Theo đó để đảm bảo tỷ lệ 49%, room cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực tế sau đợt phát hành này chỉ còn 46% vốn điều lệ.
Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Trung tâm lưu ký chứng khoán được chỉ đạo phối hợp xử lý về mặt kỹ thuật để đảm bảo kiểm soát tỷ lệ 49%. Như vậy, Vinamilk sẽ trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam tiến hành niêm yết song song tại Việt Nam và Singapore.
Được biết HOSE và SGX (Sở giao dịch chứng khoán Singapore) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU), không biết niêm yết song song Vinamilk có phải là kết quả của sự hợp tác giữa HOSE và SGX không.
Với một nội dung hợp tác cụ thể như niêm yết song song, theo thông lệ quốc tế, hai sở giao dịch và hai ủy ban chứng khoán sẽ phải có sự chuẩn bị chi tiết liên quan đến cơ chế quản lý niêm yết, công bố thông tin và giám sát thị trường nhằm đảm bảo sự hài hòa và bình đẳng giữa hai thị trường, nhưng không hiểu SSC và HOSE đã chuẩn bị gì cho một cơ chế như vậy.
Với những tiêu chuẩn cao hơn về niêm yết và công khai thông tin tại SGX so với HOSE, điều dễ nhận thấy là người đầu tư tại Singapore sẽ tiếp cận thông tin về Vinamilk một cách hiệu quả hơn so với người đầu tư tại Việt Nam. Liệu đây có phải là điều cơ quan quản lý, điều hành thị trường tại Việt Nam mong muốn?
Thị trường sẽ chờ một công bố thuyết phục từ phía Vinamilk về mục đích của việc niêm yết, cũng như đánh giá xem liệu Vinamilk đạt được những lợi ích gì từ việc niêm yết lượng cố phiếu chỉ tương đương 5% vốn điều lệ hiện hành (1.752 tỷ đồng) tại Singapore.
Còn đối với các cổ đông hiện hành của Vinamilk, những gì có thể nhìn thấy ngay đó là các khoản chi phí liên quan đến việc tư vấn và thủ tục niêm yết ban đầu cũng như các loại chi phí đảm bảo tuân thủ qui định niêm yết của SGX trong thời gian tiếp theo.
Mặt khác, sự khác biệt về trình độ phát triển cũng như điều kiện thị trường sẽ dẫn đến việc hình thành những mức giá Vinamilk khác nhau trên hai thị trường và trở thành mục tiêu cho những giao dịch đầu cơ chênh lệch giá?
Nếu như việc “câu” được Vinamilk sang niêm yết có thể được coi là một thành công đối với Singapore trong chiến lược thu hút những doanh nghiệp tốt trong khu vực tham gia niêm yết trở thành trung tâm tài chính của khu vực, thì điều này lại đặt ra một câu hỏi lớn đối với chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi chúng ta đang cố gắng mở rộng quy mô và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc cổ phần hóa và đưa những doanh nghiệp lớn lên niêm yết nhằm nâng cao tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trước cộng đồng đầu tư quốc tế cũng như khả năng hấp thu những luồng vốn đầu tư lớn đến với Việt Nam, thì trường hợp Vinamilk ở đây là một quyết định đi ngược lại nỗ lực đó.
Đây có phải là cách làm phù hợp với tham vọng Việt Nam trở thành trung tâm tài chính của khu vực, hoặc nỗ lực hướng tới tạo dựng một vị thế có tầm ảnh hưởng cao hơn của Việt Nam trong khu vực?
Việc cắt bớt vốn của Vinamilk đi niêm yết ở một thị trường khác có thể tạo nên một tiền lệ tiêu cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Sau Vinamilk có thể sẽ có những công ty khác làm điều tương tự, và con số có thể không dừng ở 3% hay 5% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với một nguy cơ “chảy máu” thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khi đó quy mô thị trường và hoạt động giao dịch bị sụt giảm, các nhà đầu tư nước ngoài không cần phải tìm đến Việt Nam mà vẫn có thể giao dịch được cố phiếu các công ty Việt Nam, các công ty chứng khoán phải đối mặt với tình cảnh khó khăn hơn do mất bớt các khoản phí dịch vụ, trong khi đó thu ngân sách nhà nước từ hoạt động của thị trường chứng khoán theo Luật thuế thu nhập mới cũng bị thiệt hại vì một phần hoạt động giao dịch chứng khoán đã nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cuối cùng, nếu “chảy máu” một lượng đủ lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ lệ thuộc vào các thị trường chứng khoán nước ngoài bởi tình hình giao dịch của chính các công ty Việt Nam đang niêm yết tại đó?