Tháng 5 và 6/2007, kết quả xuất khẩu (XK) có nhích lên, song do kim ngạch XK 4 tháng đầu năm thấp, kết cục XK 6 tháng mới đạt 22,455 tỉ USD, tăng 19,4% so với 6 tháng năm 2006 (năm 2006 chỉ số này là 25,7%), bình quân 3,74 tỉ USD/tháng, trong khi mục tiêu phấn đấu là 4 tỉ USD/tháng. So với kế hoạch Nhà nước, nửa năm mới đạt được 48%. Các thị trường đều tăng thấp
Sáu tháng qua, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thường là đầu tầu tăng trưởng, (chỉ tăng 15,8%), thấp hơn mức tăng trưởng chung và nhường vị trí đó cho khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước (tăng 24,3%). Tiếc rằng khối trong nước có quy mô không lớn, tỷ trọng nhỏ hơn trong cấu thành tổng trị giá XK, nên dù tăng khả quan cũng không gồng nổi cả tổng kim ngạch.
Tuy các thị trường XK chủ yếu đều tăng, nhưng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2006 so với năm 2005. Hoa Kỳ tăng 23,1% (năm 2006 là 43%), EU tăng 25,6% (cùng kỳ 32%), châu Á chỉ tăng 11% (năm 2006 là 23%).
Có 4 tác nhân dẫn đến hiện tượng đó là: Lượng hàng hoá bị sụt giảm, việc đầu tư mở rộng sản xuất tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hoá XK còn nhiều bất cập; khả năng cạnh tranh của hàng hoá chưa cải thiện; gặp nhiều rào cản từ các thị trường XK.
Nhận diện các tác nhân với từng thị trường
Dầu thô là mặt hàng có kim ngạch đầu bảng - sự thăng trầm của nó ảnh hưởng rõ rệt đến tổng kim ngạch XK và của khối FDI thì 6 tháng qua sản lượng khai thác chỉ đạt có 45,9% kế hoạch, mục tiêu XK đề ra 1,46 triệu tấn, thực tế chỉ đạt 1,28 triệu tấn, trong khi đó giá bình quân giảm 18 USD/tấn. Hiện nay, ngành dầu khí dự kiến giảm chỉ tiêu khai thác từ 17,5 triệu tấn xuống 16,8 triệu tấn, kim ngạch XK dầu thô cả năm giảm sút là khó tránh khỏi.
XK gạo không bằng năm trước, do lại gặp phải khó khăn về vận tải. Cước phí đã tăng thêm 20 đến 25 USD/tấn, chiếm từ 30 – 35 % giá XK, mà vẫn khó thuê tầu và giá trong nước đang ở mức cao, chưa thấy có dấu hiệu chững lại. Hai điều này làm cho gạo Việt Nam khó cạnh tranh. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì việc thương nhân nước ngoài quay lại NK gạo Thái lan chỉ còn là thời gian.
Chè đang thăng tiến chợt xuất hiện việc thương nhân bên kia biên giới tận thu chè vàng nguyên liệu ở một số tỉnh phía Bắc rồi lan cả vào Lâm Đồng, với giá cao một cách đáng ngờ, không cần phẩm cấp, thu hái bằng cả dao liềm phạt ngọn, cắt cành, ảnh hưởng đến việc tái sinh vườn chè. Chè tươi “sấy khô” bằng nắng mặt trời trên mặt đường bụi bẩn. Điều đó báo hại nhiều doanh nghiệp vì thiếu nguồn chè nguyên liệu và đã phải đơn phương huỷ hợp đồng với nước ngoài, chẳng những bị phạt vi phạm hợp đồng, mà còn phải giải quyết công nhân thiếu việc làm và bị vạ lây tai tiếng về những lô chè xô bồ, phơi phóng mất vệ sinh.
Cao su năm 2006 nhảy vọt cả về số lượng và trị giá, luôn dẫn đầu mức tăng trưởng. Sang năm 2007 chững lại hẳn, chỉ tăng 1,5% so với 6 tháng năm 2006, vì lượng giảm và vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Rau hoa quả tuy tỷ lệ tăng cao (20,8%), nhưng kim ngạch cũng chưa bõ bèn gì. Vải thiều miền Bắc được mùa mà… lo, vì đầu ra nước ngoài với vải sấy khô, vải đóng hộp đều ngắc ngứ. Bán trong nước rẻ như cho, nhiều vườn vải chín đỏ, bán chưa chắc đủ tiền công thuê hái. Các tỉnh phía Nam, dù đang vụ thu hoạch cây trái ở miệt vườn tại ĐBSCL, song trái cây nước ngoài tràn vào từ siêu thị nơi thị thành đến các chợ vùng quê, khiến giá trái cây nội rớt giá.
Với thuỷ sản, càng chồng chất thêm khó khăn. Việc tranh nhau đánh bắt, làm mất cân đối giữa ngư trường với số lượng tầu thuyền đánh bắt, có vùng tới 40 tầu/km2, khiến một số loài thuỷ sinh có nguy cơ bị xoá sổ, càng gây áp lực cho việc thiếu nguyên liệu, đẩy giá nguyên liệu lên cao… Việc Nhật Bản áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thuỷ sản XK, không những làm cho chi phí tăng mà hàng còn bị ứ lại các cảng. Chi phí trọn gói mỗi lần kiểm tra một lô hàng khoảng 1.000 USD, chưa kể số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm tra nội địa trước khi ra cảng, nên việc XK tôm vào Nhật thường chiếm 40% trị giá XK, các tháng đầu năm chỉ còn khoảng 29 %. Cá tra vốn đã gặp trở ngại tại EU nay lại thêm Nga, bởi trong lúc bạn nghiêm ngặt hơn về chính sách kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì lại phát hiện các lô hàng từ Việt Nam nhiễm kháng sinh cấm. Kết cục là thuỷ sản tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung.
Hàng thủ công mỹ nghệ nhiều tiềm năng và tỷ lệ lợi nhuận cao, XK được 1 triệu USD giải quyết được từ 3 đến 5 nghìn việc làm, song nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt; 90% mẫu mã dựa trên đơn đặt hàng của nước ngoài; cơ sở sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, XK bắt đầu bí bách. Theo lộ trình để tới 1,5 tỉ USD năm 2010, thì năm 2007 phấn đấu 800 triệu USD, nghe chừng khó.
Cà phê Việt Nam thơm ngon, người nước ngoài đều muốn thưởng thức, nhưng XK vẫn bị ép giá. Câu chuyện đã nhàm chán nào là do hái xanh, tranh nhau mua; phơi sấy không đúng kỹ thuật; thiếu vốn để trang bị máy móc thiết bị và sau cùng là tranh nhau XK và cũng chỉ ở dạng xô… đã có nhãn tiền là 600 nghìn bao cà phê bị thải loại ở cảng Antwerp (Bỉ) trong niên vụ 2005 – 2006.
Tác động của việc áp thuế chống bán phá giá của EU đối với XK giày da có lẽ đến nay mới thấm, nên XK trong những tháng đầu năm vào thị trường này giảm, trong khi xuất sang Nhật, Hoa Kỳ tăng không đáng kể. Tổng hoà, 6 tháng chỉ tăng 10,7% trong khi 6 tháng năm ngoái tăng 20, 3%. Việc đạt mục tiêu cả năm còn lắm gian truân.
Với hàng dệt may, phấn đấu năm 2007 tăng 27% so với năm 2006, nghĩa là mỗi tháng phải đạt 600 triệu USD, nên dù có đạt 3,4 tỉ USD, tăng 25,9% vẫn không đạt yêu cầu. Khách hàng Mỹ chậm ký hợp đồng cho quý III/2007 vì còn theo dõi diễn biến việc giám sát hàng dệt may từ phía họ, nên khả năng đạt mục tiêu cả năm còn phải tính.
Cũng từng hy vọng đến nhóm “mặt hàng khác” rằng trong số đó có một số mặt hàng chưa thành danh nhưng năng lực sản xuất tiềm tàng, XK chưa vấp rào cản, thường tăng trưởng cao… Song khi lục lọi trên hai chục mặt hàng trong nhóm này mới thấy triển khai ý tưởng đó không dễ, bởi chỉ có các sản phẩm từ sắn, sản phẩm chế tạo từ gang thép, sản phẩm từ giấy và đặc biệt là có cả tái xuất… xăng dầu, có cao lắm cũng chỉ đến trăm triệu USD, còn các mặt hàng khác không đáng kể, nên dù có tăng đột biến, cũng chưa thể làm xoay chuyển tình thế XK đang “thủng thẳng”.
Xe đạp và phụ tùng xe đạp được kể cuối cùng vì là một trong 2 mặt hàng giảm và lại giảm lớn nhất. Có hay không sự tụt dốc của mặt hàng này vì 6 tháng năm 2006 cũng chỉ bằng 82,4% 6 tháng đầu năm 2005.
Trong khi XK gặp những trở ngại, thì chỉ số tăng giá (CPI) diễn biến không bình thường. Chỉ số tăng giá tháng 6/2007 là 0,83%, cao hơn tỉ số tăng giá bình quân 5 tháng đầu năm (là 0,77%), nên mới qua nửa năm mà chỉ số tăng giá đã tới 5,2%, (trong khi 6 tháng đầu năm 2006 CPI là 4 %). Việc tăng giá nội địa lập tức được “kính chuyển” vào giá thành hàng hoá XK, đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh sẽ giảm đi.
Với hiện trạng này, có lẽ đã đến lúc đặt câu hỏi: “Phải chăng doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự chủ động tận dụng triệt để cơ hội mang lại sau khi gia nhập WTO?”.