Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó đo lường độ trung thực của các bản cáo bạch
14 | 11 | 2007
Lâu nay, không ít NĐT vẫn đặt dấu hỏi về mức độ trung thực của các bản cáo bạch, báo cáo tài chính đã được kiểm toán mà công ty niêm yết, công ty đại chúng chào bán chứng khoán đưa ra. www.kiemtoan.com.vn đăng lại cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán PriceWaterhouseCooper Việt Nam về vấn đề này.


Trong khi số DN niêm yết lên đến trên 200 thì số công ty kiểm toán (CTKT) được Bộ Tài chính chấp thuận kiểm toán chỉ hơn 10 DN. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng của bản báo cáo tài chính, thưa bà?

Các CTKT phải tuân theo những chuẩn mực nhất định. Nếu CTKT tuân thủ một cách chặt chẽ các chuẩn mực này thì họ không thể chạy theo số lượng, mà phải đảm bảo chất lượng. Thông thường, theo tôi được biết, nếu thiếu nhân lực thì CTKT sẽ không lấy thêm khách hàng và không thể làm cẩu thả để đưa ra báo cáo tài chính kém chất lượng.

Vấn đề hiện tại là có ít CTKT đạt tiêu chuẩn, nghĩa là sẽ phải cố gắng đảm bảo đủ điều kiện để được vào danh sách đó. Nghề kiểm toán rất rủi ro, khi đưa ra báo cáo tài chính, người ta phải gắn trách nhiệm của mình vào đó.

Các CTKT phân tích dựa trên hồ sơ, số liệu do phía DN cung cấp. Vì những mục đích khác nhau, DN có thể đưa ra số liệu sai sự thật. Vậy báo cáo tài chính và bản cáo bạch có bị sai theo?

Trong quy trình về kiểm toán, có những thủ tục, kỹ thuật mà người ta phải đi kiểm tra. Tuy nhiên, họ vẫn bị lệ thuộc rất nhiều vào số liệu của DN được kiểm toán cung cấp. Một trong những quy trình của kiểm toán là bắt buộc phải đối chiếu chéo, đối chiếu với bên thứ 3, với ngân hàng, cơ quan thuế, chứ không phải lúc nào cũng phụ thuộc hoàn toàn vào số liệu mà DN cung cấp.

Nếu tuân thủ đúng quy trình kiểm toán thì CTKT sẽ tìm ra điểm bất hợp lý, không lôgic trong số liệu mà DN đưa ra. Trong trường hợp đó, CTKT sẽ đưa vào báo cáo ý kiến của mình. Trong kiểm toán thì có nhiều loại ý kiến, nếu không tin tưởng vào con số đó thì người ta sẽ cho ý kiến loại trừ, chứ không phải DN đã được kiểm toán là NĐT yên tâm, mà còn phụ thuộc vào ý kiến của CTKT về báo cáo tài chính. CTKT đã đưa ý kiến loại trừ đồng nghĩa với số liệu của báo cáo đó không đúng.

Có một thực tế là rất ít NĐT hiểu được điều này, mà chỉ nghĩ báo cáo tài chính đã được kiểm toán là yên tâm rồi.

NĐT cần lưu ý điểm gì khi đọc bản cáo bạch, thưa bà?

Bao giờ cũng phải nhìn vào tổng tài sản của DN đó như thế nào, công nợ ra làm sao. Mỗi DN có một đặc điểm khác nhau, mỗi ngành lại yêu cầu tài sản khác nhau, xem tài sản đó hình thành từ vốn pháp định hay từ vốn vay. Ngoài ra, NĐT phải hiểu DN đó hoạt động trong lĩnh vực gì, phát triển trên thị trường ra sao. Một điểm đáng lưu ý là các bản cáo bạch thường đưa thông tin từ 2 - 3 năm trước, do đó NĐT cần xem biến động trong thời gian tới đối với DN như thế nào, tích cực hay tiêu cực; xu hướng của nó so với các DN khác ra sao...

Bà đánh giá như thế nào về mức độ trung thực của bản cáo bạch mà các DN niêm yết đưa ra?

Tôi không thể đánh giá được, bởi vì không tham gia trực tiếp. Để đưa ra được báo cáo tài chính, CTKT phải làm việc mất hàng tháng mới có thể đưa ra kết luận có trung thực hay không. Còn nếu chỉ đọc bản cáo bạch thì cũng thật khó để đưa ra được ý kiến.

Như vậy, NĐT buộc phải mạo hiểm với ngay cả thông tin trong bản cáo bạch mà các DN đưa ra?

Sự trung thực của thông tin trong bản cáo bạch phải đi từ các cơ quan chức năng với hàng loạt quy định chặt chẽ, chứ NĐT không thể nào ngồi đó mà có thể đánh giá được sự trung thực của nó. Họ chỉ biết rằng, đối với công ty này, báo cáo tài chính đã tuân thủ các quy định của UBCKNN phải công bố thông tin và thông tin phải là như thế.


Theo Đầu tư chứng khoán Online
Báo cáo phân tích thị trường