Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc kiểm tra chặt hoa quả và thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam
09 | 11 | 2021
Hoa quả Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đang phải kiểm tra 100%. Trung Quốc cũng đang duy trì kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống từ Việt Nam. Những điều này gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguồn: Vinanet.vn
Kiểm tra 100% hoa quả từ Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn “Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc” diễn ra sáng nay 6/11/2021, ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, hiện nay có nhiều hoa quả, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và được thị trường nước này ưa chuộng.
Do tình hình Covid-19, doanh nghiệp cả Trung Quốc và Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nông sản khi thông quan phải khử trùng ở cả 2 phía nên tốc độ xuất khẩu giảm mạnh so với trước. Thêm vào đó, hoa quả Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đang phải kiểm tra 100%. Điều này khác với hoa quả nhập từ Thái Lan, nguồn hàng này chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%.
“Tôi hy vọng Bộ NN&PTNT có thể ký kết các thủ tục với cơ quan chức năng Trung Quốc để có thể chỉ kiểm tra 30%, đẩy nhanh tốc độ thông quan qua cửa khẩu, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc”, ông Thang Thành Vỹ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thang Thành Vỹ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc và đóng gói, giúp quá trình thông thương, buôn bán giữa 2 bên thuận lợi hơn.
Ở góc độ cơ quan kiểm dịch thực vật, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch, cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm.
Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.
“Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu”, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, Cục đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và phối hợp với các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu để đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng.
Dù vậy, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, hiện nay là phương thức đăng ký trực tuyến với Hải quan Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thiện được hồ sơ.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh thời gian tới cần xây dựng đội ngũ giảng viên, sau đó đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng mã số vùng trồng và tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, địa phương.
Đồng thời cần làm việc với quốc gia nhập khẩu để khắc phục khó khăn, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng.
Duy trì kiểm soát Covid-19 trên bao bì thuỷ sản
Bên cạnh khó khăn trong xuất khẩu hoa quả vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thuỷ sản cũng có nhiều vấn đề đáng lưu ý.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay Trung Quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thuỷ sản, 20 cơ sở xuất khẩu thuỷ sản sống (tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cua) Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; 48 loài thuỷ sản và 128 loại sản phẩm thuỷ sản được phép xuất khẩu vào nước này.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.
“Một số lô hàng đã có cảnh báo từ phía bạn về việc xuất hiện dấu vết của Covid-19 trên bao bì hoặc phương tiện vận chuyển. Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để giải thích rõ ràng”, ông Lê Bá Anh thông tin.
 
Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản, điểm đáng chú ý là, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ kiểm tra, bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc rất chậm. Ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng chậm bổ sung danh sách doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký xuất khẩu thuỷ sản vào Việt Nam để đảm bảo tính công bằng.
Một yếu tố nữa được ông Lê Bá Anh đề cập tới là, thời gian qua, số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản.
Đánh giá Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đề nghị doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản, thuỷ sản sang thị trường này.
“Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối như Văn phòng SPS Việt Nam”, ông Nam nói.


Báo cáo phân tích thị trường