Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thức ăn chăn nuôi ”made in Vietnam”: Cung tăng vẫn không đủ cầu
20 | 09 | 2007
Trong điều kiện ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với dịch bệnh, đầu ra, thì ngành sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng đang mắc phải nhiều khó khăn, thách thức. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của nước ta có tốc độ phát triển khá nhanh nhưng giá luôn cao hơn 10-15% so với các nước trong khu vực nên tính cạnh tranh không cao. Bên cạnh đó, sản xuất không đáp ứng nổi nhu cầu tiêu dùng trong nước, hàng năm phải nhập khẩu khoảng 20-30% về khối lượng, chiếm tới 45% tổng giá trị nguyên liệu sản xuất TACN. Tăng cường năng lực cho ngành sản xuất TACN sẽ làm tăng khả năng sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường và ổn định giá cả góp phần phát triển nhanh chóng ngành chăn nuôi ở Việt nam.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 241 nhà máy chế biến TACN (13,7% của nước ngoài, 4,1% liên doanh và 82,2% trong nước). Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty đầu tư vào ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Số lượng các công ty tham gia vào ngày ngày càng nhiều trong đó khoảng 20 -25 nhà máy đã xây dựng được thương hiệu, số tiền đầu tư từ 2-3 triệu USD. Khoảng 30 nhà máy đầu tư trên 10 tỷ đồng còn lại là các xưởng nhỏ, mỗi tháng sản xuất từ 100-300 tấn TACN. Tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt nam khoảng 100 triệu USD, công suất khoảng 2 triệu tấn/năm. Hiện nay, có khoảng 15 công ty nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam với tổng số nhà máy của họ lên tới 36-40 nhà máy công suất 3,6-4 triệu tấn/năm. Tính về đánh giá đầu tư, các công ty nước ngoài đầu tư chiếm 75%, các công ty trong nước chiếm khoảng 25% về giá trị đâu tư cho ngành TACN.

Phân loại các nhà máy sản xuất TACN của Việt Nam theo công suất

Năm 2005

Năm 2006

Số lượng

%

Số lượng

%

Tổng số nhà máy

249

100

234

100

≤ 5 tấn/h

145

58,2

115

49,1

≥ 10 tấn/h

57

22,9

62

26,4

≥ 20 tấn/h

28

11,2

32

13,6

≥ 30 tấn/h

19

7,6

25

10,6

Nguồn: BC Tổng quan SX TACN Việt Nam

Tổng sản lượng thức ăn hỗn hợp quy đổi sử dụng cho chăn nuôi năm 2006 là 6,6 triệu tấn, mới đáp ứng khoảng 44,8% nhu cầu về thức ăn tinh (được dùng nhiều trong các trang trại chăn nuôi quy mô lớn), tức là đáp ứng chưa đủ 45% nhu cầu trong nước. Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi, dự tính đến năm 2010 nhu cầu về thức ăn tính cho ngành chăn nuôi cần khoảng 18,6 triệu tấn và năm 2015 là 24,1 triệu tấn để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi xuống còn 50% vào năm 2010.

Diện tích và ản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước

Năm

2004

2005

2006

Diện tích (1000ha)

Sản lương (1000 tấn)

Diện tích (1000ha)

Sản lương (1000 tấn)

Diện tích (1000ha)

Sản lương (1000 tấn)

Ngô

991

3430,9

1043,3

3756,3

1031,6

3819,4

Sắn (khoai mì)

388,6

5820,7

423,8

6646

474,8

7714

Khoai lang

201,8

1512,3

188,4

1460,5

181,7

1454

Đậu tương

183,8

245,9

203,6

291,5

185,8

258,2

Lạc

263,7

469

269,9

485,5

249,3

464,8

Nguồn: BC Tổng quan SX TACN Việt Nam

Nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng được 70% so với nhu cầu sản xuất. Số còn lại phải nhập khẩu (trong đó khoảng 20% nguyên liệu giàu năng lượng, 80% các loại thức ăn bổ sung, 60-70% thức ăn giàu đạm và hơn 90% chất phụ gia là phải nhập khẩu) chiếm 45% tổng giá trị nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Lượng thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam được nhập khẩu khá lớn do nhu cầu trong nước đáp ứng không đủ. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2007, kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu sản xuất TACN của Việt Nam lên tới 662 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2006.

ASEAN là thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu chế biến TACN lớn nhất cho Việt Nam (thường chiếm khoảng 47% lượng nhập khẩu), tiếp theo đó là thị trường Trung Quốc (19%), thị trường EU (14%) và thị trường Hoa Kỳ (13%). Kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu sản xuất TACN đáp ứng cho nhu cầu trong nước 6 tháng đầu năm 2007 lên tới 547 triệu USD.

Sản lượng thức ăn chế biến công nghiệp của Việt Nam

Đơn vị tính (nghìn tấn)

Năm

Thức ăn chế biến Công nghiệp

% Thức ăn chế biến so với tổng lượng chi phí SX

Thức ăn hỗn hợp

Thức ăn đậm đặc

Tổng cộng

2000

1.700

330

2.030

25

2005

3.200

702

3.940

38,9

2006

4.300

747

5.118

44,8

Nguồn: BC Tổng quan SX TACN Việt Nam

Giá thức ăn chăn nuôi trong nước khá cao (chiếm tới 75% chi phí sản xuất), nguyên nhân tình trạng này là do thiếu khả năng thực hiện quy hoạch phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho ngành thức ăn chăn nuôi. Nước ta có trên 1 triệu ha trồng ngô nhưng năng suất chỉ đạt 3,6 tấn/ha (trong khi các nước phát triển đạt mức 5 - 6 tấn/ha) nên dù có sản lượng trên 3,6 triệu tấn ngô nhưng ngành thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm (riêng năm 2006 là khoảng 500.000 tấn). Các nguyên liệu bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid... các nhà sản xuất cũng phải nhập khẩu toàn bộ vì trong nước chưa sản xuất được. Vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10 - 20%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thời gian qua cũng đi kèm với tồn tại trong công tác giám sát, kiểm định chất lượng. Chất lượng thức ăn không đạt yêu cầu nêu trên đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Giá cả không thể cạnh tranh mà chất lượng cũng chưa chắc bảo đảm tốt hơn sản phẩm của nước ngoài, bởi vậy hiện hay, hơn 50% lượng thức ăn chăn nuôi đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn phải nhập từ các nước khác về.

Nhìn tổng thể về chăn nuôi, dù gia súc hay gia cầm thì đặc điểm chung cả nước vẫn là nuôi phân tán, chủ yếu lấy công làm lời, chưa phải là một nền chăn nuôi chuyên nghiệp, quy mô lớn để giảm giá thành, tăng mức cạnh tranh trên thị trường. Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt, là một trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… nhưng cây trồng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành… lại rất thiếu, phải nhập khẩu. Hầu hết giá những nguyên liệu này đều cao, giá bắp trồng trong nước lên đến 160 USD/tấn, nếu nhập khẩu bắp từ Mỹ chỉ 135-145 USD/tấn, nên chi phí đầu vào của chăn nuôi cao hơn so với khu vực từ 10%-20%, nếu so với thế giới con số này lên đến 20%-25%. Với những bất lợi này và sắp tới, khi mức thuế nhập khẩu thịt gia súc và gia cầm phải giảm theo cam kết gia nhập WTO thì ngay cả thị trường trong nước cũng sẽ bị cạnh tranh gay gắt trước những sản phẩm ngoại nhập, dẫn đến hệ quả mất dần thị phần.

Theo quy hoạch ngành thức ăn chăn nuôi, đến năm 2010, nhu cầu về thức ăn tinh cần khoảng 18,6 triệu tấn và năm 2015 là 24,1 triệu tấn. Vì vậy đến 2010, cần có 30% các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi áp dụng qui trình thực hành sản xuất tốt (GMP), 70% các cơ sở có phòng phân tích chất lượng sản phẩm, 100% nguyên liệu và sản phẩm phải được phân tích, kiểm tra chất lượng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Đối mặt với thực trạng trên, Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp) đề ra chỉ tiêu ngành chăn nuôi Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng bền vững 9-10%/năm, nâng tổng số đàn gia cầm từ 240 triệu con trước khi bị dịch lên 260 triệu con vào 2005 và 390 triệu con vào 2010. Mức tiêu thụ thịt hơi cũng được đặt kế hoạch sẽ tăng từ 29,1 kg/người 2003 lên 35 kg/người vào năm 2010. Trong khi đó, tới 60% thành phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phải nhập khẩu nên việc những nhà máy thức ăn chăn nuôi ra đời sẽ giúp chủ động được nguyên liệu và giá cả, thuận lợi hơn cho ngành chăn nuôi trong nước.



Nguyễn Quốc Chinh (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường