Thời ông Hai An còn trẻ, nhiều vùng ở Bình Thuận đã có cây thanh long, nhưng chỉ để làm cảnh, thỉnh thoảng cắt lấy vài quả đơm cúng ông bà vào ngày rằm, mồng một. Ðầu những năm 90 (thế kỷ 20), khi thanh long được nhiều người biết đến, nhất là một số thương lái từ Ðài Loan, Hồng Công tỏ ra rất ưa chuộng loại quả có tên "rồng xanh" này, thì cây thanh long hàng hóa ở Bình Thuận bắt đầu phát triển mạnh và đến nay, diện tích vẫn liên tục phát triển. Hằng năm, vào đầu tháng 3 âm lịch, ở miệt miền núi Hàm Thạnh, thanh long bắt đầu trổ hoa, vùng đồng bằng trễ hơn, khoảng đầu tháng 4. Từ lúc thanh long ra hoa đến khi thu hoạch quả khoảng 50 ngày và mùa chính vụ của thanh long kéo dài đến hết tháng 8 âm lịch. Khi thanh long ngừng ra hoa, bắt đầu nảy nhánh, nhà vườn tập trung chăm sóc, bồi bổ cây cho vụ sau. Từ khi phát hiện ra việc chong đèn vào ban đêm cho thanh long ra quả trái vụ, thì người nông dân Bình Thuận có thể "điều chỉnh" cho thanh long ra hoa vào tháng nào trong năm cũng được.
Chuyện phát hiện thanh long có thể ra hoa không phải ở thời điểm chính vụ cũng hết sức tình cờ. Không nhớ chính xác năm nào, nhưng lúc ấy thanh long chưa nhiều như bây giờ. Ðể bảo vệ lứa vịt Tết nuôi nhốt trong vườn thanh long, một hộ chăn nuôi ở Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, đã thường xuyên thắp một bóng đèn điện tại chuồng vịt vào ban đêm. Thời điểm ấy, thanh long đã "nghỉ" ra hoa từ lâu, nhưng không hiểu sao, những dây gần chuồng vịt vẫn cứ ra hoa bình thường. Chuyện lạ này được một lão nông láng giềng để ý và ông đã thử nghiệm chong đèn cho thanh long vào ban đêm ở vườn nhà... Kể từ đó, việc chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ ở Bình Thuận đã trở thành phổ biến và mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần cho người trồng. Theo ông Hai An, thời điểm chong đèn thích hợp nhất là vào giữa tháng 7 âm lịch. Chong đèn liên tục 15 đêm thì thanh long bắt đầu ra hoa. Sau khi cắt lứa quả này, tập trung bồi dưỡng cho cây khỏe lại, khoảng một tháng sau, tiếp tục chong đèn lứa mới. Với cách điều chỉnh mùa vụ như thế, mỗi năm, ngoài vụ chính, thanh long ít nhất cũng cho thêm hai lứa quả nhờ chong đèn. Bà con thường chong đèn cho thanh long vào lúc đầu và cuối vụ để bán được giá hơn.
So với nhiều loại cây trồng khác ở Bình Thuận, thanh long có năng suất rất cao, bình quân khoảng 20 tấn quả/ha/năm, nếu thâm canh tốt, có thể đạt 40 đến 50 tấn quả. Theo tính toán của nhiều nông hộ, một ha thanh long, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 80 đến 200 triệu đồng.
Năm 1990, nhà ông Hai An đầu tư trồng 400 trụ thanh long, đến nay vườn thanh long nhà ông đã được 1.400 trụ, tương đương 1,4 ha. Năm 2006, trừ hết chi phí, gia đình ông Hai An có thu nhập từ thanh long khoảng 160 triệu đồng. Năm nay, dự tính lãi ròng không dưới 200 triệu đồng. Tương tự như gia đình ông An, Bình Thuận hiện có khoảng 10 nghìn nông hộ đầu tư trồng 8.475 ha thanh long, tập trung tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, TP Phan Thiết và không ít người trở thành triệu phú, tỷ phú từ thanh long. Năm 2006, Bình Thuận có khoảng 5.300 ha thanh long cho thu hoạch với sản lượng gần 130 nghìn tấn quả. Tới giờ, vẫn chưa có cây trồng nào ở Bình Thuận "qua mặt" được thanh long về hiệu quả kinh tế một cách ổn định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết: Theo kế hoạch, năm 2007, toàn tỉnh phát triển thêm khoảng 700 ha thanh long, nhưng mới đến cuối tháng 6, diện tích thanh long trồng mới đã là 1.466 ha. Tuy nhiên, việc sản xuất thanh long ở Bình Thuận chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và cũng chưa có cơ quan chuyên môn nào định hướng, khuyến cáo cho bà con nông dân.
Do chưa có nhà máy chế biến, nên quả thanh long ở Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ tươi ở thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu trực tiếp, hoặc bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài tỉnh. Công nghệ sơ chế và bảo quản quả thanh long cũng đơn giản. Sau khi thu hoạch, chủ yếu là dùng nước ô-dôn để rửa quả, rồi đóng gói, bảo quản bằng kho lạnh. Trên địa bàn Bình Thuận hiện có sáu doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thanh long, 40 cơ sở thu mua cung ứng xuất khẩu và hàng trăm hộ làm "vệ tinh" thu gom thanh long. Năm 2006, Bình Thuận xuất khẩu hơn 22 nghìn tấn quả, đạt giá trị khoảng 13,6 triệu USD, chiếm 13,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm của tỉnh. Từ đầu năm 2007 đến nay, Bình Thuận cũng đã xuất khẩu hơn 12.500 tấn quả thanh long. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của thanh long Bình Thuận là các nước lân cận ở châu Á. Ðiều đáng quan tâm là sự liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng thanh long lỏng lẻo. Trừ một số rất ít doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa tổ chức xuất khẩu, hầu hết số còn lại đều thu mua hàng trôi nổi, nhất là các hộ thu gom nhỏ lẻ. Tình trạng này rất khó kiểm sóat được việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng trong sản xuất thanh long. Ông Lê Thanh Hải ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, bức xúc: Hầu hết bà con trồng thanh long chúng tôi đều sản xuất thanh long sạch, ai cũng biết phải cách ly thuốc bảo vệ thực vật ít nhất là 15 ngày trước khi thu hoạch. Thế nhưng, trong thực tế, có nhiều tư thương vì muốn có quả to, quả đẹp, đã "mách nước" cho một số nhà vườn sử dụng thuốc mà không nghĩ tới sự an toàn của người ăn quả. Vì cái lợi trước mắt, một số bà con trồng thanh long đã làm theo. "Làm như vậy, chẳng khác nào tự đổ nồi cơm của mình, nếu một ngày nào đó, người tiêu dùng ngại đụng đến quả thanh long. Thanh long bây giờ có quả quanh năm, nông dân chúng tôi bảo đảm sản xuất an toàn, vấn đề là các nhà xuất khẩu phải liên kết chặt chẽ với chúng tôi để tiêu thụ ổn định lâu dài, đôi bên cùng có lợi" - ông Hải cho biết thêm như vậy.
Thanh long từng là cây "xóa đói, giảm nghèo" và nay đã là cây làm giàu, không chỉ riêng cho nông dân Bình Thuận. Tỉnh Bình Thuận xác định quả thanh long là một trong những sản phẩm lợi thế của địa phương, do vậy cũng đã có nhiều việc làm thiết thực để "rồng xanh" bay xa hơn.
Giữa tháng 11-2006, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa thanh long Bình Thuận, được xác định là tài sản quốc gia và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên phạm vi toàn quốc. Tỉnh cũng đã thành lập một hợp tác xã (HTX) thanh long theo tiêu chuẩn châu Âu ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam và cuối tháng 10-2006, HTX này đã được Tổ chức giám sát quốc tế (IMO) công nhận đạt tiêu chuẩn EUREPGAP. Mới đây, quả thanh long được sản xuất tại HTX Hàm Minh đã xuất khẩu sang thị trường Ðức, mở đầu cho thanh long Bình Thuận có thể tiếp cận các thị trường khó tính ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, những gì đã làm được là còn quá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Thạc sĩ Ðào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển thanh long Bình Thuận, cho biết: Cây thanh long mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi đó diện tích lại phát triển tràn lan, mạnh ai nấy làm. Giữa thời hội nhập này, nếu không thay đổi cách sản xuất theo hướng chất lượng, thì thanh long Bình Thuận khó có ưu thế cạnh tranh.
Dự tính đến năm 2010, Bình Thuận sẽ đưa diện tích thanh long toàn tỉnh lên khoảng 10 nghìn ha, sản lượng quả thu hoạch khoảng 200 nghìn tấn, trong đó có khoảng 110 nghìn tấn xuất khẩu đem về giá trị từ 50 đến 60 triệu USD. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cũng đã ký kết với đơn vị tư vấn xây dựng dự án tổng thể phát triển thanh long Bình Thuận giai đoạn 2006-2010, nhằm nâng cao giá trị cây thanh long tương xứng với thực tế, tiềm năng và bảo đảm sự phát triển một cách bền vững. Tuy vậy, chuyện đó cũng còn khá xa, vì theo dự kiến đến cuối năm nay, dự án này mới hoàn thành về mặt lý thuyết. Trong khi đó, thực tế sản xuất thì đâu có chờ đợi một ai.
Hàng chục nghìn hộ nông dân khác ở Bình Thuận đang rất cần chuyển giao những tiến bộ mới về trồng, chăm sóc cây thanh long và những bộ giống mới, đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng. Họ cũng đang rất cần một thị trường tiêu thụ ổn định để cùng thi đua làm giàu từ cây trồng lợi thế của địa phương. Ðược như vậy, "rồng xanh" từ Bình Thuận sẽ bay xa hơn, trở thành sứ giả thân thiện đến với nhiều bạn bè trên thế giới.