Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp Việt Nam sau một năm gia nhập WTO: Xuất khẩu thuận lợi
29 | 11 | 2007
- Nông nghiệp được coi là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam. Nhiều lo ngại về sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên sân chơi lớn này xuất phát từ những hạn chế trong năng lực sản xuất, chế biến, tạo dựng thương hiệu và uy tín của từng mặt hàng nông sản. Nhìn từ khía cạnh xuất khẩu nông sản, sau một năm gia nhập WTO, những mặt hàng chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chứng tỏ thế và lực của một đất nước với không ít sản phẩm nông nghiệp được ghi danh trên thương trường thế giới.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2007 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông sản. Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của cả nước đã đạt 10,5 tỷ USD. So với năm 2006, năm cũng được coi là rất thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, con số này đã tăng tới 20%. Đến hết tháng 10/2007, xuất khẩu gạo đã hoàn thành chỉ tiêu với sản lượng xuất khẩu xấp xỉ năm trước (4,5 triệu tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 18% (1,42 tỷ USD). Trong tuần đầu của tháng 11, cà phê Việt Nam vượt ngưỡng xuất khẩu 1 triệu tấn với tổng giá trị kim ngạch 1,55 tỷ USD (cao hơn mức dự kiến xuất khẩu của cả năm). Hiện đã có tới 5 mặt hàng là thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo và cao su đạt giá trị xuất khẩu từ 1-3 tỷ USD.

Cùng với những ưu thế sẵn có của nông sản Việt Nam, việc gia nhập WTO tiếp tục tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Bên cạnh những bạn hàng truyền thống, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu trong năm nay đều tiếp nhận thêm những bạn hàng mới. Nếu như nhiều năm trước đây, xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc thì năm qua đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Từ đầu năm đến nay sản lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc giảm chỉ còn khoảng 59%, trong khi xuất sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, Đức lại tăng đáng kể. Đặc biệt, sản lượng cao su xuất sang thị trường Malaixia trong năm nay đã tăng 3 lần so với năm trước và đây được đánh giá là thị trường chiến lược của cao su Việt Nam trong tương lai. Với ngành chè, những nỗ lực cải thiện chất lượng chè Việt Nam sau khi gia nhập WTO còn mang lại kết quả rõ nét hơn. Theo Hiệp hội hội Chè Việt nam, sau những nỗ lực của ngành chè trong việc đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến chè theo quy hoạch, đồng thời tổ chức lại ngành chè theo hướng từng bước hiện đại hoá, tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, có chất lượng cao và đa dạng hoá sản phẩm, năm nay giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với mức tăng khoảng 25%, tương ứng mức tăng 270-280 USD/tấn.

Tuy nhiên, nếu lĩnh vực xuất khẩu đạt được nhiều thành công thì việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp lại chưa chứng tỏ được lợi thế. Năm 2007 tỷ trọng FDI cho ngành nông nghiệp vẫn còn rất thấp (chỉ chiếm 10,6% số dự án và 6,5% số vốn đầu tư đăng ký). Đáng chú ý, mặc dù có tới 42 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ châu Á. Việt Nam hiện chưa thu hút các nhà đầu tư của một số nước có tiềm năng, thế mạnh lớn về nông nghiệp như Mỹ, Canada, Ôxtrâylia….

Điều này phản ánh khả năng vận động, xúc tiến đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực này còn hạn chế. Đồng thời, theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam luôn tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện tự nhiên khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, sản phẩm nông nghiệp thường có tỉ suất lợi nhuận thấp. Chính vì vậy, mặc dù là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam chú trọng ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhưng sau khi gia nhập WTO nông nghiệp – nông thôn vẫn không đạt được tốc độ tăng trưởng FDI như những lĩnh vực khác.

Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi và hạn chế sau một năm gia nhập WTO, Bộ NN & PTNT xác định tiếp tục xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường cũng đã và đang hướng nông dân sản xuất theo tiêu chí sản xuất những sản phẩm thị trường cần với giá thành hạ, năng suất tăng, chất lượng tăng và đặc biệt là bán được giá cao.
Tuy nhiên, thực tế là hiện nay trình độ sản xuất của nông dân còn ở mức độ thấp, bộc lộ nhất là giống cây trồng, vật nuôi vẫn chưa kiểm dịch đầy đủ và cũng chưa kiểm soát nguồn gốc. Thứ hai là chưa kiểm soát tốt phân hoá học, phân bón. Thứ ba là công tác bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hoá thương hiệu vẫn chưa đáp ứng theo chuẩn mực yêu cầu của quốc tế trong quá trình hội nhập. Thứ tư là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, bình quân diện tích đất còn rất thấp, khoảng 0,7-1 ha/hộ, vì vậy muốn sản xuất với quy mô lớn, chất lượng đồng đều là rất khó. Thứ năm là giá thành sản xuất vẫn còn cao, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đầy đủ khi đưa sản phẩm ra thị trường…

Để nông nghiệp-nông thôn và nông dân thực sự vững vàng với WTO, thì cùng với việc quy hoạch, định hướng sản xuất và tăng cường ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tăng cường nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, ứng dụng khoa hoạ kỹ thuật và nắm bắt xu thế thị trưonừg của các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân vẫn là nhiệm vụ quan trọng.


Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường