Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tăng tốc chậm
06 | 09 | 2007
Những tháng đầu tiên của quý II, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng nhưng tốc độ vẫn còn chậm, gây lo ngại về nguy cơ không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 46,75 tỷ USD của cả năm.

Nhiệm vụ xuất khẩu năm 2007 tối thiểu sẽ đạt 46,75 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2006. Năm 2006, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt 84 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 39,6 tỷ USD tăng 7,163 USD, tương ứng tăng 22,1% so với năm 2005, vượt gần 5% chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ giao; nhập khẩu 44,4 tỷ USD tăng 20,1% so với năm 2005. Loại trừ yếu tố giá cả, việc mở rộng thị trường đã góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu 4,222 tỷ USD.

Theo thống kê từ Bộ Thương Mại, trong tháng 4 năm 2007, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 3,950 tỷ USD. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 14,44 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may: gáng nặng “2 tỷ USD”

Tính đến tháng 4, có hai mặt hàng đầu tiên vượt ngưỡng 2 tỷ USD là dầu thô 2,356 tỷ USD, dệt may 2,198 tỷ USD. Ngành dệt may được Bộ Thương mại giao trọng trách “phải xuất khẩu vượt 2 tỷ USD so với năm ngoái, nếu không muốn mục tiêu xuất khẩu chung của cả nước bị phá vỡ”. Năm 2005, dệt may đã mang về kim ngạch hơn 5,8 tỷ USD. Những thuận lợi từ việc bãi bỏ hạn ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới WTO giúp ngành này có thể thực hiện mục tiêu kim ngạch trên 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những trở ngại từ chương trình giám sát hàng dệt may do Hoa Kỳ đang tiến hành với khả năng kiện chống bán phá giá khiến việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2007 trở nên khó khăn hơn.

Cà phê, thủy sản: phụ thuộc chất lượng

Đáng chú ý, cà phê đã tiệm cận mức 1 tỷ USD đạt 947 triệu USD. Cà phê là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 4 tháng đầu năm cả về số lượng và giá trị kim ngạch với mức tăng trưởng ứng so với cùng kỳ là 84 và 134%. Đây là năm đầu tiên ngành cà phê có mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 3 năm gần đây. Do xuất khẩu quá nóng, Bộ Thương mại đã lên tiếng cảnh báo có khả năng trong quý II và các quý tiếp theo sẽ giảm mạnh vì quý I đã xuất khẩu quá nhiều. Với chỉ tiêu xuất khẩu trên 900.000 tấn trong năm nay, ngành cà phê có vẻ yên tâm khi mức thực hiện trong ba tháng đầu năm đã ở mức cao.

Ông Vân Thành Huy, chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam[1] cho biết, dù nguồn hàng cung ứng không còn nhiều so với kế hoạch sản xuất, nhưng các doanh nghiệp vẫn sẽ có cơ hội xuất khẩu được giá tốt vì nhu cầu thế giới tiếp tục tăng, kéo theo giá bán vẫn sẽ hấp dẫn. “Đã không còn hiện tượng các doanh nghiệp cùng nhau bán hội đồng nữa, mà họ đã có sự cân nhắc tính toán rất kỹ, bám sát giá bán của thế giới”- ông Huy nói. Tuy nhiên, các rủi ro vẫn còn tiềm ẩn rất lớn khi vấn đề lớn nhất mà hầu hết các doanh nghiệp đang mắc phải chính là chất lượng xuất khẩu cà phê, hàm lượng chế biến của cà phê xuất khẩu thấp.

Ngành thủy sản cũng rơi vào cảnh báo tương tự, đặc biệt là chất lượng xuất khẩu. Dù có những thuận lợi về giá cả và thị trường, đạt 1,036 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2007, nhưng nếu không giải quyết các tồn tại liên quan đến chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật thì nguy cơ không hoàn thành kế hoạch 3,8 tỷ USD của toàn ngành cũng có khả năng xảy ra.

Xuất khẩu gạo tăng chậm

Năm 2005, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch vượt 1 tỷ USD. Cuối năm, do tình hình dịch bệnh nên Chính phủ đã phải tạm ngừng xuất khẩu gạo. Việc này đã làm ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2007. Tổng kết của Bộ Thương mại tính đến hết quý I-2007, xuất khẩu gạo chỉ đạt 710.000 tấn với kim ngạch 230 triệu USD, giảm đến 43,3% về khối lượng và 33% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo trong 4 tháng mới đạt 1,4 triệu tấn với kim ngạch 443 triệu USD.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, một trong các nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp là do số gạo tồn kho từ cuối năm 2006 còn rất ít, cơ chế giá định hướng do Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra quá cứng nhắc khiến doanh nghiệp dễ bị động. “Thời gian hướng dẫn giá đàm phán kéo dài hơn so với hiện tại để tránh trường hợp vừa mới đàm phán xong thì doanh nghiệp lại nhận được giá hướng dẫn mới, không phù hợp với tình hình thực tế” - đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Sòn (Satra) nói.

Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 4, xuất khẩu gạo đã tăng mạnh trở lại và được hy vọng là nhân tố thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng cho rằng triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới là rất khả quan vì đến nay cả nước đã ký kết hợp đồng xuất khẩu với giá tốt và khối lượng lớn sang các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Cuba, Malaysia, Nhật…

So với mục tiêu xuất khẩu đã được Chính phủ phê duyệt thì còn khoảng hơn 1 triệu tấn gạo nữa là sẽ đạt mục tiêu. Chính vì vậy, khả năng tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo có thể được tính đến.

Như vậy, sau khi đã đi được 1/3 thời gian mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Kim ngạch trung bình hàng tháng dù đã tăng lên nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng 3,96 tỷ USD/tháng, mức trung bình thấp nhất để đạt mục tiêu 46.75 tỷ USD đề ra cho cả năm.

Theo các chuyên gia, tốc độ xuất khẩu tăng chậm trong những tháng đầu năm là một quy luật đã được dự đoán trước. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm tuy tăng chậm nhưng vẫn duy trì mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nếu tính riêng trong tháng 4/2007, tốc độ xuất khẩu đã tăng lên mạnh mẽ và đây sẽ là động lực để có được kết quả xuất khẩu tốt hơn trong những tháng tới.


[1] Theo tuổi trẻ: htpp://www.tuoitre.com.vn



Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường