Đó là mục tiêu của 3 ngày tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về các "bí quyết" xuất khẩu sang EU, diễn ra từ ngày 29/6 đến 1/7 tại TP HCM. Hoạt động này do Chương trình liên kết đầu tư Châu Á (Asia Invest) phối hợp với Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Đức (Sequa) cùng Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), tổ chức.
Theo EuroCham, hoạt động "tư vấn về xuất khẩu sang EU" lần này gần như trao cho các doanh nghiệp Việt Nam chiếc chìa khóa để vào được ngôi nhà EU một cách đĩnh đạc và an toàn.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết rõ phương pháp xuất khẩu vào EU các mặt hàng vật liệu xây dựng, điện, hàng may mặc, thực phẩm... mang lại hiệu quả cao và không bị "phản đòn" bởi các rào cản kỹ thuật. Thủ tục hải quan vào EU và làm sao để được hưởng thuế ưu đãi GSP; mạng lưới và phân khúc thị trường EU... cũng là những chuyên đề đáng chú ý sẽ được các chuyên gia kinh tế thế giới "mổ xẻ" trước doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay số đông doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn có thói quen xuất khẩu dựa theo kinh nghiệm, đối tác riêng hoặc nhu cầu thời vụ của khách hàng mà chưa chú trọng đến việc nghiên cứu, trang bị kiến thức về đặc trưng của mỗi thị trường một cách lâu dài. Chính vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hay bị "va vấp" bởi các hàng rào kỹ thuật của những thị trường này. Nhiều trường hợp đã bị trả hàng về một cách đáng tiếc. Điển hình nhất là các ngành xuất khẩu thủy sản, lương thực, dệt may...
Theo Bộ Thương mại, EU đang đứng ở Top 5 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và là thị trường tiềm năng của các ngành công nghiệp dệt may, thực phẩm, thủy sản, điện và vật liệu xây dựng... Sự phát triển về thương mại cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải "ăn dầm nằm dề" ở thị trường này, cũng như đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều vụ kiện thương mại lớn, đặc biệt là kiện chống phá giá.