nghị theo dõi trong vòng 21 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng cần lấy mẫu đua đi xét nghiệm ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nghiêm cấm các hộ chăn nuôi thuộc vùng dịch cúm gia cầm không được bán đổ, bán tháo đàn gia cầm khi chưa hết thời gian cách ly, theo dõi. Không thực hiện tái đàn khi chưa công bố hết dịch, ông nhấn mạnh.

Cúm A/H5N6 trở lại, lệnh cấm bán tháo gia cầm ở vùng dịch - Ảnh 2.

Các hộ dân trong vùng dịch yêu cầu không được bán tháo gà, vịt (ảnh minh hoạ)

Ngày 3/2, Bộ NN-PTNT đã có Công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo đó, Bộ này đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Các địa phương chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.

Đồng thời tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2.

Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục đã yêu cầu các Chi cục Thú y vùng phải bố trí cán bộ trực, xét nghiệm và nguyên vật liệu xét nghiệm các loại dịch bệnh, đảm bảo việc xét nghiệm kịp thời, chính xác để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.

 



Vietnambiz.vn
Báo cáo phân tích thị trường