Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà Mau: Huyện U Minh quy hoạch phát triển 3 vùng sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp
25 | 06 | 2007
Trên cơ sở quy hoạch và phát triển sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp của tỉnh, huyện U Minh (Cà Mau) quy hoạch phát triển ổn định 3 vùng sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Cụ thể là vùng sản xuất nông nghiệp diện tích 38.200 ha chia thành 2 tiểu vùng gồm: tiểu vùng sản xuất hệ sinh thái ngọt 21.000 ha thuộc địa bàn các xã Khánh Tiến, Khánh Lâm và một phần xã Khánh Hòa, bố trí trồng lúa 2 vụ và lúa 1 vụ kết hợp nuôi cá đồng, phát triển vườn cây ăn quả; tiểu vùng sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm và nuôi tôm sinh thái 17.200 ha dọc theo hai bên bờ sông Cái Tàu thuộc xã Khánh An, Nguyễn Phích, một phần xã Khánh Hòa và thị trấn U Minh. Vùng rừng tràm 33.700 ha là vùng rừng kinh tế, phòng hộ, bảo vệ và ổn định môi trường, trong đó bố trí sản xuất lâm - ngư, lâm - nông kết hợp. Vùng ven biển và vùng biển phát triển rừng phòng hộ ven biển, khai thác thủy hải sản trên ngư trường biển Tây.

Từ việc quy hoạch phát triển 3 vùng sản xuất này, huyện U Minh đầu tư hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, trước mắt tập trung nguồn lực xây dựng những dự án công trình bức xúc phục vụ phòng chống cháy rừng tràm vào mùa khô, đáp ứng nhu cầu trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư kết hợp chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Theo đó, huyện U Minh ổn định diện tích canh tác lúa khoảng 26.000 ha gồm: lúa 2 vụ 9.000 ha, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng 5.000 và lúa - tôm trên dưới 12.000 ha với năng suất bình quân 3,5 tấn/ha. Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái hơn 1.000 ha. Sản lượng khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản năm 2006 khoảng 35.000 tấn các loại với trên 7.000 tấn tôm. Đặc biệt, sau nhiều năm bị mai một, nghề nuôi cá đồng truyền thống đang khôi phục phát triển trở lại với các mô hình nuôi dưới chân rừng tràm, ao đìa, ruộng lúa.

Tiếp đến, huyện U Minh trồng rừng theo hướng thâm canh để rút ngắn chu kỳ sản xuất kinh doanh cây tràm, tăng thu nhập cho nông dân đang được đầu tư phát triển nhằm từng bước thay thế cho rừng trồng tự nhiên kéo dài thời gian nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Tuy vậy, vùng kinh tế rừng tràm này còn nhiều bất cập và chậm phát triển do phát sinh mâu thuẫn giữa trồng rừng và trồng lúa, chưa tách biệt lúa ra khỏi rừng khiến tài nguyên rừng ngày càng nghèo kiệt đi, năng suất lúa giảm thấp. Hàng năm, chi phí lớn cho công tác phòng chống cháy rừng tràm mùa khô nhưng rừng vẫn thường xảy ra cháy, gây thiệt hại tài nguyên rừng. /

Nguồn tin: Agroviet

Báo cáo phân tích thị trường