Trong khi đó, kế hoạch thu hút nguồn vốn FDI mà Việt Nam đã đề ra trong cả năm 2007 là 12 tỷ USD, hướng tới 15 tỷ USD.Cụ thể, tổng số dự án cấp mới 6 tháng đầu năm nay là 575 dự án với tổng vốn đầu tư là 4,3 tỷ USD, tăng 69,6% về số dự án và 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Còn tổng số lượt dự án tăng vốn là 199 dự án có tổng vốn tăng thêm là 870 triệu USD, tăng 9,3% về số dự án tăng thêm và 16,8% về vốn bổ sung so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, quy mô vốn đầu tư trung bình cho một dự án trong 6 tháng đầu năm đạt 7,5 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân của cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu USD/dự án.
Số vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng qua tiếp tục tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, tuy nhiên, cơ cấu đầu tư này đã có sự chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ. Nếu như 6 tháng đầu năm 2006, tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là 72,7%, thì trong 6 tháng đầu năm 2007 giảm xuống còn 56,5%. Tương tự, tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ là 22,6% và 43,2%.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong thời gian qua một số ngành nghề dịch vụ đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, như xây dựng các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, sản xuất phần mềm, dịch vụ tư vấn - tài chính,…
Trong 6 tháng qua, Singapore đứng đầu trong 36 nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 890 triệu USD, chiếm 20,4% tổng vốn đăng ký của cả nước. Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 733,3 triệu USD, chiếm 16,8%, Ấn Độ ở vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký 527,3 triệu USD, chiếm 12,1% tổng vốn đăng ký.
Đối với các địa phương thì Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư đăng ký (724,6 triệu USD). Thừa Thiên Huế đứng thứ 2, chiếm 12,7% và Bình Dương đứng thứ 3, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, kết quả thu hút nguồn vốn FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, song chưa tạo ra được “cú hích” so với với những cơ hội mà Việt Nam đang có.