Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vị thủ lĩnh thổi bùng thương hiệu McDonald
06 | 03 | 2008
Ray Kroc đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành công nghiệp ăn uống của Mỹ và khiến McDonald trở thành thương hiệu có một không hai.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của marketing

McDonald không chỉ phổ biến ở trong nước Mỹ mà còn nhanh chóng có được những thành công trên thị trường quốc tế như Canada, Nhật Bản, Australia và Đức. Ngày nay, có khoảng 1,5 triệu người làm việc cho McDonald trên toàn thế giới. Khởi đầu McDonald chỉ là một hiện tượng của nước Mỹ nhưng nay nó đã trở thành một thương hiệu quốc tế đích thực.

McDonald là thương hiệu có tốc độ tăng trưởng lớn nhất và thống lĩnh thị trường đồ ăn nhanh ở 120 nước trên 5 châu lục. McDonald hoạt động với trên 29.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Chỉ có một vài thương hiệu có thể đem ra so sánh với McDonald.

Tuy nhiên, McDonald vẫn được đánh giá là thương hiệu mạnh nhất – theo nghiên cứu của Interbrand, công ty tư vấn thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Interbrand đã kết luận rằng: “Không có một thương hiệu nào có thể đem ra so sánh với McDonald về ý tưởng xây dựng thương hiệu, cách thực hiện và sức hấp dẫn kéo dài, lan rộng nhanh chóng của nó. McDonald là một thương hiệu Mỹ chinh phục toàn thế giới với sức mạnh của hai yếu tố khá là khác biệt – văn hóa và thương mại”.

Đối với khách hàng thì McDonald là một thương hiệu “đáng tin cậy”, luôn luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm và luôn biết cần phải làm những gì.

Ngay từ những ngày đầu tiên, McDonald đã nhận ra tầm quan trọng của marketing trong quá trình xây dựng thương hiệu. Marketing là một nét đặc trưng của McDonald. Cho tới tận bây giờ, số tiền đầu tư vào quảng cáo và khuyến mãi của McDonald luôn chiếm một tỉ lệ cố định trong doanh thu của các cửa hàng.

Ngoài việc quảng cáo trên tivi để tạo được sự thiện cảm của khách hàng, McDonald còn tham gia tài trợ cho các chương trình thể thao, đặc biệt là các sự kiện thể thao có uy tín trên thế giới như World Cup và Olympic Games để củng cố thêm sức mạnh tầm cỡ quốc tế của thương hiệu, ngoài ra McDonald còn tham gia các chương trình tài trợ khác nhau tùy theo từng khu vực.

Thêm vào các chiến dịch quảng cáo và khuyến thị của từng quốc gia, McDonald còn cam kết một cách chắc chắn với niềm tin mạnh mẽ của Ray Kroc rằng McDonald sẽ có những đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng với các hoạt động địa phương khác nhau, từ các hoạt động buổi sáng dành cho người già tới việc gây quỹ cho các trường học và bệnh viện…

Mọi chuyện bùng lên từ Ray Kroc

Câu chuyện của McDonald bắt đầu từ khoảng 50 năm trước đây ở San Bernadio, bang California. Ray Kroc là một người bán hàng, chuyên cung cấp sữa cho một cửa hàng thức ăn phục vụ lái xe và khách hàng qua đường của hai anh em Dick và Mac McDonald.

Cuối năm 1954, Ray Kroc đã ghé thăm trụ sở của hãng McDonald tại California và cố gắng thuyết phục anh em nhà Donald nhượng quyền kinh doanh lại cho mình. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng anh em nhà Donald đã quyết định bán McDonald cho Ray Kroc với giá 2,7 triệu USD tiền mặt.

Ngay lập tức, Ray Kroc đã quyết định dùng tài sản thành lập công ty Franchise Realty, một công ty trực thuộc McDonald, lấy việc mua những dải đất rộng đem cho thuê nhằm một mục đích phát triển mô hình franchising (nhượng quyền kinh doanh). Bằng việc thực hiện kế hoạch này, McDonald đã bắt đầu gây dựng được cho mình những nguồn thu nhập đáng khích lệ và công ty Franchise Realty của Ray Kroc cũng đã bắt đầu cất cánh. Đến năm 1960, đã có hơn 200 điểm bán hàng của McDonald trên khắp nước Mỹ. Năm 1961, trên 100 triệu chiếc hambuger đã được bán.

Tiếp đó, Ray Kroc dành một khoản tiền đáng kể cho chương trình quảng cáo có tầm cỡ quốc gia nhằm hỗ trợ cho việc kinh doanh của những cửa hàng franchise đang mọc nhanh như nấm trên khắp đất Mỹ. Năm 1970, khi tình hình kinh doanh của công ty mẹ tại Mỹ bị suy giảm, Ray Kroc lại bắt đầu một chiến dịch mới đầy quyết tâm và đã thành công trong việc thúc đẩy sự có mặt của thương hiệu McDonald trên toàn thế giới.

Trong những năm được coi là thời kỳ hoàng kim của mình, Ray Kroc, người đặt nền móng và cũng là người phát triển tập đoàn McDonald thành một người khổng lồ trong ngành công nghiệp Mỹ đã chứng minh được ông chính là người đi tiên phong trong một lĩnh vực công nghiệp mới, không thua kém gì Henry Ford trong ngành công nghiệp ôtô.

Sự thành công của McDonald là một mẫu điển hình cho các doanh nhân ngày nay nhằm đạt đuợc những hiệu quả kinh doanh lớn hơn. Bằng việc đưa những cây xúc xích hambuger tầm thường lên dây chuyền máy móc, Ray Kroc đã chỉ cho thế giới biết cách áp dụng quy trình quản lý tinh xảo vào những công việc tưởng như tầm thường nhất. Món hambuger một thời bị coi thường thì giờ đây đã có mặt trên máy bay, tầu hoả, ôtô và trở thành một nét văn hóa Mỹ.

Mặc dù từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị vào năm 1978 để nhường bước cho Fred Turner, Ray Kroc vẫn được coi một biểu tượng vĩ đại trong lịch sử McDonald và có ảnh hưởng lâu dài tới hoạt động hàng ngày của McDonald. Từ văn phòng ở California, Ray Kroc vẫn rà soát lại kết quả kinh doanh trong ngày đầu tiên của các nhà hàng mới mở, vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động của các nhà hàng thuộc sở hữu của McDonald.

Mặc dù rất thành đạt với tài sản cá nhân trước lúc chết lên đến trên 350 triệu USD, Ray Kroc luôn quan tâm tới công việc. Mỗi khi Ray Kroc ra đường, ông bắt tài xế đưa tới ít nhất 6 nhà hàng McDonald để bất ngờ kiểm tra. Ray Kroc qua đời vào tháng 1 năm 1984, ở tuổi 81, đúng mười tháng trước khi McDonnald bán chiếc hambuger thứ 50 tỷ.

Có thể nói, Ray Kroc đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành công nghiệp đồ ăn uống của Mỹ bằng việc sản xuất hambuger, khoai tây chiên, và các chế phẩm từ sữa. Ông đã khiến McDonald trở thành thương hiệu hàng hoá có một không hai cho đồ ăn nhanh nước Mỹ.



Nguồn: crmvietnam.com
Báo cáo phân tích thị trường