Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Luật thuế thu nhập cá nhân nên thực thi sớm
03 | 10 | 2007
Sắp tới, UBTV QH sẽ thảo luận và quyết định nội dung tiếp thu, giải trình để trình QH khóa 12 kỳ họp thứ 2 về Luật thuế thu nhập cá nhân. Chúng tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc - Thành viên Ban soạn thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế về một số vấn đề đưa ra lấy ý kiến của người dân.

Bà Cúc cho biết, trong 6 nội dung gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đều nhận được những ý kiến đóng góp khác nhau.

Thứ nhất, về đối tượng nộp thuế, có ý kiến đề nghị đưa thêm đối tượng là Cty hợp doanh, DN tư nhân vào diện nộp thuế TNCN...

Thứ hai, về thu nhập chịu thuế, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm thu nhập từ quà biếu, thừa kế là động sản, hoặc quà biếu quà tặng khác...

Thứ ba, về thu nhập không chịu thuế, có ý kiến cho rằng dự Luật đưa ra quá nhiều khoản miễn giảm...

Thứ tư, về thuế suất, có ý kiến đề nghị nên thu từ đồng thu nhập đầu tiên và giảm thuế suất thấp đối với biểu thuế luỹ tiến...

Thứ năm, về giảm trừ gia cảnh, đây là nhóm vấn đề có nhiều ý kiến đóng góp, nhất và ý kiến rất phong phú, thậm chí trái ngược nhau...

Thứ sáu, về thời điểm áp dụng luật: có ý kiến đề nghị cần có thời gian dài hơn, khi người dân có ý thức tuân thủ pháp luật cao...

- Thưa bà, trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Ban Soạn thảo đã tiếp thu những vấn đề nào?

Chúng tôi hoan nghênh, trân trọng các ý kiến đóng góp, tất cả những ý kiến này sẽ được tổng hợp đầy đủ; Tổ biên tập, Ban Soạn thảo sẽ tập hợp, nghiên cứu và báo cáo lên Bộ Tài chính, UB Tài chính NS của Quốc hội, báo cáo lên Chính phủ và UBTVQH. UB Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định các nội dung tiếp thu, các nội dung cần giải trình cụ thể thêm, rõ hơn, nội dung nào cần chỉnh sửa.

- Như bà đã nói thì giảm trừ gia cảnh là nội dung có nhiều ý kiến trái ngược. Vậy ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Giảm trừ gia cảnh là nhóm vấn đề có nhiều ý kiến đóng góp nhất và ý kiến rất phong phú, thậm chí trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất đồng tình với dự thảo. Nhóm thứ hai cho rằng hạ mức giảm trừ xuống để cho người dân cảm nhận đây là thuế TNCN chứ không phải là thuế thu nhập cao. Nhóm thứ ba lại cho rằng không để mức giảm trừ cho người nộp thuế là 4 hoặc 5 triệu đồng mà còn phải nâng cao hơn nữa. Nhóm thứ tư đề nghị không nên có mức giảm trừ gia cảnh, nhưng áp dụng thuế suất 0%, 1%, 2%... có nhóm ý kiến băn khoăn về việc xác định người phụ thuộc sẽ gặp khó khăn, khó quản lý.

Theo tôi, nếu không giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, áp dụng mức khởi điểm chịu thuế, có thu nhập như nhau sẽ nộp thuế bằng nhau thì rất đơn giản nhưng không thể đảm bảo được sự công bằng. Cùng một mức thu nhập, người phải nuôi 2 con nhỏ và bố mẹ già sẽ phải nộp thuế như người độc thân. Việc giảm trừ gia cảnh, tuy có phức tạp nhưng vẫn có thể thực hiện được. Việc áp dụng phương pháp khấu trừ tại nguồn và ý thức tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của người kê khai kết hợp với việc kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tthuế, cấp mã số thuế cho người nộp thuế, người phụ thuộc... có thể xác định được người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh. Về lâu dài, tất cả những người phụ thuộc đều được cấp 1 mã số thuế để kiểm soát, không tính trùng.

- Về thời điểm thi hành (dự kiến 2009) nhiều ý kiến cho rằng quá sớm. Liệu có lùi thời gian áp dụng luật, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng có thể có thất thoát nhưng chúng ta vẫn nên áp dụng Luật thuế TNCN. Thực tế cho thấy, khi áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (4/1991), những người có thu nhập trên 500.000 đồng/tháng đã phải nộp thuế thì năm 1991 chỉ thu được 63 tỷ đồng. Tháng 7/2004, sửa đổi Pháp lệnh nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 5 triệu đ/tháng thì năm 2007 dự kiến thu được 6.400 tỷ. Nếu cứ nói là không quản lý được, thì làm sao chúng ta thu được 6.400 tỷ đồng đó.

Trên thế giới, nhiều nước tiên tiến đã áp dụng Luật thuế TNCN cũng phải mất vài chục năm để hoàn chỉnh. Đối với VN, dự kiến phải mất 20 năm để hoàn chỉnh. Nếu cứ chờ để đủ điều kiện thì không bao giờ có được bộ luật hoàn chỉnh.

- Xin cảm ơn bà.

Theo DDDN


Báo cáo phân tích thị trường