Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỗi người có thể sẽ được cấp một mã số thuế
02 | 01 | 2008
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được Bộ Tài chính công bố vẫn đang tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi ý kiến chung quanh vấn đề này.
Trong các ý kiến đóng góp về Bộ Tài chính, có nội dung nào không trùng với nội dung của Ban soạn thảo không, thưa bà?

- Trong nhiều ý kiến đóng góp, có hai nội dung đáng chú ý nhất, đó là liên quan đến việc đánh thuế đối với khoản lãi gửi tiết kiệm và mức khởi điểm chịu thuế.


Cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị không nên thu thuế đối với khoản thu nhập về tiền gửi tiết kiệm, bởi rất dễ ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho đầu tư, sản xuất. Thêm vào đó, gửi tiết kiệm là phương án đầu tư cho lãi rất thấp so với đầu tư vào kinh doanh, chứng khoán hay bất động sản.


Thứ hai, nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét lại, mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh (giảm trừ cho những người ăn theo như bố, mẹ, vợ, con... nếu có). Theo đó, phương án được Ban soạn thảo đưa ra là mức bốn triệu hoặc năm triệu thì vẫn là cao so với thu nhập của Việt Nam. Do vậy, cũng có ý kiến đề nghị sau khi giảm trừ gia cảnh rồi thì thu thuế từ đồng thu nhập đầu tiên; có ý kiến đề nghị mức khởi điểm chịu thuế là một triệu, hai triệu...


Nhiều người không khỏi e ngại, việc giảm trừ gia cảnh sẽ dễ làm phát sinh ra hàng loạt các thủ tục liên quan đến rất nhiều cơ quan quản lý, gây khó dễ cho cả người đóng thuế và cơ quan quản lý. Ban soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa?


- Để giảm thiểu được những thủ tục phức tạp, rắc rối đó, chúng tôi đã tính đến phương án cấp mã số thuế, cho cả người nộp thuế và người ăn theo (có thể tất cả mọi người đều có mã số thuế). Và khi ấy, việc kê khai thuế sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều.


Thí dụ, một người có mã số thuế là A, có hai con và mã số thuế của các con ăn theo người đó là B, C. Nếu người có mã số này đã khai giảm trừ gia cảnh cho hai con với hai mã B, C mà chồng người đó cũng lại khai giảm trừ gia cảnh cho hai con với hai mã là B, C thì hệ thống quản lý sẽ phát hiện ra ngay là có sự trùng lặp.


Để thực hiện tốt công tác này, chúng ta phải đưa ứng dụng CNTT vào quản lý đảm bảo nhanh, chính xác, giảm bớt những phiền hà liên quan đến hàng loạt những thủ tục hành chính.


Tất nhiên, khi triển khai, cùng với Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng phải có những văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể các địa phương. Chẳng hạn, với trường hợp một gia đình có bốn người con, khi lập gia đình thì có thể thành tám người. Vậy, việc giảm trừ gia cảnh được tính thế nào? Hay con và bố mẹ lại ở hai nơi khác xa nhau thì giảm trừ ra sao... Tất cả những vấn đề liên quan và phát sinh đang được chúng tôi nghiên cứu một cách chi tiết.


Như vậy, công tác quản lý sẽ liên quan chặt chẽ đến ứng dụng CNTT. Ngành Thuế đã chuẩn bị như thế nào cho công tác này và liệu rằng kịp tiến độ khi Luật Thuế TNCN được chính thức ban hành?


- Hiện nay chúng ta chỉ có hơn 300.000 người nộp thuế thu nhập đối với người thu nhập cao. Nhưng nếu triển khai Luật Thuế TNCN thì đối tượng nộp thuế sẽ mở rộng ra rất nhiều. Và sẽ cực kỳ khó quản lý nếu không ứng dụng CNTT. Do vậy, ngành Thuế hiện nay đang rất tích cực chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật và cán bộ để đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Thuế TNCN.


Công tác kiểm soát được ngành Thuế thực hiện như thế nào để không "lọt" thuế, đảm bảo công bằng cho mọi người thực hiện nghĩa vụ, thưa bà?


- Đây là cả một vấn đề lớn mà nếu chỉ riêng cơ quan Thuế thì không đủ khả năng giải quyết. Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng là giảm thiểu việc chi tiêu tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán qua tài khoản, ngân hàng. Cũng phải thú thực, việc kiểm soát 100% thu nhập không dễ, nhưng chúng ta sẽ cố gắng để thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý chung, giảm thiểu tình trạng trốn lậu thuế.


Xin cảm ơn bà!


Theo An ninh thủ đô


Báo cáo phân tích thị trường