Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả chuyển dịch mạnh sang sản phẩm chế biến
19 | 11 | 2021
Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam đã dần chuyển dịch sang sản phẩm rau quả chế biến. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả chế biến sang nhiều thị trường như Mỹ, Nga, Australia… cũng tăng đáng kể.

Nguồn: Haiquanonline.com.vn

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng ở mức 2 con số.

Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu rau quả chế biến năm 2019 tăng tới 41,2% so với năm 2018, nhưng sau đó có dấu hiệu chậm lại. Năm 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam tăng 11,1% so với năm 2019.

9 tháng năm 2021, do khó khăn trong khâu vận chuyển, trong khi vấn đề bảo quản hàng rau quả tươi của Việt Nam còn hạn chế, doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch khá thành công khi đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến tháng 9/2021 đạt 65,42 triệu USD, tăng 13,7% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia …

Với riêng thị trường Trung Quốc, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, trong cả giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức cao, ngoại trừ năm 2020 chỉ tăng 4,4% so với năm 2019.

9 tháng năm 2021, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 24,8% so với 9 tháng năm 2020. Bên cạnh đó, tốc độ xuất khẩu mặt hàng sang một số thị trường chính cũng tăng trưởng ở mức 2 con số như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ.

“Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm. Với kết quả đạt được trong năm 2020 và 9 tháng đầu 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp... , đại diện Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đánh giá.

Khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung.

Một số chuyên gia ngành nông nghiệp dự báo, trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, 76,2% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%.

So với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, ngành chế biến rau quả Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu.

Tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 tăng lên 929,78 triệu USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng trị giá thế giới tăng từ 0,72% năm 2016 lên 1,46% năm 2020.

 



Báo cáo phân tích thị trường