Xin ông cho biết, tình hình cân đối cung cầu phân bón vô cơ, nhất là mặt hàng Urê đối với vụ đông xuân sắp tới như thế nào? Hơn 30 năm qua chưa từng có sự kiện diễn biến về giá cả phân bón trên thị trường thế giới như từ cuối năm 2006 đến tháng 8 năm 2007. Các loại phân bón đồng loạt tăng giá: urê, DAP, potas (kali), sulphur (nguyên liệu của sản xuất phân lân) hầu hết trên các thị trường Yuzhny, Bantic, Vịnh Arập, Mỹ, Trung Quốc, Jocđani... đều tăng kỷ lục.
Ở Việt Nam từ cuối năm 2006 đến tháng 8/2007 thị trường phân bón đồng loạt biến động không riêng gì urê, mà DAP, SA, potas, sulphur đều tăng giá. Tình trạng này khiến các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón xoay xở và đối phó rất mệt mỏi.
Song song với việc diễn biến tăng giá là những nghịch lý không thể hiểu nổi là trong lúc giá urê trên thế giới tăng thì giá urê trong nước lại giảm. Chẳng hạn, ngày 26/3/2007 giá urê Phú Mỹ cao nhất 5.400 đồng/kg, giá thị trường trôi nổi tự do 5.550-5.570 đồng/kg trong khi giá urê nhập khẩu (bình quân CFR + VAT) là 400 USD/tấn, tương đương 6.200-6.500 đồng/kg.
Với giá cả trên đã làm cho các nhà nhập khẩu bó tay không thực hiện được chuyến nhập urê hạt trong chính ngạch nào. Chỉ còn nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước chưa sản xuất được như DAP, potas (kali), SA, sulphur và urê hạt đục. Còn urê hạt trong duy nhất chỉ có con đường nhập qua tiểu ngạch Phòng Thành (Móng Cái), Bát Sát (Lào Cai).
Giá urê luôn luôn cao nên nông dân chuyển mạnh sang dùng nhiều NPK và SA. Đây là loại phân tốt vì có cả N và S, hai chất dinh dưỡng chính, có thể bón cho tất cả các loại cây trồng trên nhiều loại đất không chua phèn...
Như vậy, có thể hiểu là urê cho vụ đông xuân đang có nguy cơ thiếu, vậy các cơ quan quản lý đã có chỉ đạo cân đối cung - cầu như thế nào?
Thị trường phân bón trong nước thực tế đang thả nổi. Một số cơ quan quản lý nhà nước thường ra những văn bản chỉ đạo hô hào nhưng hiệu quả thì không có. Mỗi lúc sóng ngầm của thị trường trỗi dậy, giá cả nóng lạnh thất thường thì các cơ quan này chỉ ban hành mấy văn bản rằng: sẽ chỉ đạo các nhà nhập khẩu nhập đủ phân bón và kìm hãm hạ giá để đủ phân bón phục vụ nông nghiệp.
Trong khi giá phân bón thế giới rất cao so với giá thị trường trong nước và chênh lệch những 600-700 đồng/kg, nhập về một tàu lỗ 3 - 4 tỷ, ai bù lỗ đây? Trong khi ngân hàng cho vay tín dụng rất khắt khe, trước đây, các tổng công ty, công ty quốc doanh được đem tài sản nhà nước để thế chấp nhưng bây giờ thì không được…
Vậy thì chỉ đạo cái gì? Chỉ đạo sao được? Thật khó hiểu! Tôi nghĩ, điều hành phân bón phải sát với thị trường.
Một số ý kiến lại cho rằng, chính hệ thống phân phối thiếu minh bạch của Nhà máy đạm Phú Mỹ đã góp phần làm cho giá phân bón bị biến động bất thường. Ông nghĩ sao?
Vai trò của Công ty phân đạm hoá chất dầu khí, Công ty phân đạm hoá chất Hà Bắc đã góp phần rất quan trọng và có hiệu quả trong cung ứng urê cho nông nghiệp. Trên thực tế thì nhiều lúc Đạm Phú Mỹ phải điều chỉnh đến 9-10 lần giá, Đạm Hà Bắc điều chỉnh đến 19-20 lần giá để kịp thời bình ổn thị trường urê trong nước.
Tuy nhiên, hai công ty này cần tổ chức hệ thống đại lý hợp lý hơn và có chính sách ưu tiên cho các nhà nhập khẩu truyền thống hay các đầu mối. Vì chính họ đã chí cốt lâu nay với ngành phân bón. Ngoài ra, hai công ty trên cũng phải theo dõi, kiểm tra chặt chẽ, tránh tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại vòng vèo, tuỳ tiện nâng giá, làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại cho nông dân.
Để thị trường phân bón ổn định, theo ông giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp nên có sự kết hợp như thế nào?
Hiện nay, việc sản xuất các loại phân bón trên thế giới gặp nhiều khó khăn do nguyên vật liệu đầu vào đắt đỏ, thời tiết khắc nghiệt nên giá nhiều loại phân bón như potas, DAP sản xuất từ quặng, kể cả urê sản xuất từ than đá sẽ tăng đột biến. Trước tình hình này, các nhà nhập khẩu cần phải đoàn kết, giúp đỡ, phối hợp với nhau trên các thị trường để cân đối nhập khẩu các loại phân bón urê, DAP, SA, potat (kali) và sulphur.
Việc nhập khẩu urê hạt trong chính ngạch từ các chợ urê trên thế giới như Nga, Ban tích, Trung Đông... cho đến nay vẫn bế tắc và tiếp tục bế tắc. Không còn con đường nào khác, chỉ còn bám sát con đường nhập khẩu tiểu ngạch và các nhà nhập khẩu cần đi trước một bước, tiến hành nhập khẩu ngay bây giờ không chần chừ, không chờ đợi mà phải nhập sớm hơn mọi năm.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu như Móng Cái (Quảng Ninh), Bát sát (Lào Cai) tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà nhập khẩu phân bón không bị gặp khó khăn.
Đề nghị Bộ Tài chính thực hiện đầy đủ Công văn số 162/TB-VPCP ngày 19/8/2004 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đồng ý giãn nộp thuế VAT nhập khẩu phân bón từ 60 ngày lên 90 ngày nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.