Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dickson Poon, ông vua bán lẻ Hồng Kông
28 | 11 | 2007
Tại một văn phòng nằm trong toà nhà cách khá xa các trung tâm kinh doanh nổi tiếng hay các cảng biển lớn của Hồng Kông và được rất ít các lái xe taixi biết đến, có một người khá trầm lặng trong cuộc sống hàng ngày nhưng khi đối mặt với các kế hoạch kinh doanh thì lại vô cùng năng động và nhạy bén

Ông không quan tâm đến kiểu dáng mà tập trung vào uy tín và chất lượng sản phẩm, coi đây là công thức để rồi xâm chiếm thị trường bán lẻ thế giới. Đó là Dickson Poon, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hồng Kông, Dickson Concepts.

Giờ đây, tại Hồng Kông và nhiều nước châu Á khác, có lẽ không ai không biết đến những sản phẩm hàng hoá tiêu dùng cao cấp của Dickson Concepts. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á này chuyên cung cấp những thương hiệu nổi tiếng từ nhiều nhà sản xuất lớn như Coach, Ralph Lauren, Brooks Brothers, Bulgari, Chopard. Dickson Concepts hoạt động trên toàn thế giới với gần 350 cửa hàng. Kế từ khi gia nhập thị trường chứng khoán vào năm 1986, doanh thu của Dicksson Concepts đã tăng 1500%, lợi nhuận tăng trung bình 19% lên đến 150 triệu USD trong tổng doanh thu 809,7 triệu USD năm 2004. Khách hàng chủ yếu của Dickson Concepts là tầng lớp trung lưu tại địa phương và khách du lịch quốc tế.

Dickson Concepts có được thành công như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ vào khả năng chèo lái của ông chủ Dickson Poon, người được mệnh danh là “nô lệ của hàng hoá cao cấp”. Hiện Poon sở hữu 54% vốn của Dickson Concepts. Con đường đưa Poon đến thị trường bán lẻ thế giới khá dài và ghập ghềnh. Cha của Poon là một trong số người nghèo di dân từ Quảng Đông đến Hồng Kông, nơi ông làm giàu bằng cách bán đồng hồ. Dicksson Poon theo học trường St. Josephs tại Hồng Kông. Đó là vào năm 1971, khi mà mọi người đều mặc các bộ áo sơ mi cotton, quần dài truyền thống và cắt tóc ngắn theo quy định thì Poon lại tỏ ra khác biệt với những học sinh khác khi thường xuyên phá vỡ quy định bằng việc để tóc dài cũng như trưng diện những quần áo thời trang cao cấp nhập khẩu từ nước ngoài. Poon chỉ theo học trường này trong vòng một năm, nhiều bạn cùng lớp cho đến nay vẫn rất nhớ đến hình dáng một Poon sành điệu, lịch sự và khá kín đáo.

Sau đó, giống như nhiều thanh niên con nhà khá giả khác ở Hồng Kông, Dicksson Poon được gửi đi du học ở Anh và Mỹ tại trường Elite Uppingham, London và trường Occidental, Los Angeles, nơi Poon theo học triết học và kinh tế. Sau khi tốt nghiệp, Poon đã cho thấy sự sắc sảo của mình trong lĩnh vực bán lẻ với thời gian 18 tháng làm việc tại nhà máy sản xuất đồng hồ Chopards Geneva khi đưa ra nhiều sáng kiến để lăm tăng giá trị nhãn hiệu đồng hồ Chopard (hiện Poon vẫn thiết kế một số đồng hồ trong thời gian rỗi rãi của mình). Năm 1980, vào tuổi 23, Poon trở về Hồng Kông, thời điểm mà các nhà bán lẻ Hồng kông lúc bấy giờ vẫn chưa xuất hiện nhiều. Thay vì tham gia vào công ty của gia đình như truyền thống tại Hồng Kông lúc đó, Poon đã vay 1 triệu USD từ cha của mình để mở một cửa hiệu bán đồng hồ và nữ trang. Giờ đây, sau 17 năm lăn lộn trên thương trường, Dickson đã biến cửa hàng đồng hồ ngày nào trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng cao cấp nổi tiếng nhất châu Á. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh bán lẻ ở khu vực này của Poon vẫn tăng cao từng ngày. Tính riêng tại Hồng Kông, doanh thu trung bình đã tăng gấp 4 lần trong thập niên vừa qua. Còn tại Thái lan, Malaysia, Singapore, Indonêsia, Poon cũng gặt hái những thành công tương tự.

Không bằng lòng tại thị trường châu Á, Poon đã và đang tìm cách xâm lấn Mahhatan, nơi tập trung rất nhiều các toà nhà chọc trời của New York. Năm 2001, Dicksson Concepts của Poon đã công bố hợp đồng trị giá 247 triệu USD mua quyền kiểm soát đa số cổ phần của Barney,’s một tập đoàn bán lẻ đang lâm vào tình trạng phá sản của Mỹ. Đến năm 2002, khi hợp đồng hoàn tất (có được sự đồng ý của chủ nợ và toá án phá sản), chính là thời điểm mà Poon đặt bước chân đầu tiên lên thị trường Mỹ.

Công việc tại Mỹ vẫn rất bộn bề. Ban đầu có thể sẽ thành công hay thất bại nhưng chắc chắn Poon không nản chí mà từ bỏ ước mơ xâm chiếm Mahhattan của mình. Poon dự định cuối năm nay sẽ mở chi nhánh bán lẻ của mình ở đại lộ Madison. Tuy nhiên, Mỹ luôn là nơi không dễ thở cho Poon. Barney’s có 14 cửa hàng nhưng người tiêu dùng Mỹ không có thói khoe mẽ thượng lưu như những người châu Á mới giàu. Số người chịu bỏ ra 3000 USD mua một bộ đồ may sẵn của Versace không nhiều. Sau khi mua được Barneys, ưu tiên của Poon sẽ là xiết chặt sẽ chi tiêu. Hai người chủ hiện nay của Barney là Bob và Gena Presman rất nổi tiếng về sự phung phí.

Poon nằm trong số người đầu tiên hiểu được rằng những doanh nhân mới nổi tại châu Á luôn có khát vọng tự tạo cho mình các dấn ấn địa vị tại Mỹ và châu Âu để phân biệt với số đông khác. Và vì vậy họ thường thích sử dụng các nhãn hiệu nổi tiếng. Cách ăn mặc của Poon cũng phản ánh phong cách làm ăn khôn khéo: đi giầy Oxford loại xịn và ăn mặc đồ hiệu. Poon nói: “Lĩnh vực kinh doanh của tôi không cho phép ngẫu hứng mà phải có các quyết định đúng”. Còn Roberto Dominici, giám đốc quản trị của Jouce Group, một đối thủ của Poon ở Hồng Kông Cho biết: “Tư duy chiến lược kinh doanh của Poon rất sâu sắc”.

Ngoài khu vực châu Á thì thành công lớn nhất của Poon nằm tại Anh. Năm 1994, Poon mua công ty bán lẻ Harvey Nichols ở Kinightsbridge, London và nhanh chóng biến công ty đang chồng chất nợ nấn này thành một trung tâm bán lẻ sầm uất và thời trang nhất của Anh, thậm chí lúc đó khách hàng của Poon còn có cả công nương Diana cùng nhiều doanh nhân nổi tiếng khác. Để có được thành công như vậy, Poon đã phải loại bỏ những gian hàng có ít người mua và điều chỉnh lại việc kinh doanh sao cho giảm tối đa sự lãng phí. Mới đây, một chi nhánh thứ hai của Dickson Concepts đã được mở ra tại Leeds, thủ đô tài chính phía bắc nước Anh.

Trong lĩnh vực bán lẻ, nhãn hiệu luôn đồng nghĩa với tiền bạc, nhưng theo Poon thì việc chi tiêu thận trọng còn có ý nghĩa hơn nhiều. Dù nổi tiếng về tiêu xài trong đời sống cá nhân – có cả một đội xe Rolls Royce và Bentleys nhỏ - nhưng Poon lại rất chặt chẽ trong chi tiêu làm ăn. Văn phòng làm việc của Dickson Concepts ở Hồng Kông rất bình dị: sử dụng loại thảm rẻ tiền, đồ nội thất cũng rẻ, tường vách trần trụi. Raymond Lee, phụ trách bộ phận tài chính và soạn thảo các hợp đồng mua Barneys nói: “Anh ấy không phải là loại người vung tay quá trán. Bất kể kích cỡ của công ty như thế nào, đối với Poon thì đồng tiền bỏ ra cần phải đúng chỗ”.

Thành đạt không có nghĩa là chưa phạm sai lầm. Poon đã xâm nhập thị trường Trung Quốc cách đây 4 năm với các cửa hàng ở Thượng Hải và Quảng Châu nhưng thất bại vì giới trẻ Trung Quốc không có tiền để chạy theo nhãn hiệu. Kết quả là chỉ còn một số cửa hàng của Poon hoạt động tại hai khu vực này. Chuỗi cửa hàng Seibu mà Poon mua lại của một công ty Hồng Kông ở Nhật Bản cũng làm ăn chậm chạp. Kế hoạch mở một Harvey Nicholss thứ hai ở đây cũng thất bại.

Hiện Poon sống trong căn hộ 3000 mét vuông ở Victoria Peak, một khu phố sang trọng nằm trên một ngọn đồi phía bắc Hồng Kông. Poon luôn cho thấy ông là một người kín đáo trong về cuộc sống cá nhân khi thuê cho mình cả một đội cận vệ. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn nhìn nhận về Poon như là một trong những ông vua bán lẻ thành công nhất châu Á. “Bạn không cần phải là một người lăng xê mốt để có lợi nhuận trong lĩnh vực bán lẻ. Nhưng nếu bạn làm được vậy cùng với một tầm nhìn xa trông rộng thì bạn sẽ thu được thành công lớn hơn và vững chắc hơn”, huyền thoại bán lẻ một thời của Nhật Bản Isao Nakauchi đã từng nhận định như vậy. Và dường như điều này hoàn toàn đúng với Dickson Poon ngày nay.



Nguồn: www.doanhnhan.com
Báo cáo phân tích thị trường