Phần 1: Khả năng cung ứng cho thị trườngViệt Nam có dân số hơn 80 triệu dân, trong đó trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Nếu như trong những năm 90 nhu cầu tiêu thụ thịt là 6%/năm thì với tốc độ tăng trưởng dân số 1,25%/năm như hiện nay, dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt trong thời gian tới sẽ tăng ít nhất thêm 5-6%/năm[1]. Mặt khác, nền kinh tế sau 20 năm đổi mới cũng mang lại những bước phát triển mới, tạo điều kiện cải thiện thu nhập của người dân. Một phần của nguồn thu nhập tăng được người tiêu dùng dành cho thực phẩm chất lượng tốt hơn. Theo điều tra của IFPRI- Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỷ lệ thu nhập dành cho chi tiêu các sản phẩm chăn nuôi (bao gồm lợn, bò, gia cầm, trứng, sữa) ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Mình là tương đối lớn. Chi tiêu cho tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi trung bình ở TP. Hà Nội chiếm 25% tổng chi tiêu hàng tháng, ở TP. Hồ Chí Minh là 21%, trong đó, các sản phẩm thịt tươi chiếm khoảng 2/3 tổng lượng thịt tiêu dùng hàng năm trên đầu người. Thịt đông lạnh, kể cả sản xuất trong nước và nhập ngoại đã bước đầu được người dân thành phố chấp nhận. Mặc dù tại Việt Nam, thịt gia cầm không phải là một nguồn cung cấp protein chính nhưng lại là một thực phẩm được ưa chuộng trong thực đơn của mỗi gia đình. Số liệu điều tra cho thấy, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm liên tục tăng lên qua các năm. Những năm 90, người dân Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 3,1 kg thịt gà/người/năm thì đến năm 2003 đã là 12 kg thịt gà/người/năm. (Đồ thị 1).
Đồ thị 1: Tiêu thụ thịt gà bình quân đầu người của Việt Nam và một số nước năm 2003 (kg/người/năm)
Khả năng cung ứng cho thị trường trong nước
Một đặc điểm lớn của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam là số lượng gia cầm tương đối lớn nhưng sản lượng thịt và trứng lại nhỏ. Năm 2003, mặc dù tổng gia cầm ở Việt Nam lên tới hơn 250 triệu con nhưng chỉ xếp hạng thứ 35 thế giới về sản xuất thịt gà và 31 về sản xuất trứng gia cầm[1]. Nguyên nhân chính là Việt Nam vẫn giữ lối sản xuất nhỏ, tiêu thụ ngay trên thị trường địa phương hoặc các tỉnh lân cận, rất ít hộ chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, từ 1.000 đến 10.000 con, quy mô chăn nuôi trung bình của cả nước chỉ vào khoảng 17 con/ hộ
[2]. 3 năm trước khi dịch cúm gà đầu tiên vào năm 2003, ngành gia cầm Việt Nam tăng trưởng trung bình 8,6%/năm. Năm 2004, sau dịch cúm, sản lượng gia cầm của Việt Nam giảm 14%, kéo theo sản lượng thịt giảm 15%. Năm 2005, ngành chăn nuôi gia cầm từng bước được hồi phục, tăng 0,08% sản lượng và 1,7 % sản lượng thịt. (Bảng 1). Mức tăng chậm do lo ngại nguy cơ dịch cúm tái phát và chính phủ còn khá dè dặt trong vấn đề phát triển lại đàn gia cầm.
Nếu thực hiện một phép tính đơn giản, lấy lượng thịt tiêu thụ bình quân đầu người nhân với dân số của Việt
Nam, chúng ta sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm trung bình hiện nay là 996 nghìn tấn. Như vậy, trong giai đoạn 2001-2005, năng lực chế biến của các công ty trong nước mới đáp ứng khoảng 32% nhu cầu. Khoảng hơn 60% thịt gà cung ứng cho thị trường là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn. Theo kế hoạch chiến lược của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho tới năm 2010, ngành công nghiệp chế biến sẽ đáp ứng 60% nhu cầu thịt gia cầm trong nước với đàn 345 triệu con, cung ứng 563.000 tấn thịt mỗi năm
[1].
Các nước xuất khẩu thịt gia cầm đã nhìn thấy cơ hội tiềm năng trên thị trường Việt Nam. Năm 2003, Việt Nam nhập khẩu 1078 tấn thịt gà, đáp ứng 0,15% nhu cầu tiêu dùng trong nước. (Bảng 2). Năm 2004, Chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ các nước có dịch nên kim ngạch nhập khẩu giảm đáng kể, còn 496 tấn.
Tháng 11 năm 2006, ngay bên lề Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, tạp chí FAS Online của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố một nghiên cứu phân tích nhu cầu tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra rằng, với mức tăng tiêu dùng 21% trong năm 2005 cộng với khả năng cung ứng trong nước còn hạn chế, Việt Nam sẽ là một thị trường đầy tiềm năng cho các nước xuất khẩu.
[2] Business Interational Monitor, August 2006
[3] The contribution of livestock in income of Vietnam
[4] Hội thảo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, tháng 6/2006
(Đón xem phần 2: Những tác động của hội nhập)