Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyên nghiệp hóa hệ thống giống của nông dân
20 | 09 | 2007
Đó chính là nội dung chủ yếu của Hội thảo quốc gia "Áp dụng chính sách giống và Luật Bảo hộ giống cây trồng của Việt Nam nhằm tăng cường hệ thống giống của nông dân" vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Tình hình sản xuất giống cây trồng tại nước ta chưa bao giờ lại "trăm hoa đua nở" như lúc này. Hiện tại, nguồn cung ứng giống có 3 Cty thuộc Bộ, 27 Cty liên doanh hoặc vốn nước ngoài và 170 Cty, trung tâm sản xuất kinh doanh giống tại các tỉnh... Ngoài hệ thống này còn có hàng vạn hộ nông dân sản xuất giống để dùng và để bán. Chính vì nguồn cung ứng đa dạng nên chất lượng giống không đồng đều. Theo kết quả đáng tin cậy của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng Trung ương trên mẫu hạt giống lúa, ngô và rau, thì miền Bắc tỷ lệ đạt tiêu chuẩn: Lúa thuần 88,6%, lúa lai đạt 93,7%, khoai tây và rau 95,6%; miền Trung lúa thuần đạt 93,2%, lúa lai chỉ 83,3%; miền Nam lúa thuần đạt 70%, ngô 95%. Đó là mới chỉ kiểm tra chủ yếu ở các mẫu giống hàng Cty, còn giống do nông dân sản xuất thì không có số liệu. Vì thế, hội thảo quốc gia "Áp dụng chính sách giống và Luật Bảo hộ giống cây trồng của Việt Nam nhằm tăng cường hệ thống giống của nông dân" vừa diễn ra 2 ngày tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ là cơ hội gặp gỡ của nông dân sản xuất giống và DN, các nhà khoa học nhằm phát triển hệ thống này một cách chuyên nghiệp hơn.

Ông Lê Hồng Nhu - Trợ lý điều phối viên quốc gia Hợp phần Giống cây trồng bày tỏ quan điểm thúc đẩy xã hội hóa và tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống. Ông Phan Huy Thông - Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng không nên quan niệm hai hệ thống giống Cty và giống nông dân đối lập nhau. Thực tế nông dân trực tiếp sản xuất giống chiếm số nhỏ nhưng việc họ hợp tác, hợp đồng với các Cty để sản xuất lại chiếm số lượng rất lớn. "Nông dân sản xuất giống tại chỗ có nhiều mặt mạnh là phù hợp với điều kiện địa phương, giá rẻ, cung ứng linh hoạt, thời gian cung ứng nhanh... Tuy nhiên mặt yếu cũng không ít như kỹ thuật chọn tạo, chế biến...

Tham dự hội thảo có rất nhiều nhóm nông dân sản xuất giống từ khắp các địa phương trong cả nước. Nhóm nông dân sản xuất giống ở xã Hạ Bì (Kim Bôi, Hòa Bình) - nơi được chương trình Bucap hỗ trợ, trong 5 năm đã khảo nghiệm tập đoàn 75 giống lúa, chọn được 27 giống có khả năng thích nghi gieo trồng cả hai vụ; phục tráng được 9 giống lúa địa phương, lai tạo được 3 tổ hợp lai thành công. Theo anh Bùi Thế Nhu - đại diện nhóm: "Nhờ việc sản xuất giống chủ động mà năng suất và sản lượng lúa của Hạ Bì tăng nhanh, thực hiện thêm được 1 vụ đông. Hiện nông dân ở xã chỉ mua giống lúa lai, còn lúa thuần hoàn toàn chủ động được". Câu lạc bộ giống của xã Xuân Thành (Yên Thành, Nghệ An) năm 2004 mới chỉ sản xuất được 3 tấn thóc giống cấp kỹ thuật, năm 2005 đã sản xuất được 10 tấn nguyên chủng, 2006 sản xuất tới 99 tấn nguyên chủng. Trong các nhóm nông dân sản xuất giống, độ chuyên nghiệp nhất phải kể đến Tổ hợp tác sản xuất giống Bình Đức (Long An). Ở đây có đầy đủ ban bệ từ Ban kiểm sát, Ban điều hành đến các tổ kỹ thuật, tổ cơ khí, tổ kinh doanh, tổ dịch vụ, tổ đời sống. Tổ rất năng động trong việc bán hàng. Hàng năm, đơn vị chuẩn bị 2 tấn giống lúa mẫu chào hàng trực tiếp các đại lý vật tư nông nghiệp, các trạm khuyến nông và các HTX. Bước tiếp theo là thông qua các cuộc hội thảo đánh giá giống, sản xuất thử do tổ hợp tác thực hiện, phát tặng nông dân giống mới. Cuối cùng là tiếp cận bán hàng bằng nhiều chiến lược kinh doanh mềm mỏng. Chính nhờ những việc làm đó mà năm 2005, Tổ đã sản xuất được 312 tấn lúa giống, 6 tháng đầu năm 2006 sản xuất được 378 tấn lúa giống, tỷ lệ tiêu thụ luôn đạt xấp xỉ 100%...

"Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng bao gồm: Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cầy trồng bằng công sức và chi phí của mình; tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc; tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng... Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; hết 20 năm đối với các giống cây trồng khác".

(Trích Luật Bảo hộ giống cây trồng)

Tuy có những bước tiến ban đầu như vậy nhưng hầu hết các nhóm nông dân sản xuất giống đều gặp phải những vấn đề khó khăn giống nhau. Thứ nhất là thiếu vốn, thiếu giống đầu dòng do các Cty, các viện nghiên cứu cung ứng không đủ. Thứ hai là chính sách kiểm nghiệm giống để xác nhận đòi hỏi nhiều thủ tục. Thứ ba chính là sự dịch chuyển của lao động nông nghiệp sang công nghiệp nhanh nên nhân công thiếu, đặc biệt là những người có trình độ.

Sự ra đời của Luật Bảo hộ giống cây trồng được xem là cú đột phá cho ngành giống. Những giống mới, tốt, đặc tính nổi trội sẽ được các tác giả tung ra mà không sợ bị... ăn cắp bản quyền. Thế nhưng, để Luật này đi vào cuộc sống, xem ra có nhiều điều cần phải làm.



(Nguồn tin: NNVN)
Báo cáo phân tích thị trường