Mười trang đầu trong Bản dự án xin gia nhập thị trường chứng khoán của Google - được hai nhà sáng lập của hãng, Sergey Brin và Larry Page giới thiệu trước Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 29.4.2004 - không có gì khác so với các văn bản mà cơ quan này nhận được trước đó. Nhưng từ trang thứ 11, các nhà đầu tư không khỏi ngạc nhiên khi đọc tới dòng tự giới thiệu: "Không bao giờ làm điều xấu" (Don't be evil") - một cam kết mà Google tuyên bố sẽ luôn thực hiện nhằm bảo vệ các giá trị đạo đức trong kinh doanh.
Thế nhưng, không ít người cho rằng Google đã thay đổi và không còn "vô hại" giống như nó cách đây mấy năm nữa. Chỉ trong vòng 8 năm, từ một công ty nhỏ thành lập trong một gara ô tô cũ, trang web cung cấp dịch vụ tìm kiếm số một thế giới này đã vươn lên thành một tổ hợp công nghiệp khổng lồ với doanh số 6 tỉ USD, vốn thị trường 10 tỉ USD. Sau hai năm gia nhập thị trường chứng khoán, tổng giá trị cổ phiếu của Google ước tính lên tới 132 tỉ USD, lớn hơn cả Tập đoàn ô tô DaimlerChrysler. Để thực hiện các tham vọng của họ, hai ông chủ lớn của Google, Brin và Page, năm nay mới 33 tuổi, đã thiết lập hàng loạt liên minh chiến lược với các đại gia internet khác, như Công ty cung cấp dịch vụ AOL, Tập đoàn thương mại điện tử eBay, kênh âm nhạc MTV, Tập đoàn máy tính Dell...
Nhưng sức phát triển khủng khiếp của Google làm cho không ít người lo ngại. Hầu như toàn bộ thông tin trên mạng rải rác trên 8 tỉ trang web đã tập trung về lưu giữ tại các server của Google. Chưa hết, nó còn có khả năng nghe trộm thông tin cá nhân siêu việt. Theo một số nguồn tin, khi Google được kích hoạt thì cũng là lúc một phần mềm nhỏ gọn kèm theo bắt đầu hoạt động, thu thập hết các tiếng động phát ra xung quanh người truy cập mạng. Từ những dữ liệu này, Google sẽ phân tích ra một số chi tiết mang tính chất riêng tư như loại âm nhạc nào người truy cập thích thưởng thức, chương trình truyền hình ưa thích..., từ đó gửi tới máy tính những mẩu quảng cáo phù hợp. Cho tới nay, Google vẫn bác bỏ cáo buộc họ nghe trộm các cuộc đàm thoại diễn ra xung quanh người sử dụng, nhưng biết đâu một ngày nào đó họ âm thầm xúc tiến việc này?
Tới nay, từ cơ sở khiêm tốn ban đầu, Google đã có một cơ sở lớn, Googleplex, nằm ở ngoại ô San Francisco, với 8.000 nhân viên. Không một công ty nào tuyển dụng khó khăn như Google, mặc dù mỗi tuần họ kết nạp thêm khoảng 100 thành viên mới. Không ai có thể phàn nàn về điều kiện làm việc lý tưởng tại Google. Khoảng 99% thu nhập của Google là từ quảng cáo. Không kể Youtube mới bị thôn tính, Google hiện nay cung cấp 83 dịch vụ khác trên mạng. Trung bình cứ mỗi tuần lại có một sản phẩm mới ra mắt. Brin và Page không bỏ lỡ bất cứ một xu hướng mới nào trên internet, thậm chí xâm nhập cả vào lãnh địa của các đối thủ lớn khác như Microsoft. Với hai phần mềm Docs và Spreadsheet, tương tự như Word và Excel, người truy cập hiện nay có thể soạn thảo văn bản, tính toán ngay trên mạng và lưu trữ tài liệu của họ trên máy chủ Google. Tuy vậy, những sản phẩm mới này vẫn chưa có sức thu hút lớn như dịch vụ tìm kiếm trang web.
Với những người thường xuyên sử dụng Google, họ gần như sẽ bị lệ thuộc vào công cụ này và cùng với quá trình đó là để lại rất nhiều "dấu vết" cá nhân trên mạng. "Google Account sẽ tập hợp tất cả các thông tin liên quan tới mỗi người sử dụng vào một tài khoản duy nhất", Jo Blager, một trong những chuyên gia về Google, Tổng biên tập Tạp chí Kỹ thuật máy tính Đức (Magazin für Computer Teknik) cho biết. Tới nay, công ty vẫn im lặng về những vấn đề liên quan tới dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Họ cũng từ chối công bố số lượng truy cập vào các trang web riêng của mình. Từ đó nảy sinh một mối lo ngại mới: người sử dụng sẽ không biết liệu những bí mật của họ trên mạng một ngày nào đó có thể bị tiết lộ hay không.
Bất cứ lúc nào Google cũng có thể kích hoạt cookies của một người thường xuyên truy cập và sử dụng dịch vụ, từ đó xác định một cách tương đối chính xác thông tin về họ. Khác với các nhà cung cấp dịch vụ khác, cookies của Google tồn tại gần như không giới hạn. Nhờ vào công cụ này, chương trình GoogleWatch giám sát toàn bộ hoạt động của người sử dụng trên mạng. Năm 2003, GoogleWatch đã được những người chỉ trích Google trao giải thưởng Big Brother Award, một giải thưởng dành cho những cơ quan, công ty chuyên móc máy vào đời tư của cá nhân.
Trong thế giới thu nhỏ của Thung lũng Silicon, Google bị coi như Borgs, con quái vật hung hãn trong phim Star Trek, luôn có ý đồ tiêu diệt các nền văn minh nhờ vào sự chính xác của máy móc. Trước đây, Microsoft cũng từng bị ví von như vậy. Trên một chiếc bàn trong quán bar tại đại bản doanh, một vài nhân viên nào đó đã khắc sẵn những bước đi tiếp theo của họ: mua lại Apple, xây dựng thang máy lên mặt trăng... Đó hoàn toàn không phải là những câu nói đùa vô nghĩa.