sẽ đến Hà Nội để dự Hội thảo “Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Một giai đoạn phát triển năng động mới”, do Hội Việt-Mỹ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Một giai đoạn phát triển mới
Đây là phái đoàn phát triển kinh doanh đầu tiên của nội các Hoa Kỳ đến Việt Nam, tính từ thời điểm Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) được thông qua và Việt Nam chính thức gia nhập WTO tháng 1/2007.
Là người dẫn đầu phái đoàn này, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos M. Gutierrez phát biểu trước chuyến đi: “Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với rất nhiều cơ hội tốt cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp và người lao động. Những công ty đến Việt Nam lần này sẽ có các cuộc tiếp xúc quan trọng và thu thập thông tin để giúp họ phát triển tại thị trường Việt Nam, tăng xuất khẩu và tạo ra các cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn cho người lao động tại Mỹ”.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang có mối quan tâm đặc biệt đến việc kinh doanh tại Việt Nam. Với việc tham gia tổ chức hội thảo này, GS.Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam bày tỏ mong muốn Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ là nhịp cầu nối các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ nhau.
“Việc tham gia tổ chức Hội thảo này sẽ là tiền đề tạo ra những cơ hội quảng bá cho các thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tầm ra thị trường Hoa Kỳ - một thị trường lớn đầy hấp dẫn. Đồng thời cũng là dịp để doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và hợp tác”, GS. Đào Nguyên Cát nói.
Những vấn đề quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ
Chương trình của Hội nghị diễn ra ngày mai (6/11) sẽ có sự tham dự của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos M. Gutierrez và các bộ, ban ngành liên quan.
Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Việt Nam về kỳ vọng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia diễn đàn này, đại diện ban tổ chức cho biết: một số doanh nghiệp tham gia diễn đàn này đã hoạt động ở Việt Nam rồi và muốn tìm kiếm thêm những cơ hội để phát triển mạnh hơn. Những doanh nghiệp khác thì muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Cái họ quan tâm nhất là Việt Nam sẽ thực thi những cam kết cam kết khi gia nhập WTO như thế nào.
Thông cáo phát đi của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nói rằng:diễn đàn nhằm tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua việc thúc đẩy tính cởi mở, minh bạch, quyền kinh doanh và phân phối bình đẳng, bảo vệ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Đây là những yếu tố chủ chốt giúp đảm bảo nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và mở cửa cho hàng hoá và dịch vụ từ Hoa Kỳ.
Cuộc khảo sát mới đây do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiến hành đối với 385 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Hoa Kỳ, cũng chỉ ra rằng các công ty Hoa Kỳ coi trọng hơn các vấn đề mở cửa thông thoáng đối với các ngành dịch vụ; minh bạch hoá được cải thiện; và ở mức độ ít hơn một chút là cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả hơn và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn.
Liên quan đến các yếu tố chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, so với các công ty khác, các công ty Hoa Kỳ quan tâm hơn tới việc áp dụng các ưu đãi đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường cải cách hành chính và tính minh bạch, dơn giản hoá các thủ tục cấp đầu tư, loại bỏ các quy định thiếu nhất quán và ký kết hiệp định về thuế.
Đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất
Với sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa giao thương, và Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các công ty Hoa Kỳ đã xem Việt Nam như là một thị trường quan trọng về xuất khẩu và đầu tư.
Ngay trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đên Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cũng đã mở văn phòng tại Hà Nội để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các công ty Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Với 120 tập đoàn thành viên, phần lớn trong số đó nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đại diện cho một khu vực kinh doanh đa lĩnh vực, rất năng động và có nhiều ảnh hưởng ở Mỹ.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương Hoa Kỳ-Việt Nam được ký kết năm 2001, quan hệ thương mại giữa hai nước đã tăng ngoạn mục. Hoa Kỳ hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thương mại hai chiều đã tăng từ 1,5 tỉ USD lên 9,7 tỉ USD năm 2006, trong đó Việt Nam nhập 1,1 tỷ và xuất 8,6 tỷ . Trong 8 tháng đầu năm 2007, giá trị xuất khẩu của Mỹ đã tăng 67 phần trăm, đạt 1,044 tỉ USD.
Theo báo cáo về tác động của BTA đối với đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ vào Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án Star-Việt Nam thực hiện theo cách tính mới, “đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ kể cả qua nước thứ ba”, được công bố tháng 7/2007, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Trong tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ năm 1998 đến hết tháng 6/2006, đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ kể cả qua nước thứ ba đạt khoảng 4 tỷ USD đối với dự án đã đăng ký và 3,3 tỷ USD đối với các dự án đã thực hiện, so với con số tương ứng là 2,0 tỷ USD và 777 triệu USD theo báo cáo thông thường.
Vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến tháng 9/2007 đạt khoảng 5,1 tỷ USD (cả qua nước thứ 3) và đạt hơn 2,6 tỷ USD theo cách thông thường, xếp thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Hiện có hơn 1000 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện liên quan đến Hoa Kỳ phân bổ chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều kỹ năng/vốn. Khoảng một nửa là ở lĩnh vực dầu khí, khoảng 1/3 tập trung ở các ngành chế tạo, còn lại là ở các ngành dịch vụ, phát triển bất động sản và nông nghiệp.
Bên cạnh đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tăng nhanh hoạt động đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, trong đó khoảng từ 1/3 đến 1/2 tổng số vốn đầu tư gián tiếp rót vào Việt Nam tính đến giữa năm 2006 là từ Hoa Kỳ.
Trong các quỹ đầu tư liên quan đến nguồn vốn từ Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam, có thể kể đến việc các nhà đầu tư Mỹ chiếm khoảng 45% vốn trong quỹ Indochina Capital; vốn góp từ phía Mỹ là 30% trong Công ty Việt Nam Partners; hoặc trường hợp của Dragon Capital có tới 30% là vốn từ các nhà đầu tư Mỹ. Quỹ đầu tư mạo hiểm của IDG cũng có toàn bộ vốn góp của Mỹ.
* Danh sách các công ty tham gia phái đoàn:
3M Company; Abaxis Inc.; ALCOA Inc.; Altec Inc.; AmericanTours International; Baxter International Inc.; Carus Corporation; Century Aluminum Company; Crown Equipment Corporation; Cummins Inc.; Eaton Corporation; GANNON International; Gerber Scientific, Inc.; Marriott International, Inc.; Northwest Airlines Corporation; Oshkosh Truck Corporation; Rockwell Automation; Terex Corporation; The AES Corporation; The Dow Chemical Company; The Ford Motor Company; The Timken Company; VeriSign, Inc.