Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một số hạn chế của xuất khẩu hàng mỹ nghệ
26 | 11 | 2007
Tuy kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa lớn, nhưng Cục Xúc tiến thương mại rất coi trọng tiềm năng của nhóm hàng này, bởi nước ta có truyền thống lâu đời sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, thu hút trên 10 triệu lao động, và khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Hỏi chuyện ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Thưa ông, rất nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức nhằm xúc tiến thương mại đối với hàng thủ công mỹ nghệ. Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong hoạt động xuất khẩu nhóm sản phẩm này?

Tuy kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa lớn, nhưng Cục Xúc tiến thương mại rất coi trọng tiềm năng của nhóm hàng này, bởi nước ta có truyền thống lâu đời sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, thu hút trên 10 triệu lao động, và khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, cùng những chương trình hội thảo, mời các chuyên gia nước ngoài đến để phổ biến kiến thức về thị trường, giao thương cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ luôn tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2006 là 630,4 triệu USD; năm 2007 dự kiến sẽ đạt 820 triệu USD. Mục tiêu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, với những tiến triển như hiện nay, tôi tin rằng mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực.

Những khó khăn và thuận lợi đối với việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay là gì?

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết.

Một là, hiện nay, ta vẫn nặng lối tư duy cũ là chỉ bán những sản phẩm mình có, mà chưa quan tâm tới nhu cầu của từng nước. Để cởi bỏ, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cần phải làm ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Hai là kiến thức về các thị trường nước ngoài vẫn còn hạn chế.

Ba là, rất nhiều nước đang có những sản phẩm cạnh tranh với chúng ta, như Trung Quốc, Thái Lan.

Bốn là, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp quốc tế của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Năm là, đa phần doanh nghiệp còn nóng vội, chưa kiên nhẫn trong việc nghiên cứu và thâm nhập thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính.

Bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng có nhiều lợi thế. Chúng ta được thừa hưởng truyền thống sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lâu đời, đồng thời nhận được sự ưu tiên của Chính phủ với nhiều chính sách thiết thực.

Trong những năm qua, uy tín của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tăng cao tại nhiều nước. Đặc biệt ở Nhật Bản, đang bùng nổ xu thế sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Đó là nhờ thành quả từ những hoạt động xúc tiến thương mại.

Chúng ta có những biện pháp nào để đẩy nhanh hơn nữa hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại?

Trước kia, chúng ta thường nói tới xúc tiến thương mại, nhưng lại chưa chú trọng tới vấn đề thiết kế mẫu mã sản phẩm. Việc sáp nhập Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương mới đây sẽ tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với giao thương. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Chính phủ đã có các chính sách phát triển làng nghề.

Tổ chức hội chợ triển lãm đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nơi để các doanh nghiệp tiến hành giao dịch, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng... Hội chợ triển lãm không chỉ đóng vai trò thương mại, mà còn có ý nghĩa về nhiều mặt: xã hội, chính trị, văn hoá. Tuy nhiên khâu tổ chức hội chợ triển lãm ở nước ta còn yếu.

Để đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, bên cạnh những phương thức truyền thống, chúng ta phải tìm ra nhiều cách thức mới. Chẳng hạn mới đây, triển lãm phụ trợ hàng công nghiệp là một ví dụ điển hình. Các doanh nghiệp nước ngoài đem những sản phẩm mà họ cần mua đến trưng bày tại triển lãm, để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu sản xuất những sản phẩm với chủng loại, tính năng, mẫu mã đáp ứng thị hiếu của nước họ.

Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tích cực phối hợp với Sở Thương mại - Du lịch các tỉnh, thành để tổ chức nhiều hội chợ triển lãm thương mại quốc tế như Triển lãm hàng công nghiệp phụ trợ; hội chợ Việt- Trung ở Móng Cái; Hội chợ quốc tế Cần Thơ..., tạo thành một chuỗi các hội chợ hữu ích và thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Thực tế cho thấy hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm của chúng ta còn yếu, xin ông cho biết nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

Chúng ta chưa có những trung tâm chuyên phục vụ triển lãm mang tầm quốc tế. Nếu không đảm bảo được cơ sở hạ tầng, sẽ rất khó đáp ứng mục đích thương mại, xuất khẩu. Chính phủ, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đang đề xuất những giải pháp nhằm xã hội hoá việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại.

Mỗi địa phương nên tuỳ theo khả năng của mình, dành ra diện tích đất để xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm. Việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, vì ngân sách nhà nước còn eo hẹp.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường