Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường nông sản 20 -27/7/2007
28 | 07 | 2007
Tuần qua, trên thị trường thế giới, giá gạo tăng mạnh, giá cà phê Arabica xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua, giá cà phê Robusta đã giảm nhẹ sau khi đạt tới ngưỡng cao nhất kể từ năm 1998. Giá hạt tiêu, ca cao, đường và cao su tăng trong khi giá các loại ngũ cốc lại đang có xu hướng giảm. Tại thị trường trong nước, giá đường và các mặt hàng thuỷ hải sản đang tăng dần ở thành phố HCM. Giá thịt bò và các loại rau hoa quả cũng tăng, giá thịt lợn đang giảm vì ảnh hưởng của dịch “tai xanh” và “bệnh liên cầu” lợn

Tin giá Thế giới:

Trong tuần qua, giá gạo trên nhiều thị trường ở Châu Á tăng mạnh do giá xăng dầu tăng làm cước phí vận chuyển gạo tăng theo. Tại Bangkok, giá FOB gạo đồ 100% ngày 24/7 đạt 343 USD/tấn, giá FOB gạo 5% tấm được bán ở mức 336 USD/tấn, tăng trung bình 10-13 USD/tấn so với tuần trước. Giá cà phê Arabica NewYork tăng cao do hoạt động mua bù thiếu của các quỹ đầu tư. Trong phiên giao dịch ngày 25/7, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9/07 đạt 115,75 cent/lb, tăng 3,4 cent/lb so với phiên giao dịch cuối tuần trước đồng thời đạt mức cao nhất trong vòng một tháng nay (kể từ ngày 22/6/07). Trái với cà phê Arabica, giá cà phê Robusta sau khi tăng cao đến đỉnh điểm vào giữa tháng 6 đạt mức kỷ lục cao nhất trong 9 năm qua, đến cuối tuần này giá đã giảm nhẹ (khoảng 15 USD) xuống mức 1838 USD/tấn. Nguyên nhân giá giảm do Indonesia - nước trồng nhiều cà phê Robusta nhất thế giới- đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, lượng xuất khẩu cà phê Robusta của Indonesia tăng gây bất lợi cho giá. Giá cà phê Robusta giảm xuống sẽ là tin mừng cho những doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam hiện đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong bối cảnh nguồn dự trữ trong nước khan hiếm.

Giá hạt tiêu trên thị trường thế giới tăng nhẹ vào những ngày cuối tuần do nhu cầu mạnh từ Mỹ và Châu Âu. Mức giá tăng trung bình khoảng 50 USD/tấn. Hiện Việt Nam đang chào bán hạt tiêu 500 GL giá 3.450 USD/tấn, hạt tiêu 550 GL giá 3.600 USD/tấn, còn V Asta giá 4.125 USD/tấn. Indonexia chào giá hạt tiêu L Asta 4.150 USD/tấn, hạt tiêu cùng loại của Ấn Độ giá 4.000-4.050 USD/tấn. Giá ngô và đậu tương giảm nhẹ do điệu kiện trồng trọt thuận lợi làm tăng nguồn cung cho thị trường. Tại thị trường Chicago, giá ngô trong tuần đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua do xuất hiện mưa nhiều tại các vùng trồng ngô ở Iowa và Nebraska đang bị khô hạn. Giá ngô giao thời hạn 9/07 trên thị trường Chicago vào thời điểm giữa tuần giảm xuống 3,235 USD/bushel so với mức 3,547 USD/bushel của tuần trước. Giá bột đậu tương làm thức ăn gia súc giảm xuống mức 8.69 USD/tấn (so với 9,09 USD/tấn ở thời điểm ngày 13/7).

Giá đường kỳ hạn trên thị trường thế giới đồng loạt tăng trong tuần. Tại sở giao dịch New York, đường thô kỳ hạn tháng 10/07 tăng 0,43 cent/lb, đường kỳ hạn tháng 8 tăng 0,46 cent lên mức 10,75 cent/lb. Tại London, đường trắng kỳ hạn tháng 8/07 tăng 3 USD, đạt mức 311,5 USD/tấn, đường trắng kỳ hạn tháng 10/07 tăng 1,9 USD lên 313,3 USD/tấn. Giá đường tăng do hoạt động đầu cơ tăng, do các nhà sản xuất đang có xu hướng tăng giá đồng thời giá dầu tăng cũng làm ảnh hưởng tới việc tăng giá nhiều mặt hàng xuất khẩu trong đó có đường.

Giá ca cao đang tăng trở lại sau một đợt giảm giá liên tục trong tuần giao dịch trước. Tại sở giao dịch London, trong phiên giao dịch giữa tuần, giá ca cao kỳ hạn tháng 9/07 tăng lên mức 1.109 bảng Anh/tấn, tăng 9 bảng Anh/tấn so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Tại sở giao dịch NewYork, giá ca cao cùng kỳ hạn cũng tăng 2.109 USD/tấn so với mức 2.075 USD/tấn vào cuối tuần trước đó.

Giá cao su tăng trở lại sau ba ngày sụt giảm liên tiếp từ đầu tuần nhờ giá dầu tăng và đồng yên xuống giá. Một nguyên nhân khác dẫn tới việc giá tăng là do lượng xuất khẩu cao su của Inđônêxia đang chững lại vì nguồn cung khan hiếm. Cuối ngày 26/7, giá cao su giao tháng 12/07 đạt mức 262.6 yên/kg, tăng 9,4 so với ngày 25/7 và tăng 1,6 yên/kg so với mức giá cuối tuần trước. Hợp đồng mới đưa vào giao dịch tháng 1/08 tăng 4 yên/kg so với tuần trước, đạt mức 261,6 yên/kg.

Giá trong nước:

Tuần qua, tại thị trường trong nước, giá các mặt hàng thuỷ sản tăng lên nhanh chóng do việc người dân chuyển sang dùng các loại thuỷ hải sản để tránh dịch từ lợn - loại bệnh dịch đang được các phương tiện thông tin cảnh báo. Trung bình, giá các loại thuỷ hải sản đã tăng 3.000 -5.000 đ/kg. Giá Tôm Rảo loại vừa khoảng 60.000 -80.000 đ/kg, tăng 10.000 đ/kg, giá cá nục loại ngon ở mức 12.000 đ/kg (tăng 2.000 đ/kg). Chả mực được bán với giá 150.000 đ/kg, tăng 10.000 đ/kg so với giá tuần trước. Giá thịt bò tăng thêm 15.000 -20.000 đ/kg, ở mức 80.000 - 85.000 đ/kg. Các loại rau, hoa quả cũng tăng giá, trung bình từ 500 – 1.000 đ/kg.

Mối lo ngại về bệnh dịch là nguyên nhân dẫn tới thị trường thịt lợn biến động mạnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước những thông tin về lợn bệnh tai xanh bắt đầu xuất hiện, nhiều người bỏ ăn thịt lợn chuyển sang các loại thực phẩm khác. Ở chợ đầu mối thịt lợn Phạm Văn Hai, giá thịt lợn bình quân đã giảm 5.000 đ/kg so với tuần trước, đồng thời sức mua cũng giảm 1/3. Tại Đà Nẵng, thịt lợn đang bị tiêu thụ chậm vì thông tin dịch “tai xanh” và bệnh “liên cầu lợn” đang bùng phát ở miền Trung. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại và đẩy giá thịt lợn hơi giảm trung bình 3.000-5000 đ/kg so với tuần trước xuống mức 15.000 -17.000 đ/kg. Hiện tại, thịt lợn mông đang được bán với giá 40.000 đ/kg, nạc vai giá 37.000 đ/kg, chân giò giá 30.000 -32.000 đ/kg.

Giá các loại thực phẩm khác tương đối ổn định. Thịt gà ta làm sẵn tại Hà Nội có giá 62.000-67.000 đ/kg. Gà công nghiệp làm sẵn giá 30.000-35.000 đ/kg. Cá chép 35.000-37.000 đ/kg, cá quả loại 0,7-1kg giá 55.000-60.000 đ/kg.

Giá lúa gạo trong nước không biến động nhiều, giá thóc tẻ tại các tỉnh phía Bắc phổ biến khoảng 3.300 – 3.600 đ/kg. phía Nam là 2.900 -3.100 đ/kg. Giá gạo tẻ thường ở các tỉnh miền Bắc khoảng 5.200 -5.700 đ/kg, ở các tỉnh Miền Nam là 4.500 – 5.000 đ/kg.


Nguyễn Quốc Chinh (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường