Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống cúm gia cầm: “Tiêm phòng là biện pháp hàng đầu”
07 | 06 | 2007
Dịch cúm gia cầm đã trở lại mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn. Kế hoạch của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống bệnh dịch nguy hiểm này trong thời gian tới ra sao?
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với TS. Trần Công Xuân – Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Theo ông, nguyên nhân nào đã dẫn đến việc dịch cúm gia cầm trở lại?

Có một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, nhận thức về cúm gia cầm (cúm gia cầm) và biện pháp phòng chống của người chăn nuôi gia cầm, người sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia cầm còn nhiều hạn chế. Nói đúng hơn, họ chưa coi trọng ý thức cộng đồng, nên đã coi thường cúm gia cầm. Vì không chủ động phòng chống, nên khi dịch xảy ra lại dấu dịch, bán chạy, bán tháo con giống, làm phát tán virut H5N1 trên thị trường.

Thứ hai, sau 1 năm không xuất hiện dịch cúm gia cầm, một số nơi, một số cơ sở sản xuất và kinh doanh gia cầm sinh ra chủ quan, lơ là, không chấp hành nghiêm các văn bản của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, là không tiêm phòng triệt để vắc xin cúm cho đàn gia cầm.

Có phải do việc ấp trứng, sản xuất con giống, nuôi mới thuỷ cầm (vịt, ngan, ngỗng) và chim cút?

Đúng vậy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về vấn đề này (văn bản số 321, Quyết định số 3054, thông tư 84-2005, Quyết định 17/2007...). Nhưng nhiều địa phương vẫn tự do ấp trứng, nuôi mới thuỷ cầm. Công tác quản lý, kiểm soát cũng không chặt chẽ.

Vì thế, sau 2 năm đàn thuỷ cần không giảm mà còn tăng, năm 2005 tổng đàn là 60,011 triệu con, năm 2006 lên 62,583 triệu con. Công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định 17/2007/QĐ-BNN, ngày 27/2/2007, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện ấp nở trứng và chăn nuôi thuỷ cầm chưa tốt.

Vì vậy, nhiều địa phương và cơ sở chăn nuôi chưa hiểu nội dung của Quyết định, chưa triển khai tốt, đồng thời công tác quản lý, kiểm tra, giám sát lại không chặt chẽ, chưa theo dõi được đàn thuỷ cầm mới phát sinh. Ngay sau khi công bố Quyết định này, rất nhiều tỉnh, nhiều cơ sở đã ồ ạt ấp trứng thuỷ cầm và con giống mới, trong đó có những cơ sở quản lý đàn thuỷ cầm đang mang mầm bệnh, việc vận chuyển bán con giống lưu hành mầm bệnh là tất nhiên. Cần nói thêm là, việc ấp nở trứng, chăn nuôi, vận chuyển con giống và sản phẩm gia cầm, nhất là giết mổ gia cầm ở không ít nơi vẫn tự do, thoải mái.

Ông có nhận xét gì về việc tiêm phòng vắc xin?

Chính phủ có chỉ thị 25/2006/CT-TTg, ngày 12/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định 1715 và Quyết định 2586 về sử dụng vắc xin nhằm khống chế và thanh toán bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, phải nói thẳng là nhiều người chăn nuôi chưa hiểu tiêm phòng vắc xin cúm là một biện pháp hàng đầu. Cho nên họ không tự giác tiêm phòng cho đàn gia cầm. Nhiều địa phương lại không báo cáo trung thực, không coi trọng kỹ thuật tiêm và bảo quản vắc xin. Từ đó, tỷ lệ bảo hộ cho đàn gia cầm thấp. Đặc biệt, đàn thuỷ cầm có tỷ lệ mang mầm bệnh rất cao, do tập quán chăn nuôi chạy đồng, nên chỉ chờ có cơ hội là phát bệnh.

Mặt khác, công tác vệ sinh thú y và an toàn sinh học chưa tốt, chưa chú ý đến vệ sinh môi trường. Trong khi đó, mầm bệnh (virut H5N1) vẫn tiềm ẩn ở nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm, nên kết hợp với nuôi dưỡng, chăm sóc không tốt, là thuỷ cầm dễ mất sức đề kháng, nếu gặp khí hậu và thời tiết khắc nghiệt (như rét đậm hoặc nóng bức) thì thuỷ cầm dễ nhiễm cúm gia cầm. Điều này càng dễ xảy ra đối với đàn gia cầm đang mang mầm bệnh chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Qua đây, còn thấy không thể chỉ cần có cơ chế, chế tài, mà còn cần có thưởng phạt nghiêm minh.

Vậy, cần có những giải pháp nào phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát?

Trong điều kiện chăn nuôi gia cầm của nước ta phần lớn là nhỏ lẻ, gà thả rông, vịt chạy đồng, thì biện pháp vô cùng quan trọng là tiêm phòng vắc xin, là biện pháp hàng đầu. Cần coi đây là biện pháp bắt buộc, thường xuyên, đặc biệt đối với các đàn gia cầm sinh sản cung cấp con giống, và các đàn gia cầm ấp nở mới. Các địa phương phải trung thực trong công tác này, đồng thời đề xuất những khó khăn để được hỗ trợ tốt.

Các địa phương phải thực hiện đúng Quyết định 17/2007 của Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đăng ký các cơ sở ấp trứng, phải quản lý và giám sát chặt chẽ điều kiện vệ sinh thú y, hết sức giám sát chặt chẽ đàn gia cầm sinh sản tuyệt đối, an toàn dịch bệnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gia cầm phải thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, đặc biệt là an toàn sinh học, đưa đàn gia cầm vào nuôi cùng một lúc, xuất sản phẩm chăn nuôi cùng một lúc, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào cơ sở chăn nuôi.

Phát hiện sớm đàn gia cầm bị bệnh, xử lý nhanh gọn, vệ sinh tiêu độc toàn khu chăn nuôi và môi trường phạm vi xã, huyện, tỉnh (nếu dịch xảy ra trong phạm vi xã, huyện, tỉnh). Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các cơ sở sản xuất cung ứng con giống bằng cách lấy máu xét nghiệm. Một trong những khâu yếu là kiểm soát vận chuyển con giống và sản phẩm gia cầm trong nước và qua biên giới, là do thiếu kinh phí tiêu huỷ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Yếu kém và chậm khắc phục nữa, là thiếu rất nhiều cơ sở giết mổ, dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 394 QĐ-TTg, ngày 13/3/2006, về vấn đề này.



Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường