Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp Việt Nam tự tin tiến vào thị trường Trung Quốc
13 | 11 | 2007
Với những lợi thế về địa lý, truyền thống giao thương… doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục sải những bước dài, tự tin trên hành trình khai thác thị trường Trung Quốc, góp phần thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2010.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới với nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý, truyền thống giao thương và nét tương đồng văn hóa, Trung Quốc ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam. Trong quá trình thâm nhập thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ ra ngày càng tích cực, chủ động và tự tin hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên VOVNEWS, trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 4 (từ ngày 28 - 31/10 tại thành phố Nam Ninh), khu triển lãm hàng Việt Nam luôn là nơi thu hút lượng khách tham quan đông nhất trong số các khu triển lãm của các nước ASEAN. Không gian Việt Nam nhộn nhịp, sôi động trong tiếng nhạc vui tai xen lẫn tiếng cười nói rôm rả của khách hàng và doanh nghiệp. Hầu như, vị khách nào khi ra khỏi khu triển lãm Việt Nam cũng đều hoan hỉ với những túi hàng nặng trĩu đặc sản Việt Nam: gói bánh đậu xanh, hộp cà phê, đôi giầy Bitis hay món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo… Ông Tần Ngân, một người dân Quảng Tây, phấn khởi nói: “Gian hàng Việt Nam rất tuyệt. Sản phẩm phong phú đa dạng. Có những mặt hàng tôi chưa từng thấy bao giờ. Thật đúng là được dịp mở rộng tầm mắt. Đặc biệt, tôi thấy, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất tinh xảo, đẹp, có giá trị thưởng thức cao. Tôi cho rằng, hàng hóa Việt Nam sẽ có triển vọng lớn tại Trung Quốc và được người tiêu dùng Trung Quốc hoan nghênh”.

Tại gian hàng vải vóc, thổ cẩm, Trần Hải Lệ, một sinh viên Quảng Tây, vừa ngắm nghía những chiếc khăn thổ cẩm và những chiếc túi xách độc đáo, duyên dáng của Việt Nam, vừa nhấm nháp ly cà phê vina đậm đà. Chị thổ lộ: “Tôi rất thích khu gian hàng Việt Nam. Ở đây thể hiện nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, rất đặc sắc. Đặc biệt, cà phê Việt Nam rất ngon”.

Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 4 đã chứng kiến sự lớn mạnh về lượng và chất của các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ. Nói vậy, bởi số gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ lần này đã đạt mức kỷ lục qua 4 kỳ hội chợ với hơn 170 gian hàng. Bên cạnh đó, do đã có một quá trình thâm nhập thị trường Trung Quốc, nên các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Họ đến Hội chợ lần này với tinh thần chủ động hơn, tự tin hơn. Các mặt hàng tham dự Hội chợ cũng được chuẩn bị kỹ càng và chọn lọc hơn. Ông Hiền, chuyên viên Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương, cho biết: “Vì đã là lần thứ 4 tham gia Hội chợ, nên doanh nghiệp đã biết được thị trường Trung Quốc cần những mặt hàng gì. Chẳng hạn, tại Hội chợ đầu tiên, hàng may mặc, thủy sản của Việt Nam rất nhiều, nhưng sau đó những mặt hàng này đã không còn tham dự Hội chợ. Hiện nay, hàng hóa Việt Nam tham dự Hội chợ ASEAN-Trung Quốc tập trung vào 4 mặt hàng chính là: nông sản thực phẩm (có 40 gian hàng); Đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ; Ngành hàng tiêu dùng, nổi bật là giày dép, túi xách… và cuối cùng là lĩnh vực đầu tư du lịch, gồm cả ngân hàng, sân gôn...”.

Trong số những doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 4, có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc thâm nhập và khẳng định vị trí của mình tại thị trường Trung Quốc. Công ty bánh đậu xanh Hoàng Long đến với Hội chợ ASEAN-Trung Quốc ngay từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2004, để quảng bá sản phẩm của mình. Từ đó đến nay, bánh đậu xanh Hoàng Long luôn có mặt đều đặn tại các kỳ Hội chợ, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho công ty. Ông Phạm Hữu Tỵ, Giám đốc Công ty Hoàng Long, cho biết: “Mấy năm gần đây, chúng tôi xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng trên 90% tổng sản lượng, với kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt khoảng 25 đến 27 tỷ đồng/năm. Tôi cho rằng, Trung Quốc là một thị trường rất lớn. Không chỉ sản phẩm của công ty chúng tôi, mà nhiều sản phẩm khác của Việt Nam cũng đều có thể tiêu thụ rất tốt tại Trung Quốc”.

Công ty Thịnh Tài mặc dù mới tham gia Hội chợ ASEAN-Trung Quốc vào năm ngoái, nhưng đã gặt hái được thành công đáng kể trong việc đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ sang thị trường Trung Quốc. Về tiềm năng của thị trường Trung Quốc, ông Đào Văn Tài, giám đốc Công ty Thịnh Tài tự tin: “Tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất tốt. Chúng tôi đã tiếp cận, gặp rất nhiều đối tác Trung Quốc. Thực tế cho thấy, ngành hàng của chúng tôi rất phù hợp với thị trường Trung Quốc. Tiềm năng phát triển là rất lớn”.

Không chỉ ông Tỵ, ông Tài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác chúng tôi có dịp tiếp xúc tại Hội chợ đều rất lạc quan về tiềm năng của thị trường Trung Quốc và cho biết, sẽ chú trọng đầu tư hơn nữa vào thị trường này trong tương lai. Chúng ta hy vọng và cùng tin tưởng rằng, với những lợi thế về khoảng cách địa lý, truyền thống giao thương và nét tương đồng văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ sở những kinh nghiệm quý báu tích luỹ được sau nhiều năm làm ăn với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sải những bước dài, tự tin, vững chãi trên hành trình khai thác thị trường Trung Quốc, từng bước khẳng định chỗ đứng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường đầy tiềm năng này, góp phần thực hiện mục tiêu lãnh đạo hai nước đề ra là đưa kim ngạch buôn bán hai chiều Việt-Trung đạt 15 tỷ USD vào năm 2010.



Theo VOV Bắc Kinh
Báo cáo phân tích thị trường