Ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng, Trưởng ban Thư ký Hội đồng cạnh tranh, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thương Mại
Những cảnh báo về dư lượng kháng sinh quá mức cho phép trong tôm XK của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản thời gian qua đang đặt ra thách thức không nhỏ với ngành thuỷ sản Việt Nam. Vấn đề này đối với thị trường Hoa Kỳ như thế nào, thưa ông?
- Khoảng 80% - 90% tôm tiêu thụ ở Hoa Kỳ là nhập khẩu. Năm 2006, Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 4,2 tỉ USD tôm các loại, kể cả chưa chế biến hoặc đã chế biến, tăng 12,6% so với năm 2005; trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,5%. So với thị trường Nhật Bản, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng gặp không ít khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, tôm đông lạnh Việt Nam đang phải chịu thuế chống bán phá giá và các doanh nghiệp nhập khẩu phải ký quỹ với hải quan để đảm bảo nộp đầy đủ thuế chống bán phá giá, làm đọng vốn và phát sinh chi phí nhập khẩu.
Thứ hai, việc kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh trong thủy sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ không hề “nhẹ tay” hơn so với Nhật Bản, thậm chí còn chặt chẽ hơn. Ở nhiều nước, trừ những loại kháng sinh bị cấm, còn các loại kháng sinh khác đều được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, trừ 6 loại kháng sinh được phép sử dụng, còn lại tất cả các loại khác đều bị cấm.
Tháng 8/2005, đã có nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị phát hiện có dư lượng kháng sinh bị cấm, dẫn đến bị Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra chặt chẽ hơn và 3 bang của Hoa Kỳ cấm tiêu thụ tạm thời thủy sản Việt Nam.
Ngoài những quy định mang tính pháp lý do nhà nước ban hành, còn có một số quy chuẩn tự nguyện do một số tổ chức phi chính phủ có ảnh hưởng đưa ra. Ví dụ, Liên minh nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu (Global Aquaculture Alliance – GAA) đã xây dựng Quy tắc thực hành trong nuôi tôm, nhằm tăng cường trách nhiệm của người sản xuất đối với an toàn thực phẩm và bảo vệ mội trường hay Marine Stewardship Council (MSC) đã đưa ra nguyên tắc và tiêu chuẩn đối với đánh bắt cá tự nhiên để duy trì sự phát triển bền vững của nguồn thủy sản này. Một số tập đoàn bán lẻ thực phẩm như Wal Mart hay Mc Donald… đã bắt đầu áp dụng những quy tắc này trong nhập khẩu thủy sản. Do vậy, mặc dù là quy chuẩn tự nguyện song do người nhập khẩu yêu cầu nên những quy chuẩn đó cũng coi như là bắt buộc.
Quan điểm của tôi, chúng ta không nên đặt vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ, nhằm chia sẻ rủi ro từ thị trường Nhật Bản do bị cho là có dư lượng kháng sinh quá mức cho phép, mà nên đặt vấn đề làm thế nào để đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Như vậy, muốn tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm?
- “Nhập gia thì phải tùy tục”, chúng ta muốn xuất khẩu được tôm vào Hoa Kỳ đương nhiên là phải tuân theo những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của họ. Tuy gặp nhiều khó khăn như nói ở trên, nhưng tôm của ta hiện nay vẫn chiếm hơn 10% thị phần nhập khẩu của Hoa Kỳ. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà nên quan tâm nâng cao và duy trì chất lượng. Nhu cầu thủy sản của thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng sẽ ngày càng tăng, nhưng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường cũng sẽ ngày càng cao. Nâng cao chất lượng để có thể nâng cao giá bán cũng là biện pháp hiệu quả nhất để có thể giảm được mức thuế chống bán phá giá tôm vào Hoa Kỳ hiện nay.
Do chi phí chế biến ở các nước phát triển ngày càng cao và người tiêu dùng ngày càng bận rộn, ít thời gian để chế biến món ăn nên nhu cầu thực phẩm chế biến sẵn ngày càng lớn nên khối lượng và trị giá tôm bao bột đông lạnh nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong mấy năm qua tăng khá nhanh. Trị giá nhập khẩu loại sản phẩm này năm 2002 chỉ là khoảng trên 30 triệu USD, năm 2004 đã tăng lên trên 86 triệu USD và năm 2006 đạt 240 triệu USD. Các nước xuất khẩu tôm bao bột chính vào Hoa Kỳ là Thái lan, Trung Quốc, Panama, Ecuado, Inđônêxia và Việt Nam, trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất. Kim ngạch nhập từ Trung Quốc đã tăng từ 141 triệu năm 2005 lên 174 triệu USD năm 2006. Trong khi đó, kim ngạch của Việt Nam giảm từ 4,5 triệu USD xuống 3,9 triệu USD trong cùng thời kỳ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm, chuyển dần từ tôm đông lạnh sang các sản phẩm chế biến sâu để tránh thuế chống bán phá giá và tăng kim ngạch xuất khẩu mà không cần tăng số lượng.