Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây ngô xoá đói nghèo ở xã vùng cao biên giới Chiềng On
05 | 09 | 2007
Cây ngô trong vài năm qua đã trở thành cây chủ lực giúp hơn bốn nghìn bà con dân tộc Xinh Mun và dân tộc Mông ở xã Chiềng On thuộc huyện Yên Châu (Sơn La) vượt đói nghèo, đời sống từng bước vươn lên no đủ. Liệu cây ngô lai có tiếp tục là cây xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới?
Bản làng thay da đổi thịt nhờ ngô

Từ trung tâm huyện lỵ Yên Châu, qua ngót sáu chục cây số đường đang làm gồ ghề, quanh co ngoặt dốc mới tới được xã Chiềng On. Chốc chốc, mấy chiếc xe tải Isuzu, Huyndai, Ifa vượt sương mù hướng vào bản Nà Rít ở gần trung tâm xã. “Toàn xe từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây lên đây “ăn” ngô. Năm nay dân bản lại được mùa”. Ông Phạm Văn Lửa, Trưởng phòng Dân tộc huyện giải thích.

Chỉ cách trung tâm xã hơn một cây số, bản Đin Chí của 67 gia đình người Mông dịp cuối năm nhộn nhịp hơn. Phía trước nhiều nhà, những đống ngô lai vàng rộm, vun cao chảy tràn ra sát mép đường, mấy chiếc xe tải đang bốc hàng chở về xuôi. Cụ Vàng Lao Lự, 73 tuổi, tay cầm cào gỗ vun ngô cười móm mém: “Nhờ ông Trời (!) ngô được mùa, được giá. Nhà nào cũng có nhiều ngô bán”.

Năm nay gia đình cụ Lự, gồm bảy con cháu, trồng gần chục ha ngô, thu hoạch được gần 25 tấn, nhiều nhất trong dăm năm trở lại đây. Cụ tính, hiện nay ngô bán ra 25 nghìn đồng/yến, ngoài phần để dành, nhà cụ có thể thu gần 60 triệu đồng. Cụ cho biết, có những hộ khác ở bản còn được nhiều hơn thế, như hộ bên cạnh, nhà anh Vàng Lao Vạng, 32 tuổi, năm qua vừa trồng ngô vừa làm dịch vụ thu mua tổng cộng gần 200 tấn ngô. “Đầu năm nay nó (anh Vạng) mua một lúc hai xe tải, mua gom ngô chở cho chủ dưới xuôi”, cụ Lự nói.

Ở Chiềng On, ô-tô dùng để chở ngô và đưa đón con em tới trường học chữ.

Niềm vui đón xuân vào nhà mới của vợ chồng anh Vi Văn Sương ở bản Na Rít.

Phong trào trồng ngô lai được khởi xướng nơi vùng quê heo hút Chiềng On cách đây hơn chục năm. Trước đó, nhất là trong những năm sau 1980, đời sống bà con thật gian nan. Ông Vì Văn Ỏm, cán bộ cựu trào người dân tộc Xinh Mun, Bí thư Đảng uỷ xã Chiềng On, nhớ lại: Cả xã chỉ có mấy chục hộ đủ ăn, còn lại thiếu đói triền miên, mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng. Bấy giờ, toàn bộ 330 gia đình người Mông, và chừng hai phần ba số hộ các bản trong xã đều trồng thuốc phiện. Đói nghèo, nghiện ngập, mê tín dị đoan, phức tạp lắm.

Sự khởi nguồn cây ngô lai nơi đây có công lớn của cán bộ Vì Văn Ỏm. Năm 1996, ông lặn lội về Hà Tây tìm mua mấy chục cân ngô lai giống lên trồng thử. Năm đầu tiên, trên diện tích hai ha, ông Ỏm gieo thử 30kg, thu về 17 tấn ngô. Theo lời ông “Bí thư ngô lai”, kết quả đó giúp bà con thấy được con đường thoát đói nghèo. Trước cây ngô, ở đây chưa hề có sản phẩm hàng hoá.

Từ việc xoá bỏ triệt để gần 250 ha cây thuốc phiện, rồi mở rộng diện tích trồng ngô ban đầu lên 570 ha, tới nay diện tích trồng ngô lai toàn xã đạt gần 1.600 ha, với tổng sản lượng mỗi năm tầm năm nghìn tấn ngô. “Thực tế chứng minh, ngô giúp dân nghèo Chiềng On thoát đói nghèo, thậm chí còn giúp một bộ phận dân biết làm ăn vươn lên khấm khá”. Ông Quàng Văn Nó, nguyên Chủ tịch huyện Yên Châu thời kỳ 1979- 1987 khẳng định.

Thu nhập từ ngô tăng từng năm, bộ mặt bản làng vùng cao dần thay da đổi thịt. Ông Vì Văn Ỏm nói vui, cách đây chục năm, người Mông, người Xinh Mun chưa biết xe máy là gì. Nay thì khác: Gần 300 hộ đã sắm được xe máy. Những hộ biết làm ăn vừa sản xuất lại “kiêm” thu mua, làm dịch vụ vận chuyển ngô, “tậu” hơn hai chục ô-tô tải các loại! “Tính trung bình cứ mười nhà, đã có chín nhà lợp ngói”. Phó Chủ tịch xã Hoàng Minh Xuân nhẩm tính.

Giống ngô lai vùng Chiềng On mấy năm qua còn vượt biên giới sang các bản làng của nước bạn Lào. Từ chỗ chỉ biết trồng ngô quảng canh, nay bà con các dân tộc Thái, Dao, Xinh Mun, Mông, Lào, Lự sinh sống tại 15 bản thuộc xã Nà Nong, xã Phiềng Xà của Lào đã biết trồng ngô lai, biết thâm canh, tăng năng suất. Ngô của bà con lại được đưa sang Chiềng On để chở về xuôi!

“Chiềng On kết nghĩa với hai xã bạn. Năm nay bà con mình vận động mỗi hộ góp ít nhất 3kg ngô giống, tổng cộng được gần ba tấn ngô lai 10, cộng thêm 1,2 tấn lúa giống nữa mang tặng bà con bạn Lào”. Bí thư Vì Văn Ỏm- người vừa vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, phấn khởi cho biết.

Ngô Tây Bắc cạnh tranh với ngô Mỹ

Hân hoan đón mùa ngô bội thu ở Chiềng On là dịp cán bộ, bà con nơi bản, làng nghĩ về cuộc sống ngày mai, về triển vọng cây ngô trong tương lai. Nói như cụ Vì Văn Mòn, 68 tuổi, nguyên đại biểu Quốc hội Khoá 5, Khoá 6, nay sống cùng gia đình ở xã, điều đáng mừng, lâu nay chưa năm nào Chiềng On không bán được ngô. Cụ Lự bản Đin Chí nói thêm, “Năm nào rẻ, ngô bán ra được 1.100 đồng/kg là hoà vốn. Năm nay gần 2.500 đồng/kg, bà con trúng to!”.

Kinh tế khá lên, xã vùng biên Chiềng On năm qua có nhiều cửa hàng bán xăng và bán xe máy như thế này.

Dịp cuối năm, trên những con đường vào các bản đâu đâu cũng gặp cảnh thu mua ngô đưa về xuôi

Dẫu vậy, qua trao đổi với ông Vì Dương, nguyên Bí thư Huyện uỷ; rồi ông Quàng Văn Nó, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, nhiều bà con còn băn khoăn lo lắng là kinh tế thôn, bản vùng cao liệu sẽ gặp khó khăn ra sao khi đất nước hội nhập.

Một số người nói rằng, sắp tới, ngành chăn nuôi, ngành xuất khẩu nông sản sẽ gặp thách thức lớn, rồi có thể ngô nhập khẩu từ các nước ồ ạt “vào”, cạnh tranh với ngô Việt Nam. Ngô Tây Bắc có thể sẽ bị “ế”, bị “ép” bán với giá rẻ… Có tin một cân “ngô Mỹ” bán gần cảng Hải Phòng chỉ hơn một nghìn đồng?

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp GS, TSKH Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô, chung quanh câu chuyện cây ngô ngày hội nhập. Ông Uy là người lâu nay được bà con vùng cao gọi là “Vua ngô lai”. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì có công đưa ngành nghiên cứu ngô lai Việt Nam tiến kịp các nước trong khu vực châu Á.

Ông Uy cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá chương trình nghiên cứu và phát triển ngô lai nước ta phát triển nhanh nhất thế giới: Trong vòng 12 năm qua, tổng sản lượng ngô Việt Nam tăng bốn lần, năng suất bình quân tăng hai lần, diện tích trồng ngô tăng gần hai lần. Theo thống kê, năm 1975 khi chưa áp dụng giống ngô lai, diện tích trồng ngô cả nước gần 267 nghìn ha, tổng sản lượng 280 nghìn tấn. Năm ngoái, chỉ tính riêng 16 tỉnh trong vùng “trọng điểm ngô”- trong đó có các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên- trên tổng diện tích hơn một triệu ha, đã thu hoạch tới hơn 3,7 triệu tấn ngô!

Giáo sư Trần Hồng Uy cho biết, tổng sản lượng ngô của các nước trong khu vực, từ Trung Quốc, Thái-lan, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Cam-pu-chia… mấy năm nay vẫn tăng mà giá ngô không giảm. Điều đó chứng tỏ nhu cầu ngô trong khu vực và trên thế giới rất lớn, cung vẫn chưa đủ cầu.

Theo Giáo sư, thị trường ngô nước ta nhiều năm qua cũng tương tự như vậy. Theo tính toán, mỗi năm cả nước chỉ xuất khẩu được hàng trăm tấn ngô, nhưng lại nhập khẩu tới gần nửa triệu tấn mà vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Giáo sư Uy đưa ra con số về nhu cầu của nước ta: Mỗi năm cả nước cần khoảng 4,5 triệu tấn, thực tế hiện nay mới có 3,7 triệu tấn. Sang năm, nhu cầu tăng lên 5,5 tấn; năm 2010 cần tới tầm 8 triệu tấn!

Ông dự đoán, sắp tới ngô Mỹ (nước có sản lượng ngô lớn nhất thế giới), ngô Argentina sẽ vào Việt Nam, nhưng giá cả và chất lượng ngô vùng Tây Bắc vẫn có thể cạnh tranh được. Ngô Mỹ (chủ yếu thuộc loại ngô răng ngựa) lúc được giá nhất bán ra thị trường thế giới khoảng 160 USD/tấn. Còn ngô Tây Bắc, như loại LVN10 (loại ngô đá, đỏ) lúc bán ra cao nhất tới hơn 200 USD/tấn. Ngô nước ta chưa áp dụng công nghệ biến đổi gien, nên dễ vào thị trường các nước châu Âu hơn.

Giáo sư Trần Hồng Uy cho biết từ năm 1999 đến nay, trung bình hằng năm nước ta “xuất” 500- 600 tấn ngô giống sang thị trường các nước Pakistan, Cam-pu-chia, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… Điều đó cho thấy ngô Việt Nam có thể cạnh tranh với ngô các nước không chỉ trên thị trường nội địa.

Nhận định lạc quan đó làm yên lòng “Bí thư ngô lai” Vì Văn Ỏm và bà con các dân tộc vùng Tây Bắc. “Vào WTO, làm ăn phải biết tính toán, đầu tư khoa học, kỹ thuật nhiều hơn cho cây ngô. Chiềng On mới có 1/3 số hộ sản xuất đạt năng suất ngô chín tấn mỗi ha. Những hộ còn lại mới ở mức bốn tấn mỗi ha”. Trong cuộc gặp gỡ ấm tình nơi vùng biên giới, người cán bộ vùng cao bộc bạch như vậy.


Bài và ảnh: Văn Nghiệp Chúc
Báo cáo phân tích thị trường