Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Ngãi: Trồng cà chua ghép trên gốc cà tím
12 | 03 | 2008
Bệnh héo rũ do vi khuẩn trên cây cà chua là một bệnh đặc biệt nguy hiểm; đã có những nơi không thể mở rộng diện tích trồng cà chua cũng chính là do bệnh này. Trong thực tế có những giống cà chua dại hay những giống cà tím tuy năng suất rất thấp, ăn không ngon, nhưng lại có ưu điểm là chống chịu với bệnh héo rũ vi khuẩn rất cao.


Ghép giống cà chua tốt lên gốc của những giống cà chua dại, cà tím kháng bệnh có thể tạo ra cây ghép chống chịu được với bệnh héo rũ vi khuẩn, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm và họ đã thành công. Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam đã tiến hành thử nghiệm phương pháp này tại một số vùng trồng rau tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đạt được những kết quả khả quan. Theo đó một số tỉnh miền Trung bắt đầu áp dụng phương pháp trồng mới này.

Vụ đông xuân 2007-2008, Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đầu tư mô hình trồng cà chua ghép theo hướng sản xuất rau an toàn cho Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (0,25 ha ở xã Tịnh Châu) và Trạm khuyến nông huyện Bình Sơn (0,25 ha ở xã Bình Dương); dùng giống cà chua Kim cương đỏ và giống cà chua 386 ghép trên gốc cà tím. Thời gian trồng từ đầu tháng 12/2007, bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 2/2008 đến nay. Trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn như giống mua ở quá xa (mua tận ở Đà Lạt), giá giống và chi phí vận chuyển cao. Trồng gặp thời tiết mưa dầm kéo dài, nên có ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây con.

Về cách ghép không đến nỗi quá phức tạp, qua tham quan, tìm hiểu ở Đà Lạt và qua trao đổi với PGS.TS Trần Văn Hai và TS. Trần Thị Ba (Đại học Cần Thơ), chúng tôi được biết khi ghép cần phải có một vật liệu chuyên dùng đó là ống cao su tự tiêu để kết nối gốc ghép (gốc cà tím có khả năng kháng bệnh héo rũ vi khuẩn) với cành ghép (là giống cà chua mới: giống 386, An Na hoặc Kim cương đỏ...), mà ống cao su này hiện đang có bán tại Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh... Về qui trình kỹ thuật, trồng cây cà chua ghép không khác gì kỹ thuật trồng cà chua thông thường mấy. Điểm đáng lưu ý ở đây là khi trồng không lấp đất cao quá vết ghép.

Ngày 7/3, Trạm khuyến nông huyện Bình Sơn đã tổ chức hội nghị tham quan mô hình này. Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã đánh giá, năng suất cà chua ruộng mô hình trồng cây ghép dự kiến đạt trên 35 tấn/ha, cao hơn so với đại trà trồng cây giống bình thường. Đạt được kết quả như vậy là do số cây bị bệnh chết trong mô hình trồng cây ghép chỉ 1-2%, trong khi đó cà chua trồng đại trà thường chết từ 30-50%. Về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí trên diện tích thực hiện là trên 13,3 triệu đồng, dự kiến sản lượng 8,75 tấn cà chua tươi, với giá bán hiện nay 4.000 đồng/kg, thì lãi sẽ thu được trên 21 triệu đồng (trên 86 triệu đồng/ha). Kết quả từ mô hình cho thấy, việc đưa cây cà chua ghép vào sản xuất không những tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần cung cấp cho thị trường sản phẩm rau quả an toàn nhờ áp dụng theo qui trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường