Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản quyền giống cây trồng - Ai bán, ai mua?
06 | 03 | 2008
Trò chuyện với TS Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt về chủ đề bán bản quyền giống cây trồng. Theo lời TS Quảng thì: Bán bản quyền nhà khoa học cũng có… cơm ngon!
Một số đơn vị dùng giống bố mẹ tùm lum để chọn tạo giống mới (NNVN số 46, 47 đã phản ánh) sẽ bị xử lí ra sao, thưa ông?

Đối với giống đã được cấp bằng bảo hộ mà bị người khác sử dụng dòng bố, mẹ để tạo ra giống khác là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng đa số các tổ chức, cá nhân chỉ làm bảo hộ sản xuất giống F1, chưa đăng kí bảo hộ giống bố, mẹ nên vẫn bị “vặt” trộm. Nếu tác giả phát hiện vi phạm bản quyền thì yêu cầu dừng ngay việc nhân giống, đề nghị trả tiền bản quyền. Phía vi phạm không đáp ứng thì nhờ pháp luật can thiệp.

Trước khi VN gia nhập UPOV, một số tác giả chọn tạo đã bán bản quyền giống cho DN có đúng luật?

Việt Nam thực hiện bảo hộ quyền tác giả GCT theo Nghị định 13 từ năm 2001. Sau đó việc bảo hộ giống được đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy các đơn vị chuyển nhượng bản quyền trước khi VN vào UPOV là được Nhà nước cho phép, có nghĩa là đúng luật.

Việc mua, bán bản quyền theo thoả thuận hay quy định?

Điều 32, Nghị định 104 quy định việc chuyển nhượng đối với GCT được tạo ra từ ngân sách thì phải thực hiện theo quy định quản lý tài sản Nhà nước. Theo hướng dẫn của Cục Thuế Hà Nội thì tác giả phải nộp 10% số tiền bán bản quyền cho Nhà nước. Một số đơn vị căn cứ điều 29, Nghị định 104 cho phép tác giả (hoặc nhóm tác giả tạo giống) được tối đa 30% giá trị hợp đồng sau khi đã nộp thuế cho Nhà nước.

Có đơn vị áp dụng Luật Chuyển giao công nghệ, cho phép tác giả được hưởng từ 20 – 30% tiền thu được từ hợp đồng chuyển nhượng bản quyền, còn lại phải nộp 50% vào quỹ phát triển KHCN, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của đơn vị …

Chúng tôi đang đề nghị Vụ Tài chính - Kế toán có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện. Hiện tư nhân tự bỏ tiền ra nghiên cứu và làm bảo hộ giống không nhiều. Khi chuyển nhượng bản quyền thì tác giả đó tự thoả thuận giá cả với DN. Tất nhiên họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Ông có thể cho biết các thủ tục để được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng theo công ước UPOV?

Hiện ở VN có 37 giống cây trồng được bảo hộ. Các tổ chức, cá nhân phải làm 3 bộ hồ sơ (theo mẫu) đăng kí tại Văn phòng bảo hộ GCT (thuộc Cục Trồng trọt). Hồ sơ đủ điều kiện sẽ được đăng trên Tạp chí NN - PTNT. Sau đó cơ quan chức năng tiến hành kiểm nghiệm DUS và thẩm định tính mới, tên giống.

Thông thường cây ngắn ngày phải khảo nghiệm tối thiểu qua 2 vụ trùng tên (tức là 2 vụ đông hoặc 2 vụ mùa - PV). Cơ quan khảo nghiệm sẽ tổng hợp kết quả gửi báo cáo lên Văn phòng Bộ NN - PTNT để thẩm định, thời gian tối đa 3 tháng. Sau đó hội đồng thẩm định nghe kết quả, không có ý kiến phản bác thì Bộ trưởng sẽ cấp bằng bảo hộ.

Cá nhân ông có ủng hộ chuyện mua, bán bản quyền GCT?

Tôi xin nói lại rằng, các tác giả chuyển nhượng bản quyền GCT cho DN là đúng luật, được nhà nước cho phép. Trừ trường hợp giống đó rất cần thiết, sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng thì Nhà nước chỉ định việc chuyển nhượng.

Nhờ vào bán “chất xám”, các Viện, các Trung tâm sẽ có một khoản kinh phí để tái đầu tư nghiên cứu và các nhà khoa học cũng được “miếng cơm ngon”. Từ đó thúc đẩy mọi người đầu tư chọn tạo ra nhiều giốg mới, chất lượng cao, đem lại hiệu quả lớn cho xã hội.

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường