Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu vào thị trường EU: “Rào cản” từ ý thức
13 | 07 | 2007
Mặc dù có những bước tiến đáng kể từ sau khi VN gia nhập WTO, song xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Trong buổi công bố kết quả khảo sát DN xuất khẩu sang EU, TS Võ Trí Thành – Trưởng Ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đã có cuộc trao đổi với DĐDN về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội XK vào thị trường EU giai đoạn hậu WTO?

Theo tôi, với tư cách là thành viên của WTO, VN sẽ có cơ hội lớn trong việc thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, EU cũng là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới với 27 quốc gia thành viên nên VN cũng có nhiều khả năng tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Các mặt hàng truyền thống (sử dụng nhiều lao động và tài nguyên) của VN vẫn có khả năng cạnh tranh cao ở EU. Song điều này đồng nghĩa với việc phần lớn hàng hoá VN có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động trên thị trường thế giới.

- Với tư cách một nhà nghiên cứu, theo ông DN cần lưu ý gì khi XK vào thị trường này?

Theo tôi, khi tham gia xuất khẩu vào EU, có 3 vấn đề lớn cần lưu ý.

Thứ nhất, cần nhìn nhận từ góc độ phía cầu - tức góc độ thị trường EU về sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như là phân khúc thị trường, dân số... Ở đây, điều rất quan trọng là nhận thức và khả năng thích ứng. Chơi với thế giới thì đừng nói rằng tôi không thích sản phẩm đó thì tôi không làm. Tham gia xuất khẩu vào thị trường EU, nhất là trong giai đoạn hậu WTO, chúng ta cần thay đổi nhận thức, không buôn bán theo kiểu bán lẻ, bán sỉ mà phải thích ứng theo những tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tích cực tiếp cận thông tin, học hỏi những bài học quá khứ của các nước và của chính VN. Qua đó, DN tổ chức lại sản xuất, dần dần đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Thứ hai, những rào cản và ý thức của người kinh doanh nhìn nhận, ứng xử với những rào cản đó như thế nào. DN cần phải chấp nhận và nâng cao khả năng thích ứng với những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, những rào cản kỹ thuật khác của các thị trường văn minh. Thay vì tư thế bị động như trước, DN cần chủ động ứng phó ngay từ đầu để có thể kiểm soát được sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo ra một quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, phản ứng nội tại của DN và Hiệp hội. Thực tế là nhiều DN chưa thực sự nắm rõ các quy định liên quan của EU, chưa coi trọng việc liên doanh liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, vai trò của Hiệp hội, mặc dù được nhiều DN đánh giá là rất quan trọng trong việc kiến nghị hoạch định và điều chỉnh chính sách, đại diện cho DN kiến nghị với Chính phủ về nhu cầu, nguyện vọng... nhưng trong hỗ trợ đào tạo thì DN chưa coi vai trò của Hiệp hội là quan trọng. Trong khi đó, con người, nguồn nhân lực lại là vấn đề khó khăn nhất đối với DN hiện nay. Điều đó chứng tỏ vai trò của Hiệp hội với những điều mà DN mong muốn còn hạn chế.

- Thưa ông, theo một số DN còn vấn đề lớn mà DN XK sang EU phải đối mặt, đó là quy định chống bán phá giá. Vậy theo ông đây có thực sự là một rào cản?

Là thành viên của WTO, xuất khẩu của VN sẽ được bảo vệ tốt hơn chống lại các biện pháp bảo hộ như kiện chống bán phá giá. Song chắc chắn DN vẫn tiếp tục gặp những vấn đề này ở thị trường EU bởi thị trường này nổi tiếng là khắt khe, khó tính, hơn nữa, các quy định pháp lý giữa VN và EU cũng có sự khác biệt đáng kể. Song điều quan trọng là chúng ta phải học cách ứng xử với thông tin về các quy định của EU liên quan đến chống bán phá giá để không bị họ đưa ra kiện, hoặc trong trường hợp bị áp dụng những biện pháp chống bán phá giá thì DN cũng hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất.

Chúng tôi nhận thấy nhiều DN trong lĩnh vực may mặc, giày da – vốn đã khá quen thuộc với thị trường EU, đã ý thức được vấn đề này. Kinh nghiệm của họ trong phòng ngừa nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá và giảm thiệt hại khi bị EU áp thuế chống bán phá giá là cần ghi chép sổ sách minh bạch, tuân thủ các quy định xuất khẩu của EU, xây dung thương hiệu, kiến nghị EU xem xét trước khi đưa ra quyết định, chuyển đổi xuất khẩu hàng hoá có giá trị cao... Tuy nhiên, DN cần biết hợp tác với nhau thông qua Hiệp hội để sẵn sàng chuẩn bị đối phó với các vụ kiện, tranh chấp trên thị trường xuất khẩu. Đồng thời, họ cần phối hợp với Chính phủ và Hiệp hội, kể cả các tổ chức NGO để tạo những áp lực khác nhau khi gặp sự cố này, chẳng hạn như trong vụ kiện giày da, chúng ta đã phối hợp với các tổ chức NGO để có những ứng xử rất quan trọng.

- Thưa ông, việc xây dựng thương hiệu có vai trò rất quan trọng đối với các DN xuất khẩu. Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị rằng DN nên đăng ký nhãn hiệu ở EU nếu muốn giữ được và mở rộng thị phần?

Đúng vậy. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 49% DN sử dụng nhãn hiệu của EU cho sản phẩm của mình. Số DN sử dụng nhãn hiệu riêng là 44,3%, đặc biệt số DN sử dụng nhãn hiệu riêng có đăng ký bảo hộ rất ít – 23,6%. Như vậy, DN chưa thực sự coi việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu là yếu tố sống còn...

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng Chính phủ vẫn chưa sử dụng hết những hỗ trợ xuất khẩu mà WTO cho phép. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Theo quy định, WTO cho phép Chính phủ hỗ trợ những lĩnh vực có sự lan toả tốt. Tại VN hiện những lĩnh vực có sự lan toả tốt vẫn còn rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như giáo dục đào tạo, kết cấu hạ tầng hay lĩnh vực thể chế... Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề cụ thể, ví dụ WTO cho hỗ trợ trong nước đối với lĩnh vực nông nghiệp không quá 10% tổng doanh thu mà mình chưa sử dụng hết, nhưng hỗ trợ như thế nào là một cách khác, rồi vùng nghèo cũng được hỗ trợ, hỗ trợ nghiên cứu triển khai, khuyến nông, đóng gói bao bì, vận tải, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm tín dụng...

Nhưng thực tế, những vấn đề mà WTO cấm thì VN đang làm nhiều, còn những vấn đề WTO cho phép thì VN đang làm ít. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết tiếp cận thông tin và thay đổi tư duy.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Đăng Doanh – Chuyên gia cao cấp, Bộ KH-ĐT: Theo kiện và tự vệ

Trong giai đoạn hiện nay, VN cần nghiên cứu và tìm cách theo kiện, ứng phó với các vụ kiện bán phá giá. Theo kiện, không hi vọng rằng mình sẽ thắng kiện nhưng trong trường hợp giảI trình được các vấn đề mà đối tác nghi ngờ thì những phán quyết của Toà án sẽ nhẹ đi rất nhiều. Ví dụ trong vụ kiện tôm, Hoa Kỳ đã kiểm tra các hoá đơn chứng từ của một số DN VN, và họ phát hiện giữa một hoá đơn và chứng từ thanh toán kèm có chênh nhau 0,20 USD. Khi DN này giải trình được thì Hoa Kỳ đã chấp nhận và giảm thuế từ 30% xuống còn 9%.

Bên cạnh đó, VN cũng có thể sử dụng các biện pháp tự vệ (hợp với luật chơi chung) bởi kể cả khi ở thế yếu thì chúng ta vẫn có thể tìm được “gót chân achilles” của đối tác để có cách ứng xử thích hợp.

Bà Nguyễn Thị Nhiễu – Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường, Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Thương mại: Nên sử dụng đồng Euro

Theo kết quả khảo sát của CIEM, 43,5% DN có phân tích rủi ro về biến động tỷ giá khi sử dụng ngoại tệ trong giao dịch và có 27,42%DN sử dụng EUR trong giao dịch XNK với EU theo yêu cầu của đối tác. Các DN sử dụng EUR cũng thống nhất đánh giá những tiên lợi của việc sử dụng đồng EUR trong giao dịch XNK như (1) phương thức thanh toán thuận lợi, thống nhất giữa các nước EU; (2) giảm thời gian giao dịch; (3) giảm sự phụ thuộc vào đồng USD; (4) giảm chi phí giao dịch; (5) giảm chi phí chuyển đổi tiền tệ và (6) không lo xảy ra tình trạng khan hiếm EUR trong giao dịch...

Với cơ sở kinh tế vững mạnh của đồng EURO, với những tiện lợi là đồng nội tệ của EU và để bảo hiểm rủi ro do biến động tỷ giá hối đoái trong thương mại quốc tế, các DN nên đa dạng hoá các phương tiện thanh toán quốc tế của mình bằng cách tăng sử dụng EUR trong hợp đồng XNK với EU và XNK nói chung.

Ông Nguyễn Bảo – Cục phó Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Thương mại: Thay đổi cơ cấu gia công và XK trực tiếp

Đối với thị trường EU, thực chất chúng ta chưa có nó. Hầu hết sản phẩm của VN đang vào thị trường thế giới nói chung, thị trường EU nói riêng không phảI bằng thương hiệu, hệ thống phân phối của DN VN. Từ kiểu dáng, thương hiệu, phụ liệu... cho đến thương mại hoá sản phẩm đều hoàn toàn do phía đơn đặt hàng tiến hành. Trong một nghiên cứu của chúng tôI vàI năm trước, bộ phận thực sự làm marketing ở các DN lớn trong nước đều rất yếu bởi thực tế, họ không phảI làm marketing. Chúng ta gia công rất lớn. Những ngành đang tỏ ra là có thế mạnh xuất khẩu như may mặc, giày da… tôi nghĩ tỷ lệ gia công phảI chiếm trên 80%. Do đó, chúng ta chỉ có được một phần rất nhỏ giá trị gia tăng trong đó. Như vậy, theo tôi, trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, cần thay đổi cơ cấu gia công và sản xuất thực thì mới gia tăng được phần giá trị cho mình.



Báo cáo phân tích thị trường