Nhất là khi Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp được thành lập thì đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm đến khi có ý định đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngài Abdelwahah Abdallah - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tunisie và đoàn doanh nghiệp vừa diễn ra ngày 26-28/6, hai bên cũng đã ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu đặc biệt; Nghị định thư về tham khảo ý kiến hai Bộ Ngoại giao, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa hai Chính phủ.
Thêm vào đó là yếu tố “địa lợi” khi Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN và Trung Quốc, trong khi đó Tunisie lại là cửa ngõ vào EU cũng như thị trường châu Phi rộng lớn. Đây là cơ hội tốt để kết nối môi trường kinh doanh hai nước.
Quan hệ thương mại Việt Nam-Tunisie những năm qua tăng trưởng ổn định (năm 2004, Việt Nam xuất khẩu sang Tunisie hơn 1,133 triệu USD và tăng lên hơn 3,175 triệu USD trong năm 2006), nhưng vẫn theo hướng nhập siêu. Các mặt hàng mà chúng ta nhập khẩu từ Tunisie chủ yếu là phân bón các loại, ngoài ra còn có một số mặt hàng khác như chất dẻo nguyên liệu, hàng hải sản, dầu mỡ động vật với kim ngạch khoảng 9,88 triệu USD năm 2006.
Ngược lại, Tunisie chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam hàng tiêu dùng và thực phẩm như: giầy dép các loại, cà phê, hạt tiêu, các loại chất dẻo..., trong đó hạt tiêu là sản phẩm tỷ trọng lớn nhất (31% giá trị xuất khẩu tương đương 983,558 USD).
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy cả Tunisie và Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào vào thị trường của nhau. Mặc dù tiềm năng đầu tư là có nhưng hai nước vẫn chưa phát huy được thế mạnh đó thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và khảo sát thị trường. Tunisie có thể đầu tư vào Việt Nam các dự án về phân bón, chất dẻo và hoá chất.
Bà Trần Bích Vân, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Cục Đầu tư nước ngoài sẵn sàng ký kết với cơ quan đầu tư nước ngoài của Tunisie để tăng cường hợp tác. Cục Đầu tư nước ngoài sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Tunisie.
Dự báo về những mặt hàng xuất khẩu sẽ “hot” trong năm 2007, ông Haib Ben DHIA, đại diện Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Tunisie nhận định các sản phẩm dệt may, cơ khí, công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong xuất nhập khẩu của Tunisie, trong đó có 75% sang thị trường châu Âu.
Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong các nước châu Á có quan hệ thương mại với Tunisie với kim ngạch khoảng 20 triệu USD trong năm 2006, đặc biệt cà phê và giày dép Việt Nam được thị trường Tunisie rất ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và phân bón đã trình bày quan điểm cũng như mong muốn của mình, đây là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm và muốn hợp tác với thị trường Tunisie.
Kỹ sư Lê Văn Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Thailoga, cho rằng mặc dù trong lĩnh vực dệt may cả Việt Nam và Tunisie đều có thế mạnh và đều là những nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới nhưng doanh nghiệp hai nước vẫn có thể hợp tác, liên doanh cũng sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường thứ 3.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho biết không chỉ ông mà nhiều doanh nhân Việt Nam khác vẫn còn e ngại khi đầu tư vào thị trường Tunisie vì quá thiếu thông tin thị trường cũng như về địa lý khá xa. Nếu tính bài toán kinh doanh thì rất khó để đầu tư nếu không có những sự hỗ trợ từ phía Chính phủ hai nước.
Bà Kiều Kim Nhung, Đại diện Công ty Kim Thành, cho biết hiện Công ty này đang cung cấp phân bón cho một số doanh nghiệp trồng rau sạch phía Bắc của thị trường Việt Nam. Kim Thành đang muốn cải tạo đất và muốn nhập khẩu phân bón vi sinh, công nghệ cao.
Về vấn đề này, ông Abderrazak Sebbagh, Giám đốc bán hàng tập đoàn phân bón Tunisie, cho biết hiện nay Tunisie là nước thứ 3 trên thế giới sản xuất phân bón, và sở hữu công nghệ sản xuất hàng đầu.
Ông cho rằng hai bên hoàn toàn có thể hợp tác trong lĩnh vực này, Tunisie sẽ cung cấp nguyên liệu, công nghệ cho phía Việt Nam, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ đồng thời là nơi trung chuyển hàng hoá vào các nước khu vực châu Á. Ông cũng tiết lộ công ty ông đã gặp gỡ một số đối tác Việt Nam, rất có thể một thương vụ làm ăn lớn với các doanh nghiệpViệt Nam sẽ được ký kết trong thời gian tới.
Tiềm năng là vậy nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tunisie vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân lớn nhất là doanh nghiệp của ta chưa chú trọng khai thác thị trường này, đặc biệt là khâu tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Hiện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Tunisie đang xúc tiến để thành lập Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp hai nước. Song để hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần nắm bắt thị hiếu và thói quen của người Tunisie