Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu- động lực quan trọng để tăng trưởng
13 | 09 | 2007
Quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và GDP của nước ta nhiều khi không tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, thực tế đó không có nghĩa là giữa tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu không có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Các số liệu thống kê cho thấy, có sự “lệch pha“ rất rõ ràng giữa tốc độ tăng xuất khẩu và GDP.

Nếu chọn 16 năm trở lại đây làm kỳ quan sát thì năm 1991 đầu tiên là năm duy nhất xuất khẩu tăng trưởng âm 13,18% do sự sụp đổ của Liên Xô và nước ta hầu như mất khu vực thị trường truyền thống, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn là 5,81% và đây cũng là năm duy nhất hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu và GDP mang dấu âm (-2,27 lần). Cũng theo hướng này, 1998 là năm xuất khẩu bị ảnh hưởng hết sức nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực và năm 2001 cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự kiện “ngày 11 tháng 9 đen tối của nước Mỹ” thì hai “bộ ba” số liệu này là 1,91%; 5,76%; 0,33 lần và 6,89%; 3,77%; 0,55 lần.

Ở trạng thái ngược lại, điển hình nhất là năm 1999 có hệ số này ở mức “đỉnh” với 4,88 lần do tốc độ xuất khẩu phục hồi kỳ diệu sau khủng hoảng kinh tế khu vực, đạt 23,29%, nhưng nền kinh tế lại “ngấm đòn” khủng hoảng với tốc độ tăng GDP nằm ở mức “đáy” chỉ với 4,77%. Và cũng theo hướng này, trong khi hệ số này trong ba năm 1994-1996 liên tục đứng ở mức rất cao từ 3,55% đến 4,06 lần, nhưng ngược lại, đây chính là 3 năm “hoàng kim” với tốc độ tăng GDP ở mức kỷ lục 8,83-9,54%. Bên cạnh đó là năm 2004 có hệ số rất cao là 4,07 lần, nhưng tốc độ tăng GDP cũng chỉ ở mức 7,79%, hoặc cặp số liệu này năm 2000 cũng chỉ là 3,74 lần và 6,79%.

Trong khi đó bên cạnh 5 năm có các hệ số này ở mức khá cao (dao động trong khoảng 2,26-3,26 lần) như các năm 1992; 1997; 2003; 2005 và 2006 do tốc độ tăng xuất khẩu và GDP đều ở mức cao, thậm chí rất cao (xuất khẩu tăng 20,08%-26,59%; GDP tăng 7,34 –8,70%), thì năm 1993 xuất khẩu chỉ tăng khá thấp với 15,67%, nhưng GDP tăng tới 8,08%, cho nên hệ số này chỉ là 1,94 lần.

Có lẽ giống như đa số các quốc gia khác, nền kinh tế nước ta cũng có ba đầu ra độc lập một cách tương đối với nhau. Bên cạnh thị trường xuất khẩu, đó là thị trường tiêu dùng trong nước và thị trường đầu tư. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế là một đoàn tàu, thay vì không thể chỉ được kéo bởi một đầu tàu duy nhất là xuất khẩu, mà đồng thời phải được kéo bằng hợp lực của ba đầu tàu này.

Theo đó, và để cho đơn giản trong khi tiếp cận, ở đây chỉ giới hạn ở ba đầu ra của nền kinh tế là hàng hóa xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và phục vụ đầu tư. Trong đó, đối với hàng xuất khẩu tính bằng USD, chỉ cần làm một phép tính quy đổi đơn giản sang Đồng Việt Nam, nhưng với số liệu thống kê về tổng vốn đầu tư thực hiện thì phải chọn cách ước tính một tỷ lệ hàng hóa sử dụng chung, giả định là 65%; còn lượng hàng tiêu dùng trong nước trong “rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội” hàng năm chính là các kết quả kinh doanh của ngành thương nghiệp.

Theo phương pháp tiếp cận như vậy, thay vì chỉ là hệ số chỉ giữa tốc độ tăng xuất khẩu so với tăng GDP, các kết quả tính toán là một “bức tranh” về hệ số giữa tốc độ tăng trưởng của tổng dung lượng thị trường hàng hóa đầu ra so với tốc độ tăng trưởng GDP. Với bức tranh này, có thể khẳng định ba điều chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, đã loại trừ được những trường hợp không thể giải thích được trong trường hợp chỉ so sánh giữa tốc độ tăng xuất khẩu với tốc độ tăng GDP.

Đó là, trong trường hợp hệ số âm 2,27 lần xuất hiện năm 1991 do mất các thị trường xuất khẩu truyền thống, lẽ ra đoàn tàu đã phải chạy giật lùi, nhưng GDP vẫn tăng 5,81%, cao hơn đáng kể so với 5,09% của năm 1990 với tốc độ tăng xuất khẩu kỷ lục 18,69% tính đến thời điểm này và hệ số giữa hai tốc độ tăng trưởng này là 4,62 lần. Đó còn là các trường hợp đoàn tàu gần như phải đứng yên các năm 1998 và 2001, bởi tốc độ tăng xuất khẩu đã đột ngột “rơi tự do” xuống 1,91% và 3,77% do các sự kiện khủng hoảng kinh tế khu vực và khủng bố tại Mỹ, nhưng GDP vẫn tăng 5,76% và 6,89%, cho nên các hệ số này cũng “rơi tự do” xuống chỉ còn 0,33% và 0,55 lần.

Trong khi đó, các kết quả tính toán với cả ba đầu ra, tốc độ tăng trưởng của tổng dung lượng thị trường hàng hóa lại đứng ở mức cao kỷ lục với 74,53% năm 1991; 17,76% năm 1999 và 9,07% năm 2001 và ba hệ số giữa các tốc độ tăng này so với GDP lần lượt là 12,83 lần (cũng cao kỷ lục); 3,72 lần và 1,32 lần.

Thứ hai, xét theo kế hoạch 5 năm gần đây nhất, 1996-2000 chính là giai đoạn xuất khẩu tăng nhanh nhất với kỷ lục 21,55% năm, nhưng GDP lại tăng thấp kỷ lục chỉ với 6,95% năm và hệ số giữa hai loại tốc độ tăng này cũng cao kỷ lục 3,09 lần, còn ở hai giai đoạn trước và sau đó, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu hầu như bằng nhau, nhưng tốc độ tăng GDP lại quá chênh lệch nhau. Cụ thể, “bộ ba” số liệu tương ứng này giai đoạn 1991-1995 là: xuất khẩu tăng 17,78% năm; GDP tăng kỷ lục 8,18% năm và hệ số là 2,17% năm; 7,51% năm và 2,34 lần.

Trong khi đó, với phương pháp tiếp cận coi cả ba đầu ra là ba nguồn động lực cùng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, các kết quả tính toán cho thấy, tốc độ tăng chung của ba thị trường này ở giai đoạn 1991-1995 cao kỷ lục  40,44% năm, tốc độ tăng GDP cũng cao kỷ lục 8,18% năm và hệ số cũng cao kỷ lục 4,94 lần.

Thứ ba, sự gia tăng rất nhanh tỷ trọng của hàng xuất khẩu trong “rổ hàng hóa đầu ra” từ bình quân 30,50% năm lên 37,25% năm và tiếp tục lên 44,16% năm qua từng giai đoạn càng là bằng chứng hùng hồn về tầm quan trọng ngày càng lớn của xuất khẩu đối với công cuộc phát triển nền kinh tế nước ta. Trong khi đó, thị trường hàng hóa tiêu dùng đã ngày càng mất vai trò là nguồn động lực chủ yếu, bởi tỷ trọng này đã từ 45,22% năm 1991, đặc biệt là từ mức “đỉnh” 53,44% năm 1992, đã giảm hầu như liên tục xuống chỉ còn 34,55% trong năm 2006 vừa qua.

Bằng trực quan, cũng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, nếu thị trường xuất khẩu không được liên tục mở rộng như vậy, thị trường trong nước sẽ bị “ngập lụt” bởi chính các hàng hóa “Made in Vietnam”, thoạt đầu là gạo, rồi lần lượt đến một loạt nông sản chủ yếu như cà phê, hồ tiêu, chè, thủy và hải sản…, cũng như rất nhiều tỷ USD hàng công nghiệp, mà điển hình nhất là hàng dệt may và giày dép. Do vậy, thay vì khủng hoảng do thiếu đủ mọi thứ trong mấy thập kỷ trước, đổi mới mà không đẩy mạnh xuất khẩu sẽ rất nhanh chóng đẩy nền kinh tế nước ta vào tình trạng có lẽ cũng khốn khổ không kém của khủng hoảng thừa.

Nói tóm lại, cho dù vẫn còn không ít những tồn tại không hề nhỏ, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng hơn của xuất khẩu. Do vậy, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời nâng cao hiệu quả của xuất khẩu để gia tăng nguồn động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn của đầu ra này là những vấn đề ngày càng bức xúc trong những năm tới./.



Thời báo kinh tế Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường