Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quan hệ thương mại thủy sản giữa EU và Việt Nam
06 | 11 | 2007
Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Cộng đồng châu Âu vào ngày 22-10-1990, ký Hiệp định buôn bán hàng dệt may với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 15-12-1992 và Hiệp định hợp tác với EU vào ngày 17-7-1995, tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên và cả Cộng đồng trên mọi lĩnh vực hỗ trợ phát triển, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, văn hoá xã hội, đầu tư kinh tế và thương mại. EU cũng là khối đã hoàn thành quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

·  Một số kết quả hợp tác hỗ trợ của EU đối với Việt Nam

Trong mối quan hệ song phương, EU đã, đang và sẽ là một đối tác trụ cột của Việt Nam. Riêng 11 nước thành viên EU, đến năm 2004 đã có 372 dự án đầu tư trực tiếp (FDI), với tổng số vốn đăng ký trên 6 tỷ USD, trong đó đã thực hiện  được hơn 4,2 tỷ, tổng doanh thu đạt khoảng 1,13 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho 39.350 lao động trực tiếp. Các nước EU là những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 1/3 tổng số vốn ODA, đa phần không hoàn lại.

Năm 2002, EU đã thông qua chiến lược hợp tác mới với Việt Nam trong giai đoạn 2002-2006, nhằm tạo điều kiện tăng tốc xoá đói giảm nghèo trong chiến lược phát triển bền vững, giúp Việt Nam xây dựng đất nước và nhanh chóng hội nhập với thế giới. Trong chiến lược hợp tác mới này, EU dự kiến trợ giúp 162 triệu euro tập trung vào hai lĩnh vực ưu tiên: (1) Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt hỗ trợ phát triển một số tỉnh nghèo thông qua hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục; (2) Trợ giúp cải cách kinh tế của Việt Nam theo cơ chế thị trường để nhanh chóng hội nhập với nền kinh tế của khu vực và thế giới. Năm 2004, EU đã trợ giúp cho Việt Nam 600.000 euro để phòng chống dịch cúm gia cầm. Năm 2005, Việt Nam chủ động đưa ra “Đề án tổng thể về quan hệ Việt Nam- EU đến năm 2010 và định hướng 2015” với mục đích nâng cao mối quan hệ hai bên lên một tầm cao mới, trên cơ sở của mối quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác lâu dài, vì hoà bình và phát triển.

Hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên EU cũng đã diễn ra trên mọi lĩnh vực ngay từ trước năm 1990 với nhiều thành tựu lớn, là một trong những nguồn lực bên ngoài đóng góp tích cực cho tiến trình đổi mới nền kinh tế đất nước.

·  Quan hệ hợp tác - hỗ trợ trong lĩnh vực thuỷ sản

Nhiều nước thành viên của EU đã hợp tác giúp đỡ Việt Nam thông qua nhiều dự án và các hoạt động khác.

Hợp tác về thuỷ sản với Ai-xơ-len chủ yếu là trong lĩnh vực đào tạo. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2002 của Thủ tướng Ai-xơ-len, ngoài thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực thuỷ sản trị giá 100 triệu USD đã nêu trên, Ai-xơ-len còn dành 30.000 đôla cho Chương trình đào tạo nghề cá (FTP) thuộc trường đại học Liên Hợp quốc tại Reykjavik để có thể tài trợ bổ sung cho cán bộ thuỷ sản Việt Nam được tham gia chương trình đào tạo. Ai-xơ-len hiện đang giúp ta đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực bảo quản và chế biến thuỷ sản, công nghệ khai thác thuỷ sản, quản lý các công ty thuỷ sản và tiếp thị, đánh giá và giám sát nguồn lợi thuỷ sản, biển và nội địa. Trong thời gian tới, ta cần tranh thủ Ai-xơ-len giúp Việt Nam xác định tiềm năng hải sản, giúp trang thiết bị; hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt cá và chế biến hải sản, tiếp tục dành cho ta các học bổng đào tạo cán bộ trong lĩnh vực thuỷ sản.`

Italia đã cung cấp cho ngành thuỷ sản Việt Nam một số dự án vay vốn với lãi suất thấp như “Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản và nghề cá quốc gia, khu vực phía bắc Việt Nam”, “Trang bị dây chuyền cấp đông rời nhanh –IQF - tại Xí nghiệp chế biến thuỷ sản Hải Phòng”, “Trang bị thiết bị chế biến Agar tại Công ty đồ hộp Hạ Long”. Mới đây, Chính phủ Italia đã hỗ trợ uỷ thác qua FAO dự án “Quản lý tổng hợp phá Tam Giang” với tổng kinh phí 1,3 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2005 – 2008.

Thụy Điển đã hỗ trợ thông qua FAO và SEAFDEC (Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam á các dự án về phát triển nguồn nhân lực thống kê thuỷ sản, tăng cường năng lực thu thập thông tin phục vụ quản lý nghề cá.

Với Cộng hoà Pháp, mặc dù hai nước chưa hình thành khuôn khổ chung về hợp tác thuỷ sản, nhiều tổ chức, địa phương và đơn vị đã chủ động hỗ trợ những nội dung như sinh sản nhân tạo cá tra và cá basa, xây dựng thương hiệu nước mắm Phú Quốc, đào tạo ngôn ngữ, v.v...

Hà Lan bắt đầu có quan hệ hỗ trợ trực tiếp về thuỷ sản từ năm 2004 với chuyến thăm và chủ trì hội thảo về “Tiếp cận thị trường thông qua năng lực quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và mội trường” của Tổng cục trưởng Thuỷ sản Hà Lan. Đến nay, Hà Lan đã giúp đào tạo 9 cán bộ về an toàn thực phẩm. Một dự án thí điểm về xoá đói giảm nghèo cho nông dân nuôi trồng thuỷ sản cũng được Hà Lan hỗ trợ thực hiện tại Ninh Bình.

Việt Nam và Đan Mạch đã có sự hợp tác rất sớm và rất thành công trong lĩnh vực thuỷ sản từ năm 1975, khi Đan Mạch bắt đầu triển khai cho Việt Nam vay vốn mua trang thiết bị làm lạnh và cấp đông. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, ngành thủy sản của nước ta là một trong 3 ngành kinh tế nhận được sự hỗ trợ phát triển của Chính phủ Đan Mạch. Một trong những hoạt động đầu tiên được nhận viện trợ của Đan Mạch là lĩnh vực chế biến thủy sản, với việc triển khai thực hiện dự án “Nâng cấp chất lượng thủy sản Việt Nam” và “Tổng quan về chế biến thuỷ sản Việt Nam”(US/VIE/93/058) do Đan Mạch tài trợ uỷ thác thông qua UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc) thực hiện năm 1993-1994. Năm 1995, Chính phủ Vương quốc Đan Mạch đã hỗ trợ trực tiếp cho ngành thuỷ sản Việt Nam một số dự án như “Nâng cấp chất lượng thuỷ sản xuất khẩu giai đoạn 1 – SEAQIP1” (1996-2000), “Điều tra nguồn lợi sinh vật biển giai đoạn 1 – ALMRV1”(1996-2000). Năm 1995, Đan Mạch cùng đã hỗ trợ Dự án “Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Việt Nam” thực hiện trong 2 năm (1995-1996), nhằm giúp thuỷ sản Việt Nam phương pháp tiếp cận mới về phát triển cân đối, bền vững. Quy hoạch đã đề xuất một loạt phương pháp tổ chức, chiến lược và chính sách trong mọi lĩnh vực hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành thủy sản. Kết quả của Dự án là một tiền đề để xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ngành thuỷ sản Việt Nam. Kết quả của Dự án cũng là căn cứ để Chính phủ hai nước ký kết văn kiện Chương trình hỗ trợ chương trình Ngành thuỷ sản (FSPS) với tổng kinh phí khoảng 40 triệu USD, thay đổi từ việc hỗ trợ từng dự án riêng lẻ sang hình thức hỗ trợ toàn diện theo chương trình, bao gồm 5 hợp phần:

-          Tăng cường năng lực quản lý hành chính ngành thủy sản (STOFA)

-          Hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản nước ngọt (SUFA)

-          Hỗ trợ phát triển nuôi, trồng thủy sản biển và nước lợ (SUMA)

-          Cải thiện chất lượng thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2 (SEAQIP-2)

-          Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tái cơ cấu ngành (SIRED)

Hợp phần STOFA tập trung hỗ trợ việc xây dựng năng lực quản lý hành chính ngành thủy sản ở các cấp quốc gia, tỉnh và huyện; SUFA và SUMA sẽ tập trung làm điểm các kỹ thuật nuôi nhằm nâng cao sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ và nuôi trên biển; SEAQIP và SIRED tập trung vào việc đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực hoạt động của hội nghề nghiệp (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản – Vasep), đẩy mạnh xuất khẩu, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp thủy sản phù hợp với chính sách mở cửa nền kinh tế của Việt Nam. Song song với việc thực hiện các mục tiêu trên, hàng trăm cán bộ của Việt Nam đã đã được đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, năm 2005 Chính phủ hai nươc đã ký kết văn kiện tiếp tục chương trình hỗ trợ giai đoạn 2 – FSPS2, thực hiện từ 2006 – 2010 với kinh phí khoảng 35 triệu USD.

·  Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam - EU trong thời gian qua phát triển khá mạnh, với kim ngạch hai chiều năm 2004 đạt gần 7,5 tỷ USD, trong khi năm 1999 chỉ đạt 3,6 tỷ USD. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hoá sang EU và nhập từ EU khoảng 2 tỷ USD. EU còn là thị trường của 1/3 lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất khả quan. Trong 10 năm từ 1990-1999 giá trị trao đổi đã tăng hơn 12 lần, tốc độ tăng bình quân hằng năm 32%. Năm 1999, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt gần 4.500 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt  hơn 2.500 triệu USD, nhập khẩu 2.000 triệu USD. Năm 2000, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt giá trị khoảng 2.800 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm sau, đến năm 2004 đã đạt 3.900 triệu USD. Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang EU bao gồm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ… Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghiệp, hoá chất, tân dược, thực phẩm chế biến… Việt Nam và EU đã dành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) và EC cam kết dành cho hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam chế độ ưu đãi phổ cập (GSP), gia hạn và tăng hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Bảng 16: Tỷ trọng một số mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang EU-15

(đơn vị tính: %)

Tên hàng

1999

2000

2001

2002

2003

VN xuất khẩu sang EU-15

100

100

100

100

100

Giày dép

37,1

36,8

38,7

42,2

41,5

Hàng dệt may

22,0

21,6

20,2

17,5

14,9

Hàng nông sản

8,3

7,2

6,7

5,4

6,9

Thủy hải sản

3,5

3,6

3,9

3,1

4,0

Thủ công mỹ nghệ

2,4

3,9

4,0

4,7

4,5

Các mặt hàng khác

26,7

26,9

26,5

27,1

28,2

(Nguồn: Thâm nhập thị trường EU.- Hà NộI: Nxb Thống kê)

 

Bảng 17: Số liệu thương mại giữa Việt Nam và EU

(đơn vị tính: triệu USD)

                Năm

Chỉ tiêu

1998

1999

2000

2001

2002

2003

1. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU

2079,0

2515,3

2845,1

3002,6

3150,0

3852,8

2. Tốc độ tăng (giảm) (%)

-

20,99

13,11

5,53

4,91

22,3

3. Tỷ trọng so với tổng giá trị kim ngạch XK của VN (%)

22,21

21,79

19,64

19,90

18,85

19,09

4. NK của Việt Nam từ EU

1246,3

1094,9

1317,4

1502,7

1840,0

2471,9

5. Tốc độ tăng (giảm) (%)

-

-13,39

20,32

14,06

22,44

34,34

6. Tỷ trọng so với kim ngạch NK của VN (%)

10,84

9,32

8,42

9,30

9,32

9,8

7. Mức độ nhập siêu (tỷ USD)

-833

-1,42

1,53

1,5

1,31

1,381

Nguồn: Niên giám thống kê 2004

 

Bảng trên cho thấy EU là một thị trường thương mại quốc tế quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm tới, tỷ trọng xuất nhập khẩu sẽ có thể có thay đổi khi EU xem xét để loại một số hàng hoá ra khỏi danh mục được hưởng mức thuế nhập khẩu GSP và sẽ áp dụng ngày càng nhiều những rào cản kỹ thuật mới gây trở ngại cho hàng nhập khẩu.

·  Xuất nhập khẩu thủy sản giữa Việt Nam và EU

ü       Xuất khẩu

            Từ những năm 1980, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường EU dưới một nhàn hiệu chung là Seaprodex. Ngay từ những năm đầu thâm nhập thị trường EU, sản phẩm thủy sản được xuất khẩu chung với các sản phẩm nông sản khác với số lượng ít nhưng đã gây được cảm tình của người tiêu dùng châu Âu. Vào năm 1985, 1986, Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam SEAPRODEX đã được trao tặng danh hiệu “ Nhãn hiệu sản phẩm thủy sản uy tín”.

         Nhận thức được rằng, quá trình tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, đặc biệt là tiêu thụ với giá trị gia tăng thông qua xuất khẩu, là động lực bảo đảm cho sự tăng trưởng và phát triển của các hoạt động sản xuất khai thác và nuôi trồng, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, ngành thuỷ sản đã chủ trương tích cực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, trong đó EU là một trong những lựa chọn hàng đầu. Do đây là một thị trường lớn, ổn định, giá tốt nhưng có đòi hởi rất cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là sau những vụ ngộ độc thực phẩm, nên để thu được thành công ở thị trường này, ngành đã xác định không ngừng nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược xúc tiến thâm nhập thị trường. Ngành đã hướng dẫn các doanh nghiệp phấn đầu liên tục nhiền năm để tạo nên những bước chuyển biến tích cực theo hướng này. Từ Bộ Thuỷ sản đến các doanh nghiệp đã thực hiện hàng loạt biện pháp, từ cải thiện hệ thống thể chế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực các cơ quan thẩm quyền, đổi mới cách tiếp cận trong quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm, cho đến đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cấp điều kiện sản xuất nhằm thoả mãn các điều tương đồng với các nước nhập khẩu về hệ thống pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp lý và điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp.

Từ một hệ thống nhà máy chế biến lạc hậu và cũ kỹ, phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thị trường Nhật, với quyết tâm đổi mới cơ bản về điều kiện vệ sinh và công nghệ sản xuất, áp dụng các hệ thống đảm bảo chất lượng tiên tiến nhất theo yêu cầu của thị trường  tiêu thụ, gần 200 nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam đã gần như trải qua một cuộc lột xác với quá trình tiếp cận những phương pháp công nghệ, quản lý an toàn vệ sinh tiến tiến,... Quá trình đổi mới trong chế biến phục vụ hoạt động xuất khẩu được tiến hành trên mọi mặt: từ nâng cấp điều kiện sản xuất; đổi mới công nghệ thiết bị; thay đổi cách tiếp cận trong quản lý an toàn, chất lượng theo HACCP, từ quản lý sản phẩm đầu cuối sang quản lý toàn bộ quá trình sản xuất; tăng cường hệ thống luật pháp; tăng cường năng lực hệ thống thanh, kiểm tra; đổi mới cách tiếp cận thị trường từ “bán cái mình có” sang “bán cái khách hàng cần”, chủ động tìm đến với khách hàng. 

         Việt Nam cũng đã thực hiện các chương trình giám sát dư lượng các hoá chất độc hại có trong thủy sản nuôi từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, giám sát vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ và được EU đánh giá cao. Và cùng với nguồn nguyên liệu nhiệt đới phong phú về chủng loại và khối lượng, chất lượng cao, thủy sản Việt Nam đã hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để trở thành một đối tác lớn xuất khẩu thủy sản cho bạn hàng EU.

Những nỗ lực đó đã đem lại kết quả rõ rệt. Từ tháng 11/1999,  Việt Nam được công nhận vào danh sách 1 (List A) các nước xuất khẩu thuỷ sản vào EU, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã chính thức được công nhận về pháp lý để khẳng định được chỗ đứng tại 15 nước EU. Đến 01/01/2006, Việt Nam có 171 doanh nghiệp (trong tổng số 394 doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn của  cả nước) đủ tiêu chuẩn được cấp phép (code) xuất khẩu  thủy sản vào thị trường EU.

Từ năm 1996 – 1999, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tăng rất nhanh  với tốc độ trung bình hàng năm 54,92%. Theo số liệu thống kê của EU, năm 1996 kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam đạt 26,9 triệu USD, năm 1997 - 65,0 triệu USD, năm 1998 tăng lên 92,5 triệu USD. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Tin học Bộ Thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 1999 đạt 89,1 triệu. Trong những năm 2000 – 2002, hoạt động xuất khẩu bị chững lại và có xu hướng giảm sút, sau khi EU tăng cường kiểm tra dư lượng các chất kháng sinh và hạ thấp ngưỡng phát hiện dư lượng các chất này trong sản phẩm. Nhờ những nỗ lực khắc phục của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nông ngư dân Việt Nam, từ năm 2003, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trở lại. Năm 2003, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU đạt 116, 7 triệu đôla, năm 2004 - 231,5 triệu đôla, năm 2005 - 367,3 triệu đôla. Hàng thủy sản hiện là mặt hàng có kim ngạch đứng thứ tư trong số các mặt hàng Việt Nam  xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ trọng  nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam hàng năm chỉ bằng 0,3-0,4% trị giá nhập khẩu thủy sản của toàn EU. Khối lượng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2005 mới đạt gần 120 nghìn tấn, trị giá 367,3 triệu USD, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Bảng 18: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU

Năm

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Kim ngạch

(triệu USD)

71,8

90,7

73,7

116,7

231,5

367,3

Khối lượng

(tấn)

20.290,8

26.659,1

28.612,8

38.186,8

73.459,2

110.911,2

(Nguồn: Trung tâm Tin học, Bộ Thuỷ sản)

Sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là cá, tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, đồ hộp. Trong giai đoạn từ 2000-2001, mặt hàng có khối lượng nhập khẩu lớn nhất của EU từ Việt Nam là tôm đông lạnh. Kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh năm 2000 đạt 38,6 triệu đôla, năm 2001 - 43,6 triệu đôla. Năm 2002, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam có giảm sút, chỉ còn 15,7 triệu đôla. Thời gian đó, một số lô tôm đông lạnh của Việt Nam xuất sang EU bị phát hiện có dư lượng kháng sinh cao quá mức cho phép và bị huỷ, gây thiệt hại lớn cho nhà xuất khẩu. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến bàn ăn được công bố trong Sách Trắng của EU đối với thực phẩm chế biến  nhập khẩu. Thực hiện chính sách bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng EU quy định “cấm” sử dụng 16 loại hoá chất trong đó có chloramphenicol và nitrofuran có trong thực phẩm, tức phải hiểu là “dư lượng kháng sinh bằng 0”. Trong thực tế EU cho phép dư lượng kháng sinh dưới 0,3 phần tỷ là đạt yêu cầu.

Từ năm 2002, thương mại tôm giữa Việt Nam và EU đã có những dấu hiệu phục hồi và có sự gia tăng cả về giá trị và khối lượng tôm xuất sang thị trường này trong năm 2003 và 2004. Năm 2003, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5316 tấn tôm sang EU, tăng 28% so với  4000 tấn năm 2002. Năm 2004, tôm Việt Nam đã thâm nhập mạnh hơn vào các thị trường mới tại khu vực EU, khi các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam chuyển hướng từ Bỉ, thị trường truyền thống số một tại EU, sang các thị trường khác như Anh, Đức, Italy. Đối với mặt hàng tôm của Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra không bị cản trở bởi các biện pháp phi quan thuế nào khác.

Cá đông lạnh cũng là mặt hàng có mức tăng xuất khẩu sang EU đều và đáng kể. Xuất khẩu cá của Việt Nam sang thị trường này đã vượt xa tôm không những về khối lượng mà cả về giá trị, vươn lên đứng trên Nhật (66 triệu USD năm 2003), chỉ sau Mỹ (141 triệu USD) và chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu cá của Việt Nam (552 triệu USD). Năm 2004, xuất khẩu cá của Việt Nam sang EU tiếp tục tăng trưởng với giá trị xuất khẩu đạt 231,5 triệu USD, gấp 3 lần so với  năm 2003, chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU. Sản phẩm cá chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường này là cá tra, cá basa (pangasius) và cá ngừ.

 

Bảng 19: Xuất khẩu thuỷ sản đông lạnh của Việt Nam theo thị trường

Thị trường

2001

2002

2003

Khối lượng

(Tấn)

Giá trị

 (1000USD)

Khối lượng

(Tấn)

Giá trị

 (1000USD)

Khối lượng

(Tấn)

Giá trị

 (1000USD)

Eu-15

 

 

 

 

 

 

Ai Xơ Len

63.4

314.7

9.1

35.4

53.8

234.5

Bỉ

 4 064.2

 18 516.6

 5 902.9

 18 573.6

 8 738.8

 31 934.6

Bồ Đào Nha

173.3

324.8

115

244.3

384.5

675.6

Italy

 6 841.9

 13 074.7

 10 048.9

 17 490.8

 11 589.4

 23 043.2

Đức

 4 896.5

 20 707.6

 3 834.0

 11 750.0

 5 383.5

 18 244.8

Anh

 3 028.3

 14 796.2

 2 519.2

 6 288.1

 2 653.1

 14 975.9

Pháp

 5 273.0

 15 372.1

 3 445.9

 12 281.8

 4 308.2

 14 599.3

Tây Ban Nha

 1 858.2

 4 802.5

 2 042.0

 5 122.0

 3 739.5

 8 261.6

Đan Mạch

284.7

 1 254.6

465

 1 258.3

569.1

 1 880.4

Thuỵ Điển

146.1

 1 534.6

86.5

299.4

255.7

 1 346.2

Các thành viên mới của EU

 

 

 

 

 

 

Séc - Czech

963.2

973

 1 147.3

 1 345.7

 1 337.4

 1 217.1

Ba Lan - Poland

50.6

130.5

157.7

335.9

568.2

 1 101.5

EU-25

 

 

 

 

 

 

(Nguồn: Trung tâm Tin học)

Bỉ và Italy vẫn là hai thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam tại EU, chiếm 53% tổng lượng hàng xuất sang EU năm. Việt Nam nằm trong tốp 10 nhà cung cấp tôm hàng đầu của Bỉ với 4% thị phần nhập khẩu. Mặt hàng chính là tôm nước ấm đông lạnh. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 trong số các nhà xuất khẩu thủy sản sang Anh.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đức giai đoạn 1999-2003 tăng 149% về khối lượng, từ 2.146 tấn lên 5.383 tấn và 68% về giá trị, từ 10,744 triệu USD lên 18,244 triệu USD. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính sang Đức là cá philê đông lạnh, nhuyễn thể chân đầu, nhuyễn thể và thủy sản có vỏ. Sản phẩm tiềm năng là cá basa philê đông lạnh.

Trong những năm qua, thủy sản Việt Nam gần như chỉ xuất hiện với mức độ hết sức khiêm tốn ở một vài nước trên thị trường Đông Âu. Trong vài năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã có nhiều động thái tích cức thâm nhập thị trường các thành viên mới của EU ở khu vực này, đặc biệt là ở Ba Lan và đã có những kết quả bước đầu.

ü       Nhập khẩu

Bên cạnh xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập khẩu một số sản phẩm thuỷ sản từ các nước EU để phục vụ nhu cầu nội địa như cá hồi, cá ngừ, các loại cá biển, đồ hộp, đồ khô,…. Ngoài ra Việt Nam còn nhập cá, tôm đông lạnh để tái chế biến xuất khẩu,…Tuy nhiên, sản lượng và giá trị thuỷ sản nhập khẩu còn rất thấp.

Bảng 20: Nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ EU

(đơn vị: Tấn)

Mặt hàng

2000

2001

2002

2003

2004

Bạch tuộc đông lạnh

51,1

38,5

26,2

57,4

 

Cá đông lạnh

18

99,9

80,8

192

 

Tôm đông lạnh

 

221

453,7

218,8

709.756,3

Mực đông lạnh

41,6

 

41,4

13,9

 

Cá ngừ

9,3

 

 

 

 

Các mặt hàng khác

15,5

136,9

211,3

192,4

2.000.216,8

Tôm khô

12

 

 

 

 

Tôm hùm

 

 

 

 

18

Tổng cộng

147,5

496,3

813,4

674,5

2.709.991,1

(Nguồn: Trung tâm Tin học, Bộ Thuỷ sản)

 

v      Những khó khăn và thách thức của ngành thủy sản Việt Nam khi gia nhập thị trường EU

ü       Triển vọng

EU là một khối liên kết kinh tế chặt chẽ và sâu sắc nhất thế giới hiện nay và cũng là một khu vực phát triển kinh tế ổn định và có đồng tiền riêng khá vững chắc. Mặt khác, thị trường EU có nhu cầu lớn, đa dạng và phong phú về sản phẩm. Đây là thị trường liên kết chặt chẽ thành một khối mậu dịch thống nhất mạnh hạng nhất thế giới, có sức mua lớn, ổn định và cũng là một thị trường khó tính nhất về tiêu dùng thủy sản. Thị trường này, với sở thích tiêu dùng sản phẩm tôm, cá, nghêu,… kích thước nhỏ, chất lượng vừa phải có thể bổ sung cho thị trường Nhật và Mỹ về cơ cấu hàng hoá, tạo thế cân bằng cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Do vậy, tăng cường xuất khẩu sang EU chính là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đảm bảo ổn định sản xuất. Song việc mở rộng thị phần thủy sản Việt Nam ở đây cũng không dễ dàng.

Yêu cầu cao về vệ sinh an toàn

Qua số liệu thống kê, tuy kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU tăng trưởng cao trong những năm vừa qua, nhưng hàng thủy sản của ta chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường này, còn cách xa tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm của EU rất lớn, nhưng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng này lại rất cao. Một vài lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn  chưa an toàn (nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, bị phát hiện có dư lượng hoá chất, kháng sinh,...) và chất lượng chưa được ổn định. Đã xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam làm giả chất lượng hàng thủy sản. Do vậy, EU chỉ nhập khẩu những sản phẩm từ những doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Việt Nam đã được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản khác của Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường này

Đặc biệt tại châu Âu đã đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo nhanh. Hệ thống này do EFA (Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu) chịu trách nhiệm quản lý. Mục đích là cảnh báo nhanh bao quát toàn bộ dây chuyền cung cấp thức ăn, kể cả thức ăn cho động vật, đồng thời hỗ trợ tư vấn khoa học và kỹ thuật cho Ủy ban châu Âu. Bất kỳ thông tin về mối nguy nghiêm trọng nào trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người phát sinh từ thực phẩm hoặc thức ăn cho động vật sẽ được thông báo đến cho các cơ quan quản lý thực phẩm của các nước thành viên thông qua hệ thống này. Biện pháp tương tự sẽ được áp dụng để hạn chế đưa ra thị trường các sản phẩm sản xuất tại EU hay nhập khẩu nếu xét thấy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Bảo vệ môi trường, nguồn lợi tự nhiên

            Chính sách môi trường của EU dựa trên các Hiệp định quốc, đặc biệt dựa trên Chương trình nghị sự 21 của Hiệp định Rio de Janeiro (Hiệp định Rio), Hội nghị Liên hiệp Quốc về môi trường và phát triển được tổ chức năm 1992. EU và các nước thành viên đã cam kết thực hiện các hành động trong khuôn khổ Hiệp định Rio. Chương trình môi trường của EU hiện nay nhấn mạnh việc xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề về môi trường chứ không phải đối phó với rắc rối khi chúng xảy ra. Các quy định về môi trường của EU đối với sản phẩm thủy sản chính là các quy định về hàng hoá môi trường nằm trong hệ thống “Luật sản phẩm môi trường của Liên minh châu Âu”. EU ban hành Hệ thống Luật sản phẩm môi trường nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường sinh thái.

Quy định về môi trường của EU rất nghiêm ngặt, bao gổm các quy định liên quan trực tiếp đến môi trường và các quy định liên quan gián tiếp đến môi trường và liên quan trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi xuất khẩu hàng thủy sản sang EU, ngoài việc xuất trình các chứng chỉ về vệ sinh dịch tễ, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định về môi trường của EU.

Có thể nói rằng, Hệ thống quy định và tiêu chuẩn môi trường của EU đối với hàng hoá là hoàn chỉnh hơn cả, rất chặt chẽ, và không dễ thoả mãn. Người tiêu dùng EU có nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường.

ü          Tập quán ứng xử

Thực tế, EU không phải là một thực thể văn hoá, không đồng nhất về tập quán sinh hoạt, ẩm thực, thị hiếu tiêu dùng cách ứng xử. Thị trường EU chỉ thống nhất về mặt kỹ thuật còn trên thực tế bao gồm nhiều thị trường quốc gia và khu vực có những đặc điểm rất khác nhau. Mỗi nước có bản sắc văn hoá riêng nên yêu cầu của họ cũng khác nhau.

EU là thành viên của WTO nên có chế độ quản lý nhập khẩu chủ yếu dựa trên nguyên tắc của tổ chức này. Các mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch không nhiều nhưng biện pháp thuế quan lại được sử dụng khá nhiều. Mặc dù thuế quan của EU thấp hơn so với các cường quốc kinh tế lớn và có xu hướng giảm nhưng EU vẫn là một thị trường được bảo trợ chặt chẽ với hàng rào phi thuế quan (rào cản kỹ thuật) nghiêm ngặt. Rào cản kỹ thuật chính là quy chế nhập khẩu chung và các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của EU được cụ thể hoá ở 5 tiêu chuẩn của sản phâm, đó là: tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động.

Khách hàng EU rất khó tính về mẫu mã và thị hiếu. Chỉ khi các yếu tố chất lượng, các trình bày sản phẩm và giá cả hấp dẫn thì sản phẩm mới có cơ hội bán được ở châu Âu.

Việc tự do hoá về thương mại và đầu tư trên thế giới cũng như cải cách về chính sách và cơ chế quản lý xuất nhập khẩu của EU ngày càng được nới lỏng nên cạnh tranh trên thị trường này sẽ ngày càng gay gắt do lượng hàng nhập khẩu rất nhiều. Chu kỳ sống của một sản phẩm sẽ phải ngắn hơn và phương thức dịch vụ tốt hơn.

Kênh nhập khẩu và phân phối hàng trong khối EU khá phức tạp và có nhiều đầu mối có phương thức ứng xử khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những đặc điểm của kênh phân phối đó và các đầu mối nhập khẩu để có những biện pháp xâm nhập cụ thể. Với sản lượng xuất nhập khẩu hàng năm lớn, là một bản hàng ổn định, các doanh nghiệp thủy sản đang dần chuyển mình để tạo được những dấu ấn trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.



Báo cáo phân tích thị trường