Xã hội tương lai chưa đến hoàn toàn, nhưng nó đã đến gần tới mức cần phải tính đến những hoạt động chuẩn bị :
Công ty tương lai: Các tổ chức, kể cả tổ chức phi kinh doanh như các trường đại học, cần thí nghiệm các mô hình tổ chức mới và tiến hành các nghiên cứu mang tính thí điểm về cách làm việc với các đồng minh, đối tác, liên doanh, xác định cấu trúc mới và nhiệm vụ mới cho ban lãnh đạo cấp cao. Mô hình mới phải tính đến các yếu tố như sự đa dạng hoá địa lý và sản phẩm đối với các công ty đa quốc gia. Tính cân bằng giữa tập trung và đa dạng.
Chính sách con người: Cách quản lý nhân sự chủ yếu hiện nay vẫn dựa trên giả thiết rằng lực lượng lao động là những người do tổ chức tuyển dụng và làm toàn bộ thời gian cho tới khi họ nghỉ hưu hay bị cho thôi việc hoặc chết. Thực tế hiện nay trong nhiều tổ chức đã có tới hai phần năm số người làm việc không do tổ chức đó tuyển dụng và không làm việc toàn bộ thời gian cho tổ chức đó.
Cho đến nay những người làm công tác quản lý nguồn nhân lực vẫn cho rằng nguồn nhân lực mong muốn và rẻ là nguồn nhân lực trẻ. Tại Mỹ, những người có tuổi, đặc biệt là các nhà quản lý và chuyên môn thường bị ép về hưu sớm để có chỗ cho người trẻ, những người được tin rằng sẽ rẻ hơn trong khi lại có kiến thức và kỹ năng mới hơn. Nhìn chung chỉ sau hai năm thì lương của những người trẻ này đã bằng lương cuả những người già bị ép về hưu nếu không nói là cao hơn. Người ta cũng nhận thấy rằng số người làm công hưởng lương cũng vẫn tăng với tốc độ ít nhất là bằng tốc độ tăng của sản lượng hay doanh thu. Như vậy có nghĩa rằng năng xuất lao động của những người trẻ không cao hơn của những người già trước đây. Dù thế nào đi nữa thì việc thay đổi trong mô hình dân số cũng làm cho chính sách nói trên có chi phí cao và sẽ thất bại.
Điều cần trước hết cho việc quản lý nhân sự là cần một chính sách chung cho tất cả những người làm việc cho một tổ chức, không phân biệt họ có do tổ chức đó tuyển dụng hay không. Việc thực hiện từng chính sách cụ thể cũng là vấn đề và hiện nay chưa có lời giải thoả đáng cho các vấn đề đó. Thứ hai, các tổ chức cần thu hút, giữ lại và tạo điều kiện để những người đến tuổi về hưu vẫn hữu ích, có thể làm theo hợp đồng, làm bán thời gian. Ví dụ đối với những người có tay nghề cao, có trình độ tốt hãy tiếp tục giữ quan hệ với họ để giữ tay nghề và trình độ của họ bằng cách làm việc mà họ phù hợp.
Hiện có những mô hình cho mục đích này từ các trường đại học. Đó là mô hình giáo sư danh dự. Các giáo sư danh dự từ bỏ chức vụ của họ, nhận lương hưu nhưng vẫn dạy các khoá học và nghiên cứu theo khả năng của họ và nhận thù lao theo những gì họ làm. Có nhiều giáo sư danh dự về hưu hẳn nhưng ít nhất một nửa trong số họ vẫn tiếp tục giảng dạy bán thời gian và nhiều người thậm chí còn làm nghiên cứu toàn bộ thời gian. Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng cho các chuyên gia cao cấp trong các doanh nghiệp. Các công ty lớn của Mỹ hiện nay đang thử áp dụng mô hình này cho các chuyên gia tại các phòng về luật và thuế, tại bộ phận nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đối với những người làm trực tiếp sản xuất hay bán hàng cần phải nghĩ ra một mô hình khác.
T
hông tin về thế giới bên ngoài: cuộc cách mạng thông tin làm cho các nhà quản lý trở nên ít được thông tin hơn trước đây. Họ có nhiều số liệu hơn, nhưng phần lớn các thông tin mà công nghệ thông tin cung cấp cho họ là những thông tin về nội bộ của tổ chức. Đó là vấn đề, những thay đổi quan trọng nhất có ảnh hưởng tới tổ chức ngày hôm nay chủ yếu là từ bên ngoài. Thế nhưng hệ thống tin hiện nay của các tổ chức lại có ít thông tin này.
Lý do là những thông tin về thế giới bên ngoài thường không có dưới dạng mà máy tính có thể dùng được. Chúng thường không được mã hoá hay lượng hoá. Chính vì thế mà những người làm công nghệ thông tin cũng như các khách hàng của họ thường loại bỏ các thông tin về thế giới bên ngoài. Hơn nữa, các nhà quản lý thường có một quan niệm sai lầm cái thế giới mà họ đã biết sẽ cứ như thế mãi suốt đời.
Hiện nay, các thông tin về thế giới bên ngoài có trên mạng Internet. Tuy nhiên chúng hoàn toàn dưới hình thức không được tổ chức. Vì thế mà các nhà quản lý cần phải đặt câu hỏi họ cần những thông tin gì về thế giới bên ngoài, như bước đi đầu tiên để tổ chức hệ thống thích hợp nhằm thu thập các thông tin về thế giới bên ngoài.
Tác nhân của sự thay đổi: Để tồn tại và thành công, mỗi tổ chức sẽ phải biến mình thành tác nhân của sự thay đổi. Cách hiệu quả nhất để quản lý thành công sự thay đổi là tạo ra thay đổi. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng cấy đổi mới vào một tổ chức cũ là không thành công. Bản thân tổ chức đó phải trở thành một tác nhân thay đổi. Điều này đòi hỏi phải loại bỏ các ý tưởng và công việc đã tỏ ra không thành công và cần cải tiến liên tục và có tổ chức đối với từng sản phẩm, từng dịch vụ, từng qui trình của tổ chức (điều mà người Nhật gọi là Kaizen). Điều này đòi hỏi sự tìm tòi những thành công, đặc biệt là những thành công ngoài dự đoán, ngoài kế hoạch; đòi hỏi một sự đổi mới có hệ thống. Điểm khởi đầu để trở thành tác nhân thay đổi là sự thay đổi nhận thức của toàn bộ tổ chức. Thay vì nhìn nhận thay đổi như một mối đe doạ, mọi người trong tổ chức phải xem đó như một cơ hội.
Cái gì sau đó
Có nhiều nét của tương lai đã định hình, nhưng còn những xu hướng và những sự kiện của tương lai chúng ta chưa ý thức được. Nếu có gì có thể dự báo một cách chắc chắn thì đó là tương lai sẽ đến hoàn toàn bất ngờ.
Hãy lấy một ví dụ như cách mạng thông tin. Hầu như ai cũng chắc chắn hai điều về cuộc cách mạng này: thứ nhất, nó diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy và thứ hai, tác động của nó mạnh mẽ hơn tất cả những gì đã diễn ra. Tuy nhiên, cả hai điều này đều sai. Cách mạng thông tin về cả hai phương diện tốc độ và tác động giống một cách kỳ lạ với hai cuộc cách mạng trước đó xảy ra trong vòng 200 năm trở lại đây, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai vào cuối thế kỷ 19.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, được bắt đầu bằng việc phát minh ra động cơ hơi nước của James Watt vào giữa những năm 1770, ngay lập tức ảnh hưởng vô cùng to lớn tới khả năng sáng tạo của phương Tây nhưng không tạo ra nhiều thay đổi về kinh tế và xã hội. Những thay đổi này chỉ diễn ra mạnh mẽ khi đường sắt được phát minh vào năm 1829 và sau đó 10 năm, với sự ra đời của dịch vụ bưu điện trả tiền trước và điện báo. Tương tự, phát minh ra máy tính vào năm 1940 cũng giống như phát minh ra động cơ hơi nước, chỉ kích thích khả năng sáng tạo của con người. Phải 40 năm sau, khi mạng Internet trở nên phổ biến vào những năm 1990 thì cuộc cách mạng thông tin mới mang lại những biến đổi lớn lao về kinh tế – xã hội.
Hiện nay chúng ta đang lúng túng và cảm thấy bao động về sự bất bình đẳng tăng lên trong thu nhập và việc xuất hiện của những người siêu giàu như Bill Gates của Microsft. Sự xuất hiện của những người siêu giàu không thể giải thích được cũng là đặc trưng của hai cuộc cách mạng công nghiệp trước. So sánh một cách tương đối với mức thu nhập bình quân của những người đồng thời thì những người siêu giàu của hai cuộc cách mạng công nghiệp trước còn giàu hơn Bill Gates nhiều.
Cuộc cách mạng thông tin hiện nay và hai cuộc cách mạng công nghiệp trước đây tương đối giống nhau, cho phép khẳng định một cách tương đối chắc chắn rằng tác động chính của cuộc cách mạng thông tin đối với xã hội tương lai vẫn còn ở phía trước. Những thập kỷ của thế kỷ 19 tiếp ngay sau hai cuộc cách mạng công nghiệp là thời kỳ đổi mới và thành công nhất kể từ thế kỷ 16 về phương diện sáng tạo và thiết lập các thể chế và học thuyết mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất biến nhà máy thành tổ chức trung tâm để sản xuất và tạo ra sự giàu có. Công nhân trong nhà máy trở thành một giai cấp xã hội mới kể từ khi các hiệp sĩ mang áo giáp xuất hiện như một giai cấp 1000 năm trước. Nhà Rothschild, một tổ chức tài chính thống trị thế giới hình thành năm 1810, không những chỉ là ngân hàng đầu tư đầu tiên mà còn là công ty đa quốc gia đầu tiên kể từ thế kỷ 15 sau Hiệp hội các thành phố Giecmanh thời trung cổ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã sản sinh ra nhiều thể chế, trong đó có sở hữu trí tuệ, trách nhiệm hữu hạn, công đoàn, hợp tác xã, các trường đại học kỹ thuật và báo hàng ngày. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đẻ ra các xã hội dân sự, công ty hiện đại, ngân hàng thương mại, trường dạy kinh doanh và những nghề nghiệp khác.
Hai cuộc cách mạng công nghiệp cũng là bà đỡ cho nhiều học thuyết và hệ tư tưởng mới. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là phản ứng trước cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất. Nhiều học thuyết chính trị khác tạo nên diện mạo của các nền dân chủ của thế kỷ 20 như nhà nước phúc lợi của Bismark, chủ nghĩa xã hội công giáo Anh, các chính sách điều tiết công nghiệp của Mỹ là phản ứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Cũng tương tự như vậy là mô hình quản lý khoa học (bắt đầu vào năm 1881) của Fredrick Winslow Taylor tạo ra sự tăng vọt của năng suất lao động.
Những ý tưởng lớn
Tiếp theo cuộc cách mạng thông tin, một lần nữa chúng ta lại chứng kiến sự hình thành của các thể chế và học thuyết mới. Các khối kinh tế mới như Liên minh Châu Âu, khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA và khu vực mậu dịch tự do Châu Mỹ không phải là mậu dịch tự do truyền thống và cũng không phải là chủ nghĩa bảo hộ truyền thống. Chúng đang tìm kiếm sự cân bằng giữa hai xu hướng trên và tìm sự cân bằng giữa chủ quyền kinh tế của các quốc gia với các quá trình ra quyết định kinh tế siêu quốc gia. Các tập đoàn tài chính như Citigroup, Goldman Sachses hay ING Baring đang thống trị nền tài chính toàn cầu là những hiện tượng chưa từng có trước đây. Chúng không phải là các tổ chức đa quốc gia nữa mà là siêu quốc gia. Tiền do chúng quản lý đã vượt hoàn toàn ra khỏi sự kiểm soát của bất cứ chính phủ và ngân hàng trung ương nào.
Bây giờ hơn lúc nào hết bùng lên sự quan tâm lớn tới các giả thiết của Joseph Schumpeter rằng “sự mất cân bằng động” chính là trạng thái ổn định duy nhất của nền kinh tế ; “sự phá hoại mang tính sáng tạo” của đổi mới chính là động lực của nền kinh tế; và công nghệ mới là tác nhân thay đổi chính và không phải là duy nhất của các thay đổi kinh tế. Những giả thiết này là phản đề các nguyên lý của các học thuyết kinh tế trước đây dựa vào ý tưởng cân bằng như là chuẩn mực của một nền kinh tế khoẻ mạnh, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá được coi là động lực của nền kinh tế hiện đại trong khi công nghệ bị xem như yếu tố bên ngoài.
Tất cả những điều trình bầy ở trên chỉ ra rằng những thách thức lớn nhất gần như chắc chắn còn nằm ở phía trước. Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng xã hội vào năm 2030 sẽ rất khác với xã hội hiện nay và nó cũng có rất ít những điểm giống với những dự báo của các nhà tương lai học nổi tiếng nhất hôm nay. Nó sẽ không bị thống trị bởi hay ít nhất là hình thành dựa trên công nghệ thông tin. Tất nhiên, công nghệ thông tin là quan trọng, nhưng đó chỉ là một trong vài công nghệ mới quan trọng. Những đặc trưng trung tâm của xã hội tương lai, cũng giống như các xã hội trước đó sẽ là các thể chế mới, học thuyết mới, hệ tư tưởng mới và các vấn đề mới.