Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần: Cùng mục tiêu phát triển doanh nghiệp
08 | 10 | 2007
Cổ phần hóa đã làm thay đổi cơ bản về tổ chức, quản lý và cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vốn trước đó là DN nhà nước, theo hướng thêm động lực phát triển. Nhưng đối với tổ chức cơ sở Đảng, khi DN cổ phần hóa lại rơi vào tình thế khó khăn: vai trò, vị trí và tổ chức hoạt động như thế nào khi tổ chức cơ sở đảng không còn “lãnh đạo toàn diện”? Báo SGGP trích đăng một số ý kiến băn khoăn cũng như một vài kinh nghiệm, cách làm của tổ chức đảng trong DN cổ phần ở TPHCM.
Đào Văn Hải, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Vật tư kỹ thuật dầu khí: Ý kiến cấp ủy phải xác đáng, thiết thực

Cấp ủy chúng tôi không thể áp đặt ý kiến chủ quan và lãnh đạo đối với đại hội cổ đông, hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc được. Tuy nhiên, có thể thông qua những đảng viên là cổ đông, là thành viên trong HĐQT và ban giám đốc để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã được đề ra trong nghị quyết.

Mặt khác, cấp ủy đóng góp những ý kiến xác đáng, thiết thực, đồng thời chủ động bàn bạc với chủ DN. Muốn được như vậy, nội dung sinh hoạt chi bộ phải bám sát nhiệm vụ phát triển của DN; cấp ủy tập trung thảo luận và đề xuất, kiến nghị biện pháp giải quyết những vấn đề bức xúc của DN. Bên cạnh đó, tổ chức Đảng phải lãnh đạo hoạt động của Công đoàn, Đoàn TNCS, để từ đó giáo dục, vận động công nhân nêu cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật lao động…

Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP gas Sài Gòn: Quy chế phải gắn với hoạt động doanh nghiệp

Khi DN cổ phần hóa, điều quan trọng là cấp ủy phải xây dựng được quy chế làm việc, gắn chặt với quy chế quản lý, hoạt động của DN. Về sinh hoạt chi bộ, do thời gian eo hẹp nên chúng tôi bàn cách, cứ sau mỗi lần họp chuyên môn, những đảng viên ngồi lại với nhau ít phút để kiểm điểm công việc của từng người. Như vậy, tuy sinh hoạt chi bộ không đều nhưng hàng tháng cấp ủy vẫn nắm chắc công việc, thường xuyên kiểm tra và giao nhiệm vụ cho từng đảng viên. Khó khăn của cấp ủy đảng cơ sở là không có thời gian trong giờ hành chính để tổ chức các buổi họp như quán triệt nghị quyết, học lý luận chính trị hoặc tham gia các đợt sinh hoạt chính trị… do Đảng ủy cấp trên tổ chức.

Nguyễn Văn Lịch, Bí thư Đảng ủy khối Bộ Công thương: Nghiên cứu mô hình tổ chức đảng theo doanh nghiệp

Ở doanh nghiệp cổ phần (DNCP) hiện nay chưa quy định trách nhiệm cụ thể đối với nhân sự đại diện vốn nhà nước, chẳng hạn ai là người quản lý vốn, ai kiểm tra, ai nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người đại diện quản lý vốn nhà nước. Tổ chức cơ sở đảng ở các DNCP có trách nhiệm gì về quản lý nhân sự, thẩm quyền thay đổi người đại diện? Việc chuyển tổ chức cơ sở đảng công ty cổ phần không có vốn nhà nước về sinh hoạt tại địa phương nơi DN trú đóng theo quy định của Thành ủy, theo tôi là không làm tăng sức mạnh của Đảng ở cơ sở. Theo tôi, nên nghiên cứu mô hình tổ chức đảng theo DN để gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguyễn An Bình, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

Quy định về tổ chức đảng trong DNCP mới ra đời đã lạc hậu. Chúng ta chưa từ phía chủ DN để nhìn nhận, xây dựng tổ chức đảng mà lại xuất phát từ yêu cầu, mục đích của tổ chức đảng để áp đặt nhiệm vụ. Nếu đảng viên là người có năng lực, trình độ và bản lĩnh vững vàng thì chủ DN sẵn sàng sử dụng. Các quy định về cổ phần hóa có rất nhiều và thường xuyên thay đổi, nhưng các quy định của Đảng về tổ chức cơ sở đảng trong DNCP lại ra chậm, thậm chí Quy định 140 của Trung ương, các hướng dẫn 07 của Ban Tổ chức Trung ương và 01 của Ban Tổ chức Thành ủy mới ra đời cũng đã tỏ ra lạc hậu rồi.

Mai Trọng Sửu, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Thủy lợi 4: Giúp người lao động phát huy vai trò làm chủ

Đúng ra, khi cổ phần hóa, công tác xây dựng đảng trong DNCP phải nặng hơn, năng động hơn khi còn là DN nhà nước. Bởi trong điều kiện, hoàn cảnh thay đổi đòi hỏi sự nỗ lực, vươn lên của cấp ủy đảng và từng đảng viên phải thể hiện rõ tính tiền phong gương mẫu. Thông qua các tổ chức đoàn thể và hoạt động của DN để nắm khả năng tài chính, hoàn cảnh cụ thể của người lao động để từ đó vận động, tuyên truyền giúp đỡ người lao động không bán cổ phiếu đã mua, nhất là cổ phiếu ưu đãi. Làm được điều này là giúp cho công nhân và người lao động thoát khỏi tình cảnh người làm thuê; giúp họ phát huy vai trò làm chủ của mình tại DN.

Lê Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tổng Công ty Liksin: Giới thiệu cán bộ giữ các vị trí chủ chốt

Sau khi cổ phần hóa, nhiều vị trí chủ chốt như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, ban kiểm soát… được quyết định tại đại hội cổ đông. Nếu các chức vụ trên không còn do đảng viên nắm giữ thì việc đảng viên, cấp ủy tham gia góp ý xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh là điều rất khó khăn. Bài học ở Liksin cho thấy, trước khi cổ phần hóa, cấp ủy đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ đảng viên có trình độ năng lực, phẩm chất, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt để giới thiệu đại hội cổ đông bầu vào các chức danh chủ chốt… Nếu hoạt động tổ chức cơ sở đảng hạn chế, cấp ủy không giới thiệu được cán bộ đảng viên có năng lực vào các vị trí chủ chốt thì vai trò của tổ chức đảng bị lu mờ, từ đó việc bị vô hiệu hóa là khó tránh khỏi.



Theo SGGP

Báo cáo phân tích thị trường