Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều khó có thể đạt chỉ tiêu xuất khẩu
29 | 04 | 2020
Ngành điều vừa vượt qua giai đoạn khủng hoảng năm 2018 đầu năm 2019, nhưng do dịch Covid-19, lại gặp vô vàn khó khăn, do đó không thể đạt chỉ tiêu xuất khẩu.

Châu Phi là nguồn cung chính hạt điều thô cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng bị Covid-19 tràn tới, nên ngành chế biến điều càng thiếu nguyên liệu. Tháng 2 đến tháng 6 là cao điểm sản xuất điều nhân hằng năm nên DN ngành điều càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. 

Giá liên tục giảm

Cụ thể, theo thông tin tham khảo định kỳ về thị trường nông sản do Trung tâm Tin học và Thống kê, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn thực hiện, trong tháng 3, xuất khẩu điều nhân ước đạt 35.000 tấn, kim ngạch 252 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều ba tháng năm 2020 ước đạt 86.000 tấn, kim ngạch 609 triệu USD, tăng 8,2% về lượng nhưng giảm 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lần lượt 35,4%, 12% và 6,1% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Saudi Arabia, gấp 2,54 lần và giảm mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc, tới 61%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm 2020 đạt 7.046 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với thu mua điều nguyên liệu trong nước, ghi nhận từ các hộ nông dân trồng điều ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cho thấy "nỗi buồn" chung của họ là giá rớt. Một nông dân ở tỉnh Đồng Nai cho biết, giá mua hạt điều thô đầu vụ dao động từ 25.000 - 26.000đ/kg, đến tháng 2, giá giảm còn 21.000 - 22.000đ/kg, tháng 3 tiếp tục rớt, còn dưới 20.000đ/kg. Và đến giữa tháng 4 chỉ còn khoảng 14.000 - 15.000đ/kg.

Theo bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ra ngày 31/3/2020, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ điều năm nay, sản lượng, chất lượng và giá thành đều giảm. Nguyên nhân chính là do thời tiết không thuận lợi, tỷ lệ đậu trái rất thấp, chất lượng hạt điều giảm đáng kể.

Diện tích trồng điều của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 8.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc nhưng nay có xu hướng giảm mạnh do cây điều già cỗi hoặc lợi nhuận thấp. Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, diện tích trồng điều giảm mạnh do giá hạt điều liên tục giảm, lợi nhuận mang lại thấp hơn nhiều so với nhiều loại cây lâu năm khác, thời tiết thất thường nên dễ bị mất mùa.

DN cần có kế hoạch kinh doanh phù hợp

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, ngành điều vừa vượt qua giai đoạn khủng hoảng năm 2018 đầu năm 2019, nay do dịch Covid-19 đã làm cho lượng điều nhân xuất khẩu và giá giảm mạnh; kế hoạch khoảng 4 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020 của ngành điều Việt Nam sẽ phải điều chỉnh giảm. Mức giảm cụ thể do mức cầu điều phối, nhưng cá nhân ông thấy có thể chỉ đạt 3 tỷ USD. 

Trong bối cảnh nói trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, DN điều cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình, tác động từ dịch Covid-19 và khả năng thực tế của DN mình trước khi ký hợp đồng mua điều thô. Nếu như chưa có hợp đồng đầu ra hay chưa cân đối được chi phí và giá bán để có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì nên dừng lại. Người trồng điều cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng DN điều cần duy trì thu mua điều thô cho nông dân để giữ và phát triển bền vững vùng nguyên liệu tại chỗ.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, DN cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại, như quảng bá trực tuyến, kết nối DN trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và kết thúc.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn



Báo cáo phân tích thị trường