Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân bón tăng mạnh
05 | 10 | 2007
Một số doanh nghiệp cho biết, giá phân bón trong nước tăng mạnh là do thiếu phân thật chứ không phải là thiếu ảo.
Giá nhiều loại phân bón hiện nay đã tăng thêm 10% so với giữa tháng 9/2007. Tại miền Bắc, giá phân urê đang ở mức 5.500 đồng/kg trở lên, những nơi vùng sâu, vùng xa, giá lên tới 6.500 đồng/kg. Phân lân từ 2.000-2.500 đồng/kg, phân bón tổng hợp NPK loại phân bón lót có tỷ lệ 5-10-3 trên 2.000đồng/kg, phân bón thúc có tỷ lệ 12-5-10 giá 2.960 đồng/kg. Riêng kali thì giá cao ngất ngưởng tới 5.200 đ/kg.

Tại miền Trung, nhiều nơi giá phân urê bán đến tay người tiêu dùng đã tới 6.000 đ/kg, còn tại Đồng bằng Sông Cửu Long, phân DAP đã tăng 600 - 700 đ/kg lên 8.200 - 8.500 đ/kg, phân urê Trung Quốc tăng 400 đ/kg lên 5.200 đ/kg, đạm Phú Mỹ tăng 460 đ/kg lên 5.500 đ/kg...

Cung thấp hơn cầu trên khắp thế giới

Giải thích về nguyên nhân giá phân bón tăng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam trong suốt thời gian qua cho rằng là do nhiều nhà máy urê, kali trên thế giới dừng sản xuất để bảo dưỡng thường niên và nhu cầu sử dụng một số loại phân bón như DAP, kali toàn cầu tăng (DAP 9 tháng đầu năm tăng 23%; kali tăng 28% so với cùng kỳ) dẫn đến nguồn cung thấp hơn cầu, đẩy giá phân tăng lên.

Ngoài ra, giá cước vận chuyển chung tăng. Hiện nay giá cước vận chuyển so với đầu năm đã tăng 45%. Một số yếu tố khác cũng tăng giá như năng lượng, thuế khai thác khoáng sản, công lao động cũng góp phần kéo giá cả tăng trong đó có phân bón.

Cũng theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay tuy mới bắt đầu vào vụ mùa nhưng tại nhiều nước nhu cầu phân bón đã tăng và tại một số nước đã có xu hướng mua dự trữ phân bón đề phòng thiếu hàng, kể cả các nước hiện đã đầy kho phân bón như Ấn Độ, Achentina, Brazil cũng nhập nhiều urê, kali để dự trữ hoặc đầu cơ.

Còn tại Việt Nam, thị trường cũng đang có sự găm hàng, đầu cơ giá đối với phân urê. Công ty Phân đạm và Hoá chất Phú Mỹ cho biết, hiện Công ty xuất kho đều đặn 3.000 tấn/ngày. Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc cũng tiêu thụ nhiều hơn 35% so với cùng kỳ năm 2006 và lượng ure nhập khẩu vẫn ổn định, nhưng trên thị trường lại có hiện tượng khan hiếm urê và giá bắt đầu tăng. Có khả năng có sự đầu cơ trong hệ thống phân phối phân bón và có sự mua bán lòng vòng giữa các đại lý để nâng giá.

Nhưng theo ý kiến của một số doanh nghiệp thì giá phân bón trong nước tăng mạnh là do thiếu phân thật chứ không phải là thiếu ảo.

Nhập khẩu phân bón giảm

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Công thương) thì lượng urê nhập về trong tháng 7/2007 đạt khoảng 57 ngàn tấn với trị giá 14 triệu USD, tăng 10,48% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với tháng trước, nhưng lại giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2006, giảm 52% về lượng. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng lượng urê nhập về đạt khoảng 370 ngàn tấn với trị giá 92 triệu USD, thấp hơn 10,62% về lượng và thấp hơn 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2006.

Riêng nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc trong tháng 7/2007 cũng giảm khá mạnh, giảm 44,63% về lượng và giảm 54,94% về trị giá so với tháng 6/2007, đạt 104,87 ngàn tấn, với trị giá trên 25 triệu USD.

So với tháng 6/2007, hầu hết các loại phân bón nhập về từ Trung Quốc đều giảm cả về lượng và giá. Cụ thể: urê giảm 17,25% về lượng và giảm 14,58% về trị giá, đạt 44 ngàn tấn với trị giá 10,8 triệu USD; SA giảm 24,71% về lượng và giảm 21,9% về trị giá, đạt 18,5 ngàn tấn với trị giá 2,37 triệu USD. Đặc biệt, nhập khẩu phân DAP giảm rất mạnh, giảm tới 77,32% về lượng và giảm 77,54% về trị giá, giá nhập khẩu giảm 4 USD/tấn.

Còn tháng 8/2007, cả nước nhập 226 ngàn tấn phân bón các loại đạt kim ngạch khoảng 59,5 triệu USD, giảm 7% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 7/2007. So với cùng kỳ năm 2006, giảm 15,89% về lượng nhưng lại tăng 11,83% về trị giá.

Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu nói chung trong 8 tháng đầu năm 2007 giảm hơn so với cùng kỳ 2006. Giá phân bón và cước vận tải tăng đã làm cho chi phí nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp tăng và một số doanh nghiệp có nguồn vốn hạn hẹp đã buộc phải giảm lượng nhập khẩu.

Sản xuất trong nước: Chạy hết tải vẫn không đủ

Với sản xuất trong nước như đã biết, lượng phân bón tồn kho luôn ở mức thấp. Theo Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam, tại hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón, các dây chuyền đều chạy hết tải, nhưng nhìn chung, lượng tồn kho phân bón không tăng, thậm chí nhiều loại mức tồn kho lại giảm như supe lân, phân NPK...

Tuy các đơn vị rất cố gắng duy trì mức độ sản xuất cao, song thực tế trong sản xuất nhiều đơn vị gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất. Công ty Supe photphat và Hoá chất Lâm Thao, do việc cung cấp toa xe lửa chở quặng không đều nên vẫn xảy ra hiện tượng không đủ quặng cho sản xuất supe lân. Ngoài ra, việc sản xuất axit sunfuric cũng không đạt công suất cao do phải vừa đầu tư vừa sản xuất và giá lưu huỳnh tăng vọt, vì vậy sản lượng supe lân cũng bị ảnh hưởng.

Với NPK, hiện nay hầu hết các nguyên liệu sản xuất đều tăng giá rất mạnh (DAP, urê, kali trên 6.000đ/kg, v.v...) nên các nhà sản xuất đang rất khó khăn. Nếu tập trung sản xuất ồ ạt sẽ cần lượng vốn rất lớn để mua nguyên liệu. Hơn nữa giá nguyên liệu đang rất cao và không ổn định, trong khi giá sản phẩm khó tăng tương ứng và nếu không tính toán kỹ thì dễ bị lỗ.

Lượng phân bón nhập khẩu giảm và sản xuất trong nước gặp khó khăn khiến nhiều loại phân bón đang bị thiếu nguồn cung, trong khi tại khu vực phía Nam nhiều nơi đã bắt đầu vào vụ, nhu cầu về phân bón tăng mạnh. Điều này đã đẩy giá phân bón trong nước tăng cao.

Theo tính toán ở Đồng Tháp Mười, để có được năng suất lúa bình quân vụ Đông Xuân khoảng 5 tấn/ha, nông dân phải chi phí các khoản cụ thể như: khoảng 120 kg urê, 70 kg lân, 35 kg kali; 2,5 lít thuốc BVTV, 125 lít dầu và nhiều khoản chi phí khác. Đó là chưa kể công sức lao động, phí vận chuyển, giá điện, xăng dầu... mọi thứ đều tăng giá. Như vậy, với giá cả như hiện nay, trừ đi các khoản chi phí khác như thuỷ lợi, nghĩa vụ... dù giá lúa đang ở mức cao 2.900-3.000 đồng/kg thì lợi nhuận nông dân thu về cũng không là bao.

Cho đến nay các nhà kinh doanh phân bón vẫn đưa ra một công thức tính hoà vốn với sản xuất lúa là 2 kg lúa = 1 kg đạm" và "3 kg lúa = 1 kg DAP". Với mức giá phân bón urê tăng như hiện thời đã tiệm cận với mức nêu trên. Nhiều ý kiến lo ngại rằng để giảm chi phí, nguy cơ nông dân sẽ giảm sử dụng phân bón, như vậy liệu năng suất lúa có đảm bảo?



Nguồn: baothuongmai
Báo cáo phân tích thị trường