Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xã hội tương lai (kỳ I)
28 | 09 | 2007
Nền kinh tế mới có thể hoặc không diễn ra nhưng chắc chắn rằng một xã hội mới đang đến gần chúng ta. Không chỉ ở các nước phát triển và có lẽ ngay cả ở các nước đang phát triển, xã hội mới còn quan trọng hơn cả nền kinh tế mới. Nó hoàn toàn khác với xã hội cuối thế kỷ 20 và cũng hoàn toàn khác với những gì nhiều người mong đợi. Chủ yếu, đây là điều chưa có tiền lệ. Nhiều yếu tố của xã hội mới đã và đang hình thành hết sức nhanh chóng.

Xã hội của người có tuổi


Tại các nước phát triển, yếu tố chủ đạo của xã hội tương lai được mọi người để ý gần đây là sự tăng nhanh tỉ trọng dân cư cao tuổi và giảm nhanh chóng tỉ trọng của thế hệ trẻ. Các nhà chính trị ở khắp mọi nơi tiếp tục hứa giữ nguyên hệ thống hưu trí như hiện nay nhưng bản thân họ cũng như các cử tri hiểu rất rõ rằng sau 25 năm nữa con người phải lao động cho đến ngoài 70 tuổi nếu sức khoẻ còn cho phép.


Một điều chưa từng xảy ra là số lượng những người trên 50 tuổi không làm việc theo cách truyền thống (toàn bộ thời gian mỗi ngày từ 9 giừ sáng đến 5 giờ chiều) sẽ tăng lên. Những người này sẽ tham gia vào lực lượng lao động dưới nhiều hình thức mới như làm bán thời gian, làm tạm thời hoặc làm tư vấn cho những công việc cụ thể v.v. Trong khi đó những người làm công tác quản lý nhân sự hiện nay vẫn tiếp tục quan niệm rằng người làm việc cho một tổ chức nào đó là phải làm toàn bộ thời gian. Luật cũng như các quy chế về lao động vẫn tiếp tục dựa trên quan niệm này. Trong vòng 20, 25 năm nữa, một nửa số người làm việc cho một tổ chức sẽ hiển nhiên không làm toàn bộ thời gian. Điều này đặc biệt đúng với những người lớn tuổi. Nhưng cách làm việc mới với những người không gắn toàn bộ vào một tổ chức đang trở thành vấn đề quản lý trung tâm đối với các tổ chức, không chỉ là đối với các doanh nghiệp.

Tỉ trọng những người trẻ bị thu hẹp sẽ tạo ra sự biến động còn lớn hơn nữa, đó là điều chưa từng xảy ra kể từ thời đế chế La mã. Không chỉ ở các nước phát triển mà ở cả Trung Quốc và Brazin, tỉ lệ sinh đã tụt xuống dưới mực sinh sản thay thế là 2,2 con cho một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Về mặt chính trị, điều đó có nghĩa rằng dân nhập cư sẽ trở thành vấn đề quan trọng có thể gây chia rẽ ở tất cả các nước giàu. Vấn đề này cũng động chạm tới tất cả các liên kết chính trị. Về mặt kinh tế, giảm số lượng người trẻ sẽ thay đổi các thị trường một cách cơ bản. Trước đây lượng các gia đình tăng lên là động lực chính cho các thị trường nội địa tại các nước phát triển. Tất nhiên, số lượng gia đình sẽ giảm đi nhanh chóng nếu không cho nhập cư một số lượng lớn những người trẻ tuổi. Tính đồng nhất của thị trường đại chúng tại các nước giàu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai là do thanh niên quyết định. Hiện nay, thị trường đó do những người trung niên quyết định. Nói chính xác hơn thì thị trường đó bị chia làm đôi: một phần do những người trung niên quyết định và một phần nhỏ hơn do thanh niên quyết định. Vì nguồn cung cấp những người trẻ tuổi bị thu hẹp nên việc tạo ra một mô hình việc làm mới hấp dẫn và lôi cuốn ngày càng nhiều người lớn tuổi sẽ trở thành ngày càng quan trọng.


Tri thức là tất cả


Xã hội tương lai sẽ là xã hội tri thức. Tri thức sẽ trở thành các nguồn lực chìa khóa và lao động tri thức sẽ chiếm số lượng lớn trong lực lượng lao động. Ba đặc điểm chính của xã hội tương lai là:

  • Không biên giới vì tri thức có thể di chuyển nhanh hơn tiền bạc.
  • Cơ hội thăng tiến cho tất cả mọi người nhờ dễ dàng học tập chính qui
  • Khả năng thành công và thất bại là ngang nhau vì mọi người đều có thể có “công cụ sản xuất” tri thức nhưng không phải mọi người đều có thể thành công.

Ba đặc điểm này cùng nhau làm cho xã hội tri thức trở nên cạnh tranh rất cao đối với từng cá nhân cũng như đối với từng tổ chức. Công nghệ thông tin dù chỉ là một trong những đặc trưng của xã hội tương lai nhưng đem lại hệ quả vô cùng quan trọng là tri thức có thể truyền bá gần như tức thì và bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được. Trong điều kiện thông tin lan truyền dễ dàng, mọi tổ chức trong xã hội tri thức – không chỉ các doanh nghiệp mà tất cả các trường phổ thông, đại học, bệnh viện và đặc biệt là các cơ quan nhà nước – phải có khả năng cạnh tranh toàn cầu trong khi vẫn mang tính khu vực. Nhờ mạng viễn thông toàn cầu, khách hàng tại bất cứ nơi nào trên thế giới đều biết cái gì, đang có ở đâu và với mức giá bao nhiêu.

Nền kinh tế tri thức sẽ dựa chủ yếu vào lao động tri thức. Khái niệm này được dùng rộng rãi để mô tả những người có tri thức về mặt lý thuyết và có khả năng nghiên cứu như bác sĩ, luật sư, nhà giáo..v..v.. Tương lai, số lượng các nhà “kỹ thuật viên tri thức” như kỹ thuật viên máy tính, người thiết kế phần mềm, kỹ thuật viên phân tích trong các phòng thí nghiệm, các nhà kỹ thuật chế tạo sẽ tăng lên nhanh chóng. Những lao động kể trên sẽ vừa là lao động chân tay, vừa là lao động tri thức. Thực tế, phần lớn thời gian lao động làm việc bằng tay hơn là bằng trí óc. Nhưng, lao động bằng tay của họ dựa trên một nền tảng tri thức lý thuyết có được thông qua giáo dục chính qui chứ không phải các lớp học nghề. Về nguyên tắc, có thể lương họ sẽ không cao hơn các công nhân có tay nghề cao truyền thống, nhưng được nhìn nhận như những người chuyên nghiệp. Nếu như trong thế kỷ 20 lao động tay chân không có tay nghề trong công nghiệp chế tạo là lực lượng xã hội và chính trị thống trị thì lao động tri thức sẽ trở thành lực lượng xã hội và chính trị thống trị trong vài thập niên tới.


Chủ nghĩa bảo hộ mới


Về cơ cấu, xã hội tương lai khác với xã hội mà chúng ta đang sống. Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất đã thống trị xã hội suốt 10 ngàn năm qua là nông nghiệp. Về khối lượng, sản xuất nông nghiệp hiện nay ít nhất lớn gấp 4-5 lần khối lượng sản xuất trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tuy nhiên năm 1913, sản phẩm nông nghiệp chiếm 70% thương mại thế giới còn hiên nay nó chỉ chiếm có 17%. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, tại hầu hết các nước phát triển, nông nghiệp là nguồn đóng góp lớn nhất cho GDP, hiện nay tại các nước giàu, sự đóng góp đó đã tụt xuống tỉ lệ không đáng kể và lao động nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất bé trong tổng số lực lượng lao động.


Công nghiệp chế tạo cũng đang đi trên con đường tương tự. Kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, sản phẩm công nghiêp chế tạo tại các nước phát triển tăng gấp ba lần về khối lượng nhưng giá thì giảm đáng kể nếu trừ đi sự tăng giá do lạm phát. Trong khi đó, giá của các sản phẩm trí tuệ cơ bản như bảo vệ sức khoẻ và giáo dục lại tăng lên gấp ba lần sau khi đã trừ sự tăng giá do lạm phát. Khả năng trao đổi tương đối của các sản phẩm chế tạo so với các sản phẩm trí tuệ chỉ còn bằng một phần năm hay một phần sáu so với 50 năm trước đây. Tại Mỹ, lực lượng lao động trong công nghiệp chế tạo đã giảm từ 35% tổng số lực lượng lao động vào năm 1950 xuống còn non một nửa hiện nay mà không tạo ra những biến động xã hội đáng kể. Tuy nhiên, khó có thể hy vọng vào một sự dịch chuyển dễ dàng như thế tại các nước Nhật và Đức là nơi công nhân chế tạo cổ xanh vẫn chiếm 25-30% tổng lực lượng lao động.


Sự suy giảm của nông nghiệp với tư cách là ngành tạo ra sự giàu có và nguồn sống là nguyên nhân làm cho bảo hộ nông nghiệp rất phổ biến đến mức trước đây người ta không thể tưởng tượng nổi. Tương tự, sự suy giảm của công nghiệp chế tác làm bùng nổ xu thế bảo hộ công nghiệp chế tạo mặc kệ các lời hứa về tự do thương mại. Việc bảo hộ có thể không được thực hiện bằng biện pháp truyền thống như thuế quan, mà dưới các hình thức như bù giá, quota và các quy định dưới mọi hình thức. Thậm chí, nhiều khả năng hơn cả là sự hình thành các khối mậu dịch tự do khu vực nhằm bảo đảm tự do thương mại trong nội bộ khu vực nhưng lại tạo rào cản cao với các nước ngoài khối. Cộng đồng Châu Âu, khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ và khu vực mậu dịch tự do Trung Mỹ là những minh chứng theo hướng này.

Tương lai của các công ty


Về thống kê, các công ty đa quốc gia hiện nay vẫn đóng vai trò tương tự trong nền kinh tế thế giới như từ năm 1913, nhưng thực chất đã thay đổi rất nhiều. Vào năm 1913, các công ty đa quốc gia là công ty của một nước có chi nhánh ở nước ngoài. Mỗi chi nhánh hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm về một vùng lãnh thổ nhất định. Ngày nay, các công ty đa quốc gia có xu hướng tổ chức toàn cầu theo luồng sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay cũng giống như năm 1913, các công ty đa quốc gia được thống nhất và kiểm soát bởi quyền sở hữu. Ngược lại, đến năm 2025 các công ty đa quốc gia sẽ được thống nhất và kiểm soát bởi chiến lược. Tất nhiên vai trò của quyền sở hữu vẫn còn, nhưng liên minh, liên doanh, thoả thuận về bí quyết sản xuất sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng của sự liên hiệp. Một tổ chức như vậy cần một hình thức quản lý hoàn toàn khác.


Hiện nay, tại nhiều nước và tại nhiều tổ chức lớn, quản lý cấp cao vẫn được xem như sự kéo dài của quản lý ở cấp tác nghiệp. Trong tương lai, quản lý cấp cao sẽ là một bộ phận tách biệt – thay thế cho công ty. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý cấp cao ở các công ty lớn trong tương lai, mà đặc biệt là các công ty đa quốc gia, là cân bằng các nhu cầu trong kinh doanh từ các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn khác nhau, từ các nhóm có quyền lợi khác nhau, cùng gắn với công ty như khách hàng, cổ đông (đặc biệt là các tổ chức đầu tư và quĩ hưu trí), lao động tri thức và cộng đồng.


Trong bối cảnh xã hội mới trình bày ở trên, nghiên cứu này sẽ trả lời hai câu hỏi: quản lý phải làm gì để chuẩn bị cho xã hội tương lai? và những thay đổi lớn gì ở phía trước mà chúng ta còn chưa biết đến?



Giáo Sư Drucker (Trung tâm Thông tin biên dịch)
Báo cáo phân tích thị trường