Dù hầu hết những laptop hiện nay đều đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu công việc cơ bản, đối với giới doanh nhân, những người luôn nắm giữ rất nhiều những dữ liệu quan trọng và nhạy cảm, laptop còn cần có một yếu tố tối quan trọng nữa là tính năng bảo mật cao. Ít nhất, một chiếc laptop dành cho doanh nhân cũng phải có cảm biến nhận dạng dấu vân tay, chip bảo mật TPM và mã khóa ổ cứng.
Dòng laptop ToughBook của Panasonic còn có khả năng chịu tải trọng khá cao. Chiếc TravelMate 6291 của Acer dù không có tính năng bảo mật bằng dấu vân tay, lại là một trong những chiếc laptop doanh nhân rẻ nhất hiện nay.
Nếu người tiêu dùng thực sự muốn có thêm tính năng này, người anh em TravelMate 6292 chính là một sự thay thế hợp lý, nhưng phải chấp nhận bỏ ra thêm một ít tiền.
Sau đây là 5 mẫu laptop dành cho doanh nhân được khách hàng châu Á tìm mua nhiều nhất trong thời gian gần đây.
1. Acer TravelMate 6291
|
Acer TravelMate 6291 là laptop doanh nhân có giá phổ thông. |
Ngoại trừ những model cao cấp như TravelMate 8215 hay series Ferrari, hầu hết những chiếc máy tính xách tay của Acer đều lấy tiêu chí giá rẻ làm nam châm thu hút khách hàng, nhưng vẫn bảo đảm tốc độ hoạt động cao. Chiếc TravelMate 6291 không nằm ngoài chiến lược này, khi sở hữu một loạt những tính năng mạnh mẽ của một cỗ máy dành cho doanh nhân, nhưng lại có mức giá phù hợp với túi tiền của khách hàng phổ thông.
Mặc dù không có khả năng bảo mật bằng nhận dạng dấu vân tay, tốc độ xử lý dữ liệu cũng chưa thực sự cao, nhưng những điểm yếu đó có thể được khỏa lấp bởi mức giá hấp dẫn 1.090 USD (giá tại Việt Nam).
2. HP Compaq Business Notebook nx6320
|
HP nx6320 có công nghệ chống sốc cho ổ cứng. |
Mặc dù không phải là model xinh xắn nhất trên thị trường nhưng những tính năng mà HP nx6320 sở hữu có thể đáp ứng mọi nhu cầu dù là cao nhất của giới doanh nhân. Máy sở hữu tính năng bảo mật rất cao, với một cảm biến nhận dạng dấu vân tay và chip bảo mật TPM, trong khi công nghệ chống sốc 3D luôn đảm bảo giữ an toàn cho ổ cứng trước những va chạm.
Bộ khung của HP nx6320 được mạ lớp chống xước, giúp ngăn ngừa việc để lại vết trong quá trình di chuyển và sử dụng máy hàng ngày. Cùng với tầm giá phải chăng và hỗ trợ hai lựa chọn chip Core Duo và AMD Turion X2, nx6320 thực sự là ứng viên sáng giá cho những người dùng vừa cần cấu hình mạnh, vừa đề cao tính năng, độ an toàn, tin cậy. Sản phẩm được bán tại Việt Nam với mức giá tham khảo 1.430 USD.
3. Lenovo ThinkPad T61
|
ThinkPad T61 có dáng vẻ cứng cáp truyền thống. |
Chiếc laptop 14 inch T61 của Lenovo mỏng hơn một chút so với dòng R nổi tiếng, nhưng vẫn mang dáng vẻ cứng cáp truyền thống của thương hiệu máy tính ThinkPad. Bên cạnh đó, T61 cũng có những tính năng công nghệ cao dựa trên nền tảng di động Centrino Pro mới của Intel. Thiết bị xạc pin của máy không quá cồng kềnh, giúp nâng cao sự tiện dụng cho những người hay phải di chuyển. Máy hỗ trợ điều khiển từ xa và khả năng kết nối không dây mạnh mẽ nhờ chuẩn 802.11n.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 1.550 USD.
4. Dell Latitude D630
|
Dell Latitude D630 là laptop "sạch" nhất thế giới. |
Khó có thể phàn nàn gì về chiếc laptop "sạch" nhất thế giới, Latitude D630 này của Dell. Máy chạy trên nền tảng công nghệ di động mới nhất của Intel, với những tính năng thân thiện với người dùng doanh nhân và tuổi thọ pin dài. Tốc độ hoạt động của D630 rất cao. Kết cấu máy lại cứng cáp, chắc chắn, rát phù hợp với mật độ di chuyển dày. Bàn phím của máy được thiết kế rất thoáng, tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng. Ngoài ra, máy còn sở hữu một màn hình sáng và một đầu đọc thẻ nhớ thông minh.
Tuy nhiên, Dell Latitude D630 hơi nặng nếu so với trọng lượng trung bình của một chiếc laptop mỏng, nhẹ hiện nay. Những biểu tượng nhỏ và những dòng chữ hiện trên màn hình không thật sự rõ ràng. Bộ phận chuột cảm biến được thiết kế hơi nhỏ, do phải nhường chỗ cho thiết bị đọc dấu vân tay.
Giá tham khảo tại Singapore: 1.494 USD.
5. Panasonic ToughBook CF-W5
|
ToughBook CF-W5 có thể chịu tải trọng 100 kg. |
Panasonic ToughBook quả thực là một cỗ máy di động hạng nặng. Mặc dù có bề ngoài trông rất "hầm hố", nhưng máy lại khá nhẹ. Pin có thể được sử dụng liên tục trong một khoảng thời gian rất dài, trong khi bộ khung máy có thể chịu được tải trọng lên tới 100 kg. Ổ cứng của ToughBook CF-W5 được trang bị bộ chống sốc, giúp đảm bảo an toàn cho dữ liệu. Máy cũng có khá nhiều màu vỏ khác nhau, tha hồ cho người dùng lựa chọn.
Dẫu vậy, khả năng kết nối của ToughBook CF-W5 chỉ ở mức trung bình. Máy lại không hỗ trợ Bluetooth, không có cảm biến nhận dạng vân tay, bàn phím được thiết kế quá nhỏ. Máy cũng không cho người dùng được lựa chọn cấu hình, trong khi nền tảng công nghệ sử dụng trong ToughBook CF-W5 cũng là đời cũ. Mức giá 2.413 USD của máy cũng khá cao.