TS Lê Đăng Doanh: Đừng “Hà Giang hóa” đất nước này!
Hiện nay các chỉ số về thể chế kinh tế thị trường của VN đều thấp một cách... không đáng có. Ví dụ chỉ số độ sâu tài chính của các ngân hàng thương mại ở ta rất thấp. Ngân hàng các nước có 2.000 dịch vụ, ở ta mới có khoảng 200. Tỉ lệ nợ xấu lớn, anh có nhiều vốn nhưng nguồn thanh khoản lại rất bé. Ngân hàng kém phát triển thế thì doanh nghiệp khó khăn, giống con người thiếu máu, mặt lúc nào cũng xanh.
Qua thăm dò thì 64% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ta nói họ rất khó tiếp cận với tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần. Công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Thị Cảnh (Đại học Kinh tế TP.HCM) còn cho thấy các ưu đãi Chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không hề đến tay doanh nghiệp. Ưu đãi về lãi suất, về thuế đều gần như không nhận được, nó lơ lửng ở đâu đấy.
Một động lực thứ hai: thị trường chứng khoán ở ta còn quá nhỏ bé. Sắp tới có thể là 100 công ty niêm yết, chiếm 10% GDP, so với Trung Quốc 71%, Singapore 120%. Con số chúng ta đưa ra 2.400 doanh nghiệp cổ phần hóa cho ấn tượng, nhưng thực chất mới chiếm 11% tổng số vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Rồi hiệu quả đầu tư, chi phí sản xuất. Chi phí sản xuất 1 triệu cái áo sơmi, 1 tấn ximăng, 1 tấn thép... của doanh nghiệp tư nhân thường chỉ bằng một nửa doanh nghiệp nhà nước. Trong khi doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 80% tổng vốn toàn xã hội. Cả miền đông của nước Mỹ có bốn cái cảng, nhưng chúng ta có câu chuyện các tỉnh đua nhau xây cảng, sân bay, ximăng lò đứng, nhà máy đường... Đó là một số yếu tố cho thấy tại sao kinh tế phát triển dưới tiềm năng.
Nhưng có nên chạy theo con số tăng trưởng không? Theo tôi, nó giống như câu hỏi ta có nên tăng vô hạn độ sản lượng gạo không? Ta nên chạy theo con số giá trị gia tăng vì nó thực chất hơn con số GDP. Tiếc rằng chỉ tiêu này lại chưa được tính toán thành một chỉ tiêu có hệ thống, và chưa được giao nên nó mới ở trong sự tính toán của các nhà chuyên môn. Trong khi đấy mới là chỉ tiêu phản ánh sự giàu lên của đất nước, chỉ ra được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước mắt nên thay đổi các động lực. Nếu ở trên cứ ép phải tăng GDP thì sẽ có chuyện tính GDP tỉnh, GDP huyện, GDP xã. Nếu đặt ra chỉ tiêu khác sẽ tốt hơn: chỉ tiêu năng suất lao động, sản phẩm mới, chiếm lĩnh thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, tỉ lệ giá trị gia tăng...; sẽ có ánh sáng chân thực hơn, rọi vào sự hào nhoáng của GDP.
Hiện tại, nếu cần một tiếng nói cảnh báo thì theo tôi không nên chạy đua tăng trưởng theo bề rộng, không thể tiếp tục đầu tư một cách lãng phí, không chỉ tăng khối lượng đầu tư, tỉ lệ đầu tư để có con số GDP đẹp, mà phải tăng hiệu quả đầu tư, tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm.
Chúng ta đã có kinh nghiệm ở Hà Giang khi trước đây tỉnh này đầu tư bệnh hoạn, nổi tiếng với câu “mỗi ngày có một công trình”. GDP như thế tăng vọt, nhưng GDP đó có đem lại cái gì đâu! Nên đừng “Hà Giang hóa” cả đất nước này mà phải rung chuông báo động, bởi mỗi tỉnh, mỗi vùng nào đó đều có dáng dấp “căn bệnh” Hà Giang. Theo tôi, bây giờ đã có thể xác định một “giai đoạn Hà Giang”. Cái này nên có cái nhìn cầu thị, phê phán trên nhiều mặt và tuyệt đối giã từ.
TS Trần Đình Thiên - viện phó Viện Kinh tế VN: Chạy theo con số sẽ thủ tiêu chất lượng Muốn tăng trưởng cao, cái dở là người ta có thể sử dụng một biện pháp hoàn toàn hành chính: tăng vốn đầu tư. Hiện tại ở VN đầu tư đóng góp vào tăng trưởng đến 60-65%, năng suất lao động, tất cả các yếu tố còn lại chỉ đóng góp 35-40%. Nếu chỉ tiêu được đưa ra như một tiêu chí đánh giá thì rất nhiều tỉnh thành sẵn sàng chạy vạy xin vốn, tăng tiền đầu tư để có con số GDP đẹp nhằm báo cáo, lấy thành tích với trung ương. Chạy theo thành tích kiểu này là thủ tiêu chất lượng. Về kinh tế học, hành vi này cực kỳ nguy hiểm. Nguồn vốn chảy theo ý định một số người, vào một số nơi là mảnh đất tốt cho tham nhũng. ầu tư duy ý chí tất yếu dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao, nhiều dự án giải ngân ồ ạt nhưng kết cục phá sản, người dân nợ nần, hạ tầng nhanh xuống cấp. Cái đó không khác gì bệnh thành tích trong giáo dục. Đất nước sẽ thế nào nếu con số GDP cứ cao nhờ kiểu “đầu tư” cho con số GDP kể trên? Nợ nần, cách biệt giàu nghèo, nền kinh tế kém sức cạnh tranh, sức mạnh ảo không may gặp biến cố kinh tế của thế giới dễ dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ! |