Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1 năm nay, xuất khẩu điều vẫn tăng về lượng và kim ngạch. Cụ thể, lượng điều nhân xuất khẩu 54,7 nghìn tấn, trị giá 666,9 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, trong tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng ở các thị trường chính của ngành điều Việt Nam là Mỹ và châu Âu, thì xuất khẩu điều lại tăng rất mạnh khi đạt 43,9 nghìn tấn, trị giá 309,24 triệu USD, tăng 68,4% về lượng và tăng 76% về trị giá so với tháng 2/2020, tăng 38,3% về lượng và tăng 24,3% về trị giá so với tháng 3/2019.
Theo một số chuyên gia ngành điều quốc tế, khi đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ để thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng ở nhiều nước châu Âu đã mua nhiều hạt điều cùng với các loại thực phẩm khác. Bởi theo quan điểm của họ, thực phẩm nào cũng là thiết yếu. Do đó, tại nhiều siêu thị, hạt điều đã được người ta mua hết.
Nhiều nguồn tin cho hay, kho điều của nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã cạn. Do đó, nhiều nhà nhập khẩu châu Ấu đang có nhu cầu mua nhân điều giao ngay trong tháng 4 và tháng 5.
Tuy nhiên, do vừa qua, hàng loạt nhà máy chế biến điều ở Ấn Độ phải tạm nghỉ do phong tỏa quốc gia để phòng chống dịch bệnh, nhiều nhà máy ở Việt Nam cũng tạm dừng hoạt động vì giãn cách xã hội, đã khiến cho nguồn cung hạn chế. Vì thế, giá nhân điều đang có xu hướng tăng lên.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu mua nhân điều đang tăng trở lại, nhất là từ các khách hàng châu Âu.
Sau một thời gian yên ắng vì dịch bệnh, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã bắt đầu quay lại thị trường.
Tuy nhiên, tại thị trường quan trọng nhất là Mỹ, các nhà nhập khẩu nhìn chung vẫn đang có tâm lý chờ đợi xem diễn biến dịch bệnh ở nước này diễn biến ra sao.
Mặt khác, trong thời gian qua, tiêu thụ nhân điều ở Ấn Độ đã giảm do bị tác động bởi việc nước phong tỏa quốc gia để phòng chống dịch bệnh. Ấn Độ là nước tiêu thụ nhân điều lớn nhất thế giới, nên việc giảm tiêu thụ ở nước này cũng tác động đảng kể tới tiêu thụ nhân điều trên toàn cầu.
Do đó, dự báo trong vài tuần tới, nhu cầu mua nhân điều sẽ hồi phục từ từ. Sự phục hồi mạnh mẽ về đơn hàng có thể sẽ chưa xảy ra vào trước nửa cuối tháng 5, thậm chí là trước tháng 6.
Trong khi đó, điều thô năm nay được đánh giá là khá dồi dào. Vụ điều ở Việt Nam và Campuchia đều được mùa, sản lượng tăng cao so với năm ngoái. Ở Tây Phi, nhìn chung cũng được mùa điều.
Do dịch Covid-19 đang lan tràn ở nhiều nước châu Phi, xuất khẩu điều thô từ khu vực này đang bị ảnh hưởng khá nhiều. Yêu cầu cách ly để phòng chống dịch ở Nigieria đã làm xuất khẩu điều thô của nước này chậm hẳn lại. Chính phủ Bờ Biển Ngà hạn chế việc ra vào thủ đô và cảng Abidjan cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu điều thô nước này.
Tình trạng thiếu container rỗng cũng đang ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu điều thô ở châu Phi. Vậy nên, một lượng điều nguyên liệu lớn đang tồn ở các trang trại và đại lý thu mua. Nhập khẩu điều thô từ Campuchia về Việt Nam cũng đang khá chậm do việc kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tình hình dịch bệnh sẽ còn tác động tới thị trường điều thế giới. Đặc biệt là khi dịch bệnh có thể gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, thậm chí làm suy thoái kinh tế, nhất là tại các nước phương Tây.
Thị trường cung cấp điều thô chủ lực cho ngành điều Việt Nam là châu Phi, và các thị trường tiêu thụ nhân điều chính là châu Âu, Mỹ, đều đang đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường và nguy hiểm của Covid-19.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến điều cân cân nhắc kỹ càng, không nên ký các hợp đồng xuất khẩu nhân điều có thời gian giao xa, khi chưa mua được điều thô, để đề phòng giá điều thô có thể tăng trở lại khi dịch bệnh lắng xuống tại châu Phi.
Điều thô đang khá dồi dào, nên các doanh nghiệp cần tránh mua ồ ạt điều thô ở châu Phi, vì nếu mua như vậy, sẽ làm giá tăng, qua đó làm tăng nguy cơ rủi ro, nhất là khi chưa có hợp đồng xuất khẩu nhân điều.
Các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng, tìm hiểu, phân tích thông tin thị trường điều thô và nhân điều từ nhiều nguồn; căn cứ vào tình hình và khả năng thực tế của doanh nghiệp để có những quyết định phù hợp, tránh rủi ro, tổn thất.
Theo Nông nghiệp Việt Nam