Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều hứa hẹn trong buôn bán giữa Việt Nam - EU
23 | 08 | 2007
Qua 5 lần mở rộng từ các năm 1973, 1983, 1986, 1995 và đặc biệt mở rộng sang phía đông tháng 5 năm 2004 lên 25 thành viên, EU đã bao quát gần hết lãnh thổ châu Âu, trở thành một trong các trung tâm hàng đầu thế giới về chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học và công nghệ.

EU có cấu trúc và thể chế của một nhà nước kiểu liên bang nhưng không phải là nhà nước liên bang theo cơ chế tạm quyền phân lập gồm cơ quan lập pháp là Nghị viện châu Âu, cơ quan hành pháp là Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu, cơ quan tư pháp gồm Toà án và Viện kiểm toán châu Âu, hệ thống ngân hàng và tài chính riêng là Đồng tiền chung Euro và Ngân hàng Trung ương châu Âu, và một cơ chế an ninh phòng thủ chung.

Thị trường EU rộng lớn với gần 490 triệu người tiêu dùng có thu nhập cao với tổng thu nhập quốc dân đạt trên 11.000 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, chiếm 27,8% tổng GDP của cả thế giới, 1/3 tổng giá trị thương mại thế giới và gần 1/2 luồng đầu tư trực tiếp toàn cầu. Với ưu thế của một thị trường thống nhất, áp dụng chính sách kinh tế thương mại chung và đồng tiền chung và với sức mạnh về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ hàng đầu, EU trở thành mục tiêu trong chiến lược đối ngoại của nhiều nước.

Chính sách thương mại của EU luôn hướng tới xoá bỏ các hạn chế thương mại, giảm thuế và tạo thuận lợi cho buôn bán toàn cầu phát triển bằng cách kết hợp chính sách đa phương, song phương và khu vực.

Lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990, quan hệ Việt Nam và EU đang phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, trở thành đối tác bình đẳng hợp tác cùng phát triển.

Các nhà đầu tư của EU đã vào Việt Nam rất sớm ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam được ban hành năm 1987. Đến 30-11- 2005, với 740 dự án, tổng vốn đăng ký lên đến 9,94 tỷ USD, EU đang là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Rất nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của EU như: Shell (Hà Lan), BP (Anh), Total Elf Fian (Pháp), Siemen (Đức), Nokia (Thụy điển), Alcatel (Pháp), Electrolux (Thụy Điển), Metro (Đức)… đã có mặt và kinh doanh khá thành công tại Việt Nam.

Với 161 triệu USD cho giai đoạn 2002-2006, EU là nhà tài trợ lớn nhất về hợp tác phát triển cho Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, bảo vệ môi trường, chuyển đổi nền kinh tế, cải cách hành chính, xoá đói giảm nghèo….

Thương mại là một trong những lĩnh vực tiến bộ nổi bật. Rất nhiều văn kiện pháp lý đã được ký tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại như Hiệp định Dệt may ký năm 1992, được sửa đổi vào các năm 1995, 1997, 2000 và 2003; Hiệp định Hợp tác ký năm 1995, Thỏa thuận về chống gian lận thương mại giày dép ký năm 1999, Hiệp định tiếp cận thị trường ký năm 2005 và Thỏa thuận Việt Nam gia nhập WTO ký năm 2004.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều năm 2005 đạt 8,1 tỷ USD gấp 27 lần năm 1990 và hai lần năm 2000 trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 5,4 tỷ USD, gấp đôi năm 2000, nhập khẩu đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 200% so với năm 2000. Việt Nam liên tục xuất siêu hơn hai tỷ USD/năm.

Giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào EU, đạt khoảng hai tỷ USD năm 2005, gấp đôi năm 2000. Tuy nhiên, EU đang tiến hành điều tra giày mũ da của Việt Nam bán phá giá vào thị trường EU theo đơn kiện của Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép châu Âu (ECFI). Bộ Thương mại cùng với Hiệp hội Da giày đang triển khai mọi việc cần thiết để xử lý theo hướng hạn chế thấp nhất tác hại của vụ kiện.

Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam vào EU là dệt may, đạt 820 triệu USD năm 2005. Theo thỏa thuận từ 1-1-2005, hàng dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu tự do không hạn ngạch vào thị trường EU mặc dù Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO.

Cà phê, chè là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống vào EU. Những năm qua, xuất khẩu các mặt hàng này ổn định và tăng khá đều đặn. Nhóm hàng có tỷ lệ xuất khẩu tăng cao từ 10% trở lên là dệt may, thủy sản, nhựa, đồ gỗ, sản phẩm cao su, điện tử, dân dụng. Nhóm hàng như nông sản, chè, cao su cùng với xe đạp tăng trưởng thấp, kim ngạch thấp.

Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ hầu hết các nước thành viên EU, trong đó nhiều nhất là từ Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan… chủ yếu là máy móc thiết bị, tân dược, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may da, hoá chất và các sản phẩm hoá chất, dụng cụ quang học, phương tiện vận tải…

Năm 2005, kinh tế EU tăng trưởng thấp do tác động của các bất ổn về kinh tế và chính trị toàn cầu, đặc biệt tác động của giá dầu tăng cao khác thường, thảm họa về thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, biến động khó lường về giá vàng và USD, sức ép về nguy cơ khủng bố hiện diện khắp nơi. Thương mại của EU cũng tăng thấp so với các khu vực khác trên thế giới. Trong bối cảnh như vậy, buôn bán giữa Việt Nam và EU tăng khá trong năm 2005 trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,6% thể hiện rõ tính hiệu quả trong điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của Chính phủ, của Bộ Thương mại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2006 sẽ tăng 4,3% và kinh tế EU sẽ tăng 2,5%, bằng mức tăng năm 2004, mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua. Thương mại thế giới năm 2006 sẽ tăng 7%, trong đó EU tăng 6,7%. Giá dầu thô trên thị trường thế giới năm 2006 sẽ ở mức 55 - 60 USD/ thùng. Giá cả hàng hoá phi dầu lửa như kim loại, nông sản sẽ giảm nhẹ trong năm 2006 và bắt đầu chu kỳ giảm giá trong những năm tới, điều này làm cho các nước xuất khẩu nhiều nông sản như Việt Nam sẽ không đạt được lợi ích cao như những năm trước. Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường EU cùng các rào cản thương mại đặc biệt là các biện pháp chống bán phá giá sẽ là các yếu tố không thuận lớn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực thị trường này.

Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU năm 2006 sẽ đạt 9,2 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,05 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao gồm: thuỷ sản, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cao su, dệt may, thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em… Chúng ta hoàn toàn tin rằng với quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp năm 2006 sẽ là một năm có nhiều hứa hẹn trong buôn bán giữa Việt Nam và EU, đặc biệt về xuất khẩu



Nguồn tin: Website Bộ Kế Hoạch Đầu Tư
Báo cáo phân tích thị trường