Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu vẫn chưa đột biến
03 | 10 | 2007
Hiện tại, trong khi tăng trưởng xuất khẩu vẫn bình bình như cùng kỳ mấy năm gần đây, thì nhập khẩu lại phát triển mạnh.
Cũng chính do nhập khẩu tăng như vậy, nhập siêu cũng tăng đột biến. Vậy đâu là những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này?

Trước hết, các số liệu thống kê 4 tháng vừa qua cho thấy, với ước khoảng 14,515 tỷ USD, xuất khẩu hàng hoá đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2006. Đây rõ ràng là tốc độ tăng không có gì khác biệt so với mấy năm gần đây (cùng kỳ năm 2006 tăng 22,9%; cùng kỳ năm 2005 tăng 23,6%).

Trong khi đó, với ước khoảng 16,776 tỷ USD, nhập khẩu hàng hoá đã tăng đại nhảy vọt 32,8% so với cùng kỳ năm 2006, bởi con số này ở thời điểm năm 2006 chỉ là 9,5% và năm 2005 cũng chỉ là 23,6%.

Chính do sự phát triển "lệch pha" như vậy, kim ngạch nhập siêu đã tới 2,261 tỷ USD, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2006 và tỷ lệ nhập siêu cũng đã lên tới 15,6%, trong khi các con số cùng kỳ năm 2006 chỉ ở mức rất khiêm tốn với 735 triệu USD và 6,2%.

Tình trạng này bắt nguồn từ ba lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, do khối lượng và giá xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng rất không đáng kể, cho nên kim ngạch xuất khẩu cũng tăng không đáng kể. Cụ thể, quan sát 8 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về khối lượng và giá trị xuất khẩu (gồm: dầu mỏ, than đá, gạo, cà phê, cao su, nhân điều, chè và hạt tiêu), có thể thấy kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng vừa qua chỉ tăng rất khiêm tốn 6,8% so với cùng kỳ năm 2006. Hơn thế, nếu quy về giá năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ tăng 4,5%.

Điều này có nghĩa là, tính bình quân, yếu tố giá của các mặt hàng này trong 4 tháng vừa qua chỉ làm tăng vỏn vẹn 2,3% kim ngạch xuất khẩu. Thực tế này có nghĩa là, trong điều kiện chúng ta gia nhập WTO, cho dù hoạt động xuất khẩu đã có nhiều thuận lợi hơn hẳn, nhưng do bị hạn chế về năng lực sản xuất ở những những mặt hàng này, cho nên xuất khẩu cũng không thể tăng mạnh.

Thứ hai, trong khi "đoàn tàu xuất khẩu" không thể bứt phá như vậy, chúng ta lại ở trong tình thế rất bất lợi do giá nhập khẩu một loạt mặt hàng trong bốn tháng qua đã tăng quá mạnh.

Trước hết, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, trong bốn tháng vừa qua, chỉ số giá của nhóm hàng năng lượng vốn chiếm 47,8% trong "rổ hàng hoá" xuất nhập khẩu trên thị trường thế giới đã tăng từ 266,6 điểm lên 284,4 điểm (năm 1990 = 100 điểm), tức là đã tăng 6,7%, còn nhóm hàng phi năng lượng chiếm 52,2% còn lại đã tăng từ 160,5 điểm lên 173,2 điểm, tức là đã tăng 7,9%. Đây chính là tác nhân đặc biệt quan trọng trong việc làm "khuyếch đại" tốc độ gia tăng tốc độ nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong những tháng qua.

Đây rõ ràng là điều hết sức bất lợi đối với một nền kinh tế phụ thuộc hết sức nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như nước ta. Bởi lẽ, giá nguyên liệu nhập khẩu đồng loạt tăng mạnh không chỉ khiến các doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của mình, mà còn góp phần đẩy mặt bằng giá tiêu dùng trong nước lên cao hơn nữa.

Đây chắc chắn cũng là một nguyên nhân rất quan trọng của việc giá tiêu dùng của nước ta trong những năm giá cả thế giới sốt nóng liên tục tăng cao hơn rất nhiều so với những nước ít phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường thế giới.

Thứ ba, bên cạnh đó, việc nhập khẩu tăng tốc rất mạnh như vậy còn bắt nguồn từ một nguyên nhân rất đáng mừng. Đó là, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng trong bốn tháng qua đã tăng đại nhảy vọt 52,7% và đạt con số kỷ lục 2,885 tỷ USD (cùng kỳ năm 2006 tăng 14,2%; cùng kỳ năm 2005 cũng chỉ tăng 18,9%).

Rõ ràng, việc tăng kim ngạch nhập khẩu gần 1 tỷ USD của nhóm hàng này đã chiếm gần một nửa trong tổng kim ngạch nhập siêu của nước ta trong bốn tháng vừa qua. Điều này chắc chắn bắt nguồn từ việc các hoạt động đầu tư đã bắt đầu được tăng tốc sau khi nước ta trở thành thành viên WTO.

Nói tóm lại, việc nhập khẩu đã lập tức tăng đại nhảy vọt ngay sau khi nước ta trở thành thành viên WTO là do sự cộng hưởng của ba yếu tố: xuất khẩu vẫn chưa tăng đột biến; giá nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường thế giới sốt nóng và đầu tư trong nước tăng tốc.

Do vậy, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng còn tiềm năng, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ vẫn là những bài toán nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu và nhập siêu của nước ta đã được đặt ra từ nhiều năm nay.



(vneconomy.vn)
Báo cáo phân tích thị trường