Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những sai sót khó hiểu
30 | 10 | 2007
Dự án cấp nước và vệ sinh Thị xã (TX) Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) có tổng vốn đầu tư khoảng 10,7 triệu USD, là công trình nằm trong Dự án Phát triển hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, với nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), của AFD (Chính phủ Pháp)
vốn viện trợ của Nauy và vốn đối ứng của Việt Nam. Thời gian thực hiện Dự án là 7 năm (tính từ năm 2001), nhưng đến thời điểm này, tiến độ thi công công trình vẫn đang trong tình trạng rất ì ạch do vướng về đền bù, giải toả mặt bằng, mà lỗi lại hoàn toàn không phải do dân.

“Ngâm”... quyết định thu hồi đất
Với mục tiêu đảm bảo cung cấp nước sạch cho hơn 140.000 người dân sinh sống trên địa bàn TX Tây Ninh, Hòa Thành và các vùng lân cận, ngày 20/08/2001, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-CT phê duyệt Dự án cấp nước và vệ sinh TX Tây Ninh, có diện tích đất là 17.800 m² do Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh làm chủ đầu tư. Đây là một chủ trương đúng đắn, nên trong quá trình triển khai Dự án đã có 9/12 hộ dân nằm trong diện giải tỏa tự nguyện nhận hơn 960 triệu đồng tiền đền bù và giao gần 12.600 m² đất cho chủ đầu tư.
Còn lại 3 hộ dân, có diện tích đất là 5.426 m² đã được UBND huyện Hòa Thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1996 và đủ điều kiện được nhận đền bù theo quy định của pháp luật. Song cả 3 hộ đều chưa chịu nhận tiền đền bù, vì cho rằng, mức giá do Hội đồng Đền bù TXõ Tây Ninh đưa ra là quá thấp, chỉ khoảng 465 triệu đồng vào thời điểm cuối năm 2001. Được biết, sau 8 lần điều chỉnh mức giá đền bù, con số này đã lên tới 1,389 tỷ đồng.

Chưa thu hồi đất, đã... giao đất
Thay vì phải tiến hành thương lượng với người dân để đi đến thỏa thuận mức giá đền bù thỏa đáng theo đúng trình tự pháp luật, thì cơ quan chức năng TX Tây Ninh lại tiến hành giải quyết sự việc theo một... “quy trình ngược”. Cụ thể, trong khi chưa có quyết định thu hồi đất thì các cơ quan tham mưu bên dưới lại có tờ trình gửi UBND tỉnh Tây Ninh, để sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-CT, ngày 29/7/2002 giao đất cho Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh thuê để xây dựng, mở rộng Nhà máy nước TXõ. Khi có quyết định này, UBND TXõ Tây Ninh liền ký ngay 3 quyết định số 317/QĐ-UB, 318/QĐ-UB và 319/QĐ-UB trong cùng ngày 21/5/2003 về việc thu hồi đất của 3 hộ dân nêu trên.
Điều đáng nói hơn, không hiểu vì lý do gì mà cả 3 quyết định thu hồi đất đó của UBND TX Tây Ninh đã bị những người có trách nhiệm... “ngâm” cho đến ngày 23/4/2004 mới được đưa đến 3 hộ trên. Điều này đã gây nhiều bức xúc cho cả 3 hộ dân khi thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm nghiêm trọng.
Không chấp nhận cách hành xử khó hiểu và trái luật của chính quyền địa phương, những hộ dân này tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, yêu cầu được đền bù và giải quyết tái định cư thỏa đáng. Song quyền lợi hợp pháp của họ đã tiếp tục bị “lờ đi”, bởi sau đó UBND TX Tây Ninh lại ban hành các quyết định (số 143/QĐ-CT, 144/QĐ-CT và 145/QĐ-CT ngày 16/6/2005) bác đơn khiếu nại của người dân, đồng thời đã cho tiến hành cưỡng chế thi hành 3 quyết định thu hồi đất do mình ban hành. Trong khi các quyết định này tự thân nó đã trái luật, vì trước đó, khi chưa quyết định thu hồi đất đã tham mưu cho UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư.
Đại diện một trong 3 hộ dân này bức xúc nói: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án cấp nước và vệ sinh TX Tây Ninh của UBND tỉnh Tây Ninh, nhưng việc UBND TX Tây Ninh không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc thực hiện thu hồi đất và đền bù, tái định đã gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của chúng tôi. Đã hơn hai năm qua, chúng tôi đã liên tục khiếu nại về các quyết định trái luật của UBND TX Tây Ninh, nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết”.
Để gỡ rối cho những “sai sót” của cấp dưới, ngày 16/8/2007, UBND tỉnh Tây Ninh đã triệu tập cuộc họp để nghe Thanh tra Tỉnh báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của người dân về giá đền bù đất khi thực hiện Dự án, với sự tham gia của các sở, ban ngành liên quan. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xem xét lại các quyết định đã được ban hành trong quá trình thực hiện Dự án, báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi Quyết định số 213/QĐ-CT ngày 29/7/2002 của UBND tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, giao cho Hội đồng đền bù TX Tây Ninh căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan để xây dựng phương án bồi thường, tái định cư cho những người dân này. Ngoài ra, ông Châu cũng đã chỉ đạo UBND TX Tây Ninh thu hồi các quyết định (số 143/QĐ-CT, 144/QĐ-CT và 145/QĐ-CT ngày 16/6/2005) về bác đơn khiếu nại của 3 hộ dân về giá đền bù đất thực hiện Dự án mở rộng nhà máy nước Tây Ninh. Theo đó, sau khi phương án đền bù được duyệt, giao UBND TX Tây Ninh ban hành quyết định đền bù cho từng hộ dân và phải mời họ lên để thông báo quyết định.

Kiểm điểm hay hoà cả làng?
Cũng theo ông Châu: “Tất cả nội dung nêu trên, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, chậm nhất ngày 5/9/2007 phải thực hiện xong và báo cáo kết quả về UBND tỉnh”. Chỉ đạo là vậy, nhưng theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đã hơn một tháng qua, mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do vướng mắc trong đền bù, giải tỏa trong quá trình thực hiện Dự án, nên nguy cơ chậm tiến độ là khó tránh khỏi, bởi thời điểm phải hoàn thành Dự án là vào cuối năm 2007. Như vậy, nếu Dự án chậm tiến độ sẽ đồng nghĩa với việc phải trả lãi vay phát sinh, dẫn đến việc gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, tại thời điểm này, nếu căn cứ mức giá đền bù theo quy định hiện hành, thì số tiền đền bù cho cả 3 hộ dân trên có thể sẽ lên đến gần 8 tỷ đồng lấy từ vốn đối ứng của Việt Nam. Vậy trách nhiệm gây ra thiệt hại này thuộc về ai?
Tuy đã gần 6 năm thực hiện, nhưng đến nay, tiến độ thi công của Dự án vẫn trì trệ, với nhiều sai phạm khó hiểu của cơ quan chức năng. Thế nhưng, theo ý kiến kết luận của ông Châu, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan (gồm Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TX Tây Ninh, Hội đồng đền bù TX Tây Ninh và Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh) kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những thiếu sót, tồn tại trong việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Dự án, cũng như những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng Nhà máy nước Tây Ninh (!?).


Theo vir.com
Báo cáo phân tích thị trường