Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm gì để có nhiều doanh nghiệp đạt đẳng cấp cạnh tranh quốc tế?
13 | 11 | 2007
Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh, hội nhập? Làm gì để có “thước đo” đánh giá khả năng hội nhập của doanh nghiệp, tạo “cú hích” cho sự hình thành văn hoá kinh doanh chuyên nghiệp, vững vàng khi ra “biển lớn” WTO? Tại cuộc họp báo giới thiệu giải thưởng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” vừa tổ chức mới đây, phóng viên đã ghi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này…

PGS, TS Đào Duy Quát, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:  Cần có “thước đo” mức độ hội nhập và phát triển bền vững của các doanh nghiệp”:

Sau một năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có rất nhiều vấn đề mới, thử thách mới đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp khi sân chơi mới ngày càng cạnh tranh gay gắt. Hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng ý thức hội nhập, động viên, khích lệ các doanh nghiệp vươn lên trong hội nhập, tạo đà cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. Không thể hô hào “hội nhập” chung chung mà điều quan trọng là phải có hệ tiêu chí, có “thước đo” để các doanh nghiệp “nhìn” vào phấn đấu trên con đường hội nhập. Xuất phát từ quan điểm đó mà Ban Tuyên giáo Trung ương,  Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế, Bộ Công thương, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã  phối hợp tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển”.

Trên thực tế, thời gian qua, có nhiều đơn vị, tổ chức trao tặng những danh hiệu, giải thưởng cho các doanh nghiệp nhưng đây là lần đầu tiên có một giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp trên phương diện hội nhập và phát triển. Đây cũng là một giải thưởng có uy tín, có định tính và định lượng đánh giá mức độ hội nhập của doanh nghiệp rất rõ. Bộ Công thương sau một quá trình nghiên cứu công phu đã xây dựng hệ thống tiêu chí khoa học, gắn với các tiêu chuẩn của hội nhập kinh tế quốc tế. Đây sẽ là lần đầu tiên những vấn đề như sức cạnh tranh, hàm lượng văn hoá được đưa vào tiêu chí công nhận giải thưởng cho doanh nghiệp. Một hệ tiêu chí, một thước đo đánh giá mức độ hội nhập của doanh nghiệp là hành trang không thể thiếu của doanh nghiệp trong suốt quá trình hội nhập, nhất là 12 năm đầu của chặng đường hội nhập WTO. Vì vậy, giải thưởng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” sẽ được tổ chức thường niên trong thời gian tới.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Doanh nghiệp không thể “ngồi yên bán hàng” giữa “chợ toàn cầu”

Hiện nay, vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trình độ lao động còn thấp, công nghệ kém, chỉ hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành chứ chưa vươn ra được quốc tế nên những hiểu biết về luật lệ kinh doanh quốc tế để tham gia vào môi trường kinh doanh toàn cầu còn hạn chế. Vì vậy, khả năng cạnh tranh quốc tế về chất lượng, giá cả... đều rất thấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất theo kiểu truyền thống của doanh nghiệp thì được, nhưng cứ động đến kỹ thuật, công nghệ, bằng cấp là kém. Theo điều tra của Bộ KH&ĐT, chỉ 8% trong tổng số gần 11.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tham gia khảo sát tự xác định là có công nghệ tiên tiến và tới 42% là ở mức lạc hậu. Điều đáng nói là chỉ có 6% doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về công nghệ. Những con số ấy là hồi chuông cảnh báo về ý thức hội nhập của doanh nghiệp vì làm sao có thể phát triển nếu cứ ngồi yên mà bán hàng giữa chợ toàn cầu. Vì vậy, tôi đánh giá cao việc ra đời một giải thưởng về hội nhập được trao cho các doanh nghiệp hằng năm. Tôi đã nghiên cứu kỹ điều lệ giải thưởng “Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển” và thấy cách làm rất khoa học. Việc chấm giải thưởng dựa trên báo cáo của các doanh nghiệp tóm tắt kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ năm 2005 đến nay, tập trung trên 4 nhóm tiêu chí lớn: đánh giá về công nghệ, môi trường và quản lý chất lượng; năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; công tác xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp là phù hợp. 

TS. Trịnh Minh Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế: Doanh nghiệp khi tự thay đổi để vươn lên

Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, muốn tiêu thụ được và có “tuổi thọ” dài, sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất ra đương nhiên phải có chất lượng tốt. Quan trọng hơn, sản phẩm, hàng hóa phải thường xuyên nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, 14000 (quản lý môi trường, ISO, SA800 trách nhiệm xã hội), OHSAS 18000 (tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp)… Đặc biệt là sự kiện 108 doanh nghiệp xuất sắc đoạt giải thưởng Cúp Vàng ISO năm 2006 là một minh chứng cho sự nhạy bén và chủ động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam thực sự với nhiều thách thức, đòi hỏi bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự mình vươn lên thay đổi cơ chế sản xuất, kinh doanh…Tôi thấy qua giải thưởng “Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển”, vấn đề đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đã được đề cập một cách tương đối toàn diện, khoa học, bao gồm: Năng lực nghiên cứu, phân tích và dự báo về thị trường trong nước và thị trường nước ngoài,...;Năng lực tìm kiếm khách hàng và đối tác tin cậy có năng lực hợp tác kinh doanh có hiệu quả với doanh nghiệp; Năng lực tổ chức sản xuất những mặt hàng, tổ chức các dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, Năng lực tổ chức xuất khẩu; Năng lực cạnh tranh về giá và giá thành, các nhân tố về tài chính; Năng lực thanh toán quốc tế;Năng lực xử lý các tính huống về tranh chấp thương mại quốc tế nhanh chóng và có hiệu quả…

TS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội): Đẳng cấp cạnh tranh quốc tế - không còn sớm

Là chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực kinh tế đối ngoại đã hơn 30 năm, tôi nghĩ việc đặt “lên bàn cân”, tính toán mức độ hội nhập của doanh nghiệp hiện nay là hết sức cần thiết. Cuộc cạnh tranh toàn cầu không còn đứng trước ngưỡng cửa nữa, mà đã ở ngay trong nhà. Một đất nước giàu mạnh phải có thương hiệu mạnh. Nhưng hiện nay, chúng ta còn rất hiếm những thương hiệu mạnh, tên tuổi, được cả thế giới biết đến, chưa có doanh nghiệp nào lọt vào tốp 100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, cũng chưa có thương hiệu nào lọt vào tốp 100 thương hiệu hàng đầu thế giới. Xin nêu ví dụ về một kinh nghiệm trên thế giới, tại Hàn Quốc, chiến lược về thương hiệu mạnh đã được nước này triển khai từ lâu, theo đó, đến năm 2010 Hàn phải có 10 thương hiệu nằm trong danh sách 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới. Để thực hiện mục tiêu này đã có 300 doanh nghiệp được chính phủ Hàn Quốc chọn ra để đầu tư đào tạo, phát triển thương hiệu trên toàn cầu. Vì vậy, tôi nghĩ, hình thức xây dựng một giải thưởng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” sẽ có ý nghĩa rất tốt cho việc một ngày không xa, chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp đạt đẳng cấp cạnh tranh quốc tế. Hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay nếu không sẽ là quá muộn.

Nguyễn Bảo Minh và Trần Ban Mai



Theo cpv
Báo cáo phân tích thị trường