Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Văn minh nơi công sở
28 | 09 | 2007
Công sở là nơi thường xuyên phải tiếp xúc với dân, với các cộng tác viên, cơ quan hữu quan, bạn đồng nghiệp trong ngành và cấp trên. Cho nên, cán bộ công chức làm việc tại công sở cần có ứng xử văn minh, thanh lịch, giao tiếp có văn hoá ở nơi công tác.
vm.jpgBộ phận đầu tiên phải gặp khi đến công sở là người thường trực. Có thể đây là nơi đại diện cơ quan giải đáp những yêu cầu ban đầu và chỉ dẫn cho khách đến đúng nơi cần đến. Người thường trực vui vẻ, nhiệt tình luôn gây ấn tượng tốt cho công sở. Chỉ cần quát một tiếng khi xe của khách để không đúng chỗ, hỏi trống không và trả lời nhát gừng là đủ làm cho khách mất hết cảm tình với cơ quan.

Với công sở hành chính, thực hiện một cửa thì nơi tiếp dân, cán bộ cần có thái độ mềm mỏng, nắm vững các quy chế, nguyên tắc, thủ tục, hướng dẫn cặn kẽ cho khách để đỡ mất công đi lại nhiều lần. Việc gì đã hẹn, đã hứa phải ghi sổ công tác ngay để không quên, làm lỡ việc dân.

Tôn trọng kỷ luật, làm việc đúng giờ niêm yết. Tránh tình trạng khách đã chờ mà cán bộ, công chức còn trà nước, tán gẫu với nhau, coi như không có ai đang đợi, khách hỏi lại sẵng giọng trả lời: "Còn phải giao ban". Nếu cần có thời gian giao ban, thì giờ làm việc, giờ tiếp dân phải lui lại 10-15 phút. Chưa hết giờ, không được về, dù không còn khách nào. Đó là nguyên tắc tối thiểu mà mỗi công chức phải tuân thủ nghiêm túc.

Công chức đang giao dịch với khách, nghe chuông điện thoại mà không xin lỗi, rồi cứ thản nhiên nhấc máy, thản nhiên chuyện với bạn kéo dài toàn việc riêng tư, chứ không phải trao đổi công tác làm cho khách sốt ruột.

Lại có nơi chưa hết giờ làm việc đã niêm yết công khai, còn 10-15 phút nữa nhưng khách đến hỏi lạnh lùng trả lời: "Hết giờ nhận giấy tờ, mai lại!". Đó là thái độ làm việc tuỳ tiện, vô trách nhiệm ít nhất cũng phải xem đó là việc gì, nếu không thể giải quyết xong nên giải thích cho khách, và hẹn hoặc để giấy tờ lại sáng mai đến làm việc thêm, đừng để khách bị hụt hẫng, thấy công chức cửa quyền, hành dân.

Phòng làm việc của công chức phải gọn gàng, sắp xếp bàn ghế, phương tiện làm việc thuận lợi cho công chức hoạt động. Không để khay nước, gạt tàn thuốc lá trên bàn làm việc, cấm hút thuốc trong nơi làm việc là cần thiết. Trong phòng phải luôn luôn sạch sẽ, làm vệ sinh hàng ngày. Tiếp khách phải ra chỗ riêng, không làm ảnh hưởng đến đồng sự. Một số nơi để bát hương thờ ở nóc tủ, ở nóc giá sách rất tuỳ tiện. Mùng một, ngày rằm cũng có hoa quả, tiền giấy, đèn nhang. Không hiểu họ thờ ai, cầu mong gì? Cơ quan công sở không thể tự phát theo ý mình. Việc thờ cúng như vậy là không văn hoá, vì không đúng chỗ, lại có thể gây hậu quả mất an toàn trong phòng cháy.

Quan hệ giữa lãnh đạo với công chức là quan hệ trên dưới. Cần có sự tôn trọng nhưng không thể "gia đình chủ nghĩa", gọi lãnh đạo là chú, là bác, xưng con, xưng cháu, xưng em. Lãnh đạo cũng không được gọi cấp dưới xách mé hoặc coi thường người giúp việc mình. Mỗi người có cương vị và trách nhiệm được giao. Ai cũng cần biết sự tự trọng và tôn trọng người khác. Giao tiếp trong cơ quan có thứ bậc để đối xử, còn ra ngoài xã hội tuỳ theo ý thích của mỗi người mà giao tiếp thân mật, bình đẳng.

Xây dựng văn hoá công sở là công việc mà thủ trưởng cơ quan nào cũng phải quan tâm, đề ra những tiêu chí cụ thể thích hợp. Đó là biện pháp góp phần tạo sự bình đẳng chung, thúc đẩy hiệu quả công việc, xây dựng ý thức văn hoá của người Hà Nội.



Theo Kinhtedothi
Báo cáo phân tích thị trường