Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuế lũy tiến BĐS: Không đánh vào doanh nghiệp!
15 | 03 | 2008
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, người đề xuất ra chủ trương thuế lũy tiến, cho rằng việc có nhiều ý kiến đồng tình và phản đối chính sách này là một dấu hiệu tốt, giúp việc xây dựng nội dung bộ thuế này chính xác, đúng đắn, phù hợp với thực tiễn hơn.
Thưa giáo sư, ông là người đầu tiên khởi xướng về thuế lũy tiến và liên tục đề nghị trước Quốc hội, Chính phủ trong nhiều năm, và nay Chính phủ đã có ý kiến áp dụng loại hình thuế này. Thế nhưng khi đưa ra, lại có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau, đồng tình và phản đối đều rất mạnh. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đúng là có nhiều ý kiến khác nhau, và không có sắc thuế nào lại có sự đồng tình và phản đối lại nhiều như thế này. Tuy nhiên qua đó có thể thấy rằng, khi có nhiều ý kiến trái ngược, rõ ràng chúng ta có một xã hội dân sự, một cơ chế phản biện tốt.

Trình độ, sự hiểu biết của người dân rõ ràng đã có tăng lên, đã biết tham gia bàn bạc những chủ trương chính sách lớn, đã đưa ra được quan điểm của mình. Chính sự phản biện đa dạng đó sẽ giúp người làm luật có cái nhìn tổng hợp hơn, đưa ra những quy định chính xác, quyết sách đúng đắn, hợp với cuộc sống, hợp với lòng dân hơn.

Với những ý kiến phản đối thuế lũy tiến, ông nghĩ thế nào?

Một phần do người ta hiểu khác đi quá nhiều nội dung mục tiêu ban đầu của thuế lũy tiến mà tôi đề xuất. Ví dụ như giới doanh nghiệp lo lắng và phản đối mạnh là không phải thế. Thuế này không nhằm đánh vào doanh nghiệp.

Còn giới đầu cơ phản đối là tất nhiên. Thuế này nhằm đánh vào giới đầu cơ, những người thu gom nhà đất để tạo ra khan hiếm và bán giá cao. Bên cạnh đó là người có nhiều nhà đất nhưng không sử dụng. Ta không thể cấm đầu cơ, nên phải dùng thuế để hạn chế.

Bên cạnh đó, một số người dân cũng chưa nắm hết tinh thần của thuế này nên cũng có phân vân.

Trước điều này, thái độ của người làm làm chính sách là phải kiên nhẫn, và kiên trì giải thích. Tin rằng đến lúc nào đó, người dân sẽ hiểu đầy đủ và hưởng ứng để chính sách này được thực hiện thuận lợi.

Người ta cho rằng giới đầu cơ sẽ đưa tiền thuế vào giá bán, và như vậy gia sẽ tăng lên chứ không giảm xuống, và có nghĩa là nhà đất chưa chắc đã được đưa ra?

Mức thế sẽ cao dần, và vì thế giới đầu cơ cũng không thể giữ lâu, phải bán ra. Khi bán ra nhiều, nhà đất sẽ giảm giá. Không thể có giá cao quá vô lý.

Đã có nhiều ý kiến đưa ra đề xuất sao ta không làm như Singapore, với nhà để ở thì mức thuế 4%, nhà kinh doanh thì thuế 12% và cứ thế nhân lên, không cần thiết phải bậc thang, lũy tiến?

Trong bối cảnh mức thu nhập như của dân ta hiện nay, chỉ cần đặt mức thuế 2% đã không chịu nổi. Kể cả người giàu. Ví dụ căn nhà ở trung tâm thành phố giá 1 triệu USD không phải là quá cao, nhưng mức thuế đã phải đóng 2% là 20.000 USD, không ai đóng nổi.

Cái ta cần loại bỏ là việc tích lũy đầu cơ, có nhiều nhà nhưng không ở. Đối tượng này ở Singapore không có, mà chỉ có ở Việt Nam. Khi không có đầu cơ mới có thể đánh tỷ suất đồng loạt, và với điều kiện thu nhập của người lao động cũng phải cao.

Đã có mức đề xuất đưa ra từ một Bộ là hạn mức 100m2/hộ hoặc 2-30m2/đầu người. Cách đưa ra hạn mức như thế này có vẻ quá manh mún và tận thu, bởi lẽ hạn mức như thế này là quá chật hẹp, khống chế diện tích sử dụng?

Hạn mức như thế nào thì đang tiếp tục nghiên cứu. Hạn mức là yếu tố quan trọng. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hạn mức, Bộ Tài chính xây dựng biểu thuế. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao tính cho được hạn mức sử dụng nhà đất trung bình của người lao động. Từ mức này trở xuống sẽ đánh thấp, phù hợp với thu nhập của người lao động. Trên mức này sẽ đánh cao dần.

thueluytien.jpg
Thuế lũy tiến BĐS đánh vào đầu cơ, không đánh vào doanh nghiệp. (Ảnh: Đ.Vỹ)

Người có nhu cầu ở rộng rãi cũng phải chịu thuế, như vậy có hạn chế tiện nghi và nhu cầu chất lượng cuộc sống của người dân?

Người muốn ở rộng rãi hơn thì phải nộp thuế. Chỉ khi nào chính sách đưa ra hạn mức là mỗi hộ chỉ được phép 100m2 hoặc mỗi người chỉ được sử dụng 30m2, mới gọi là khống chế nhu cầu.

Hiện nay trong lĩnh vực bất động sản đã có nhiều loại thuế: Thuế chuyển quyền, thuế sử dụng đất, phí trước bạ, giờ lại thuế lũy tiến. Như vậy có quá nhiều và có hợp lý không?

Khi mua bán chuyển quyền thì nộp thuế chuyển quyền, với doanh nghiệp thì nộp 28%, với người dân thì nộp 25%. Lệ phí trước bạ lại là chuyện khác, và hiện nay Chính phủ đang yêu cầu tìm cách giảm xuống. Thuế sử dụng đất hiện nay không hợp lý nữa, nơi nào nhà đất đắt nhất cũng chỉ đóng ở mức 1,6kg thóc/m2. Mỗi loại có mục đích ý nghĩa của nó, không thể nói nhiều hay ít, hoặc vì có nghĩa vụ này mà thôi nghĩa vụ kia.

Xin hỏi giáo sư một nội dung khác: Hiện nay ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản?

Bất động sản là lĩnh vực sử dụng vốn rất lớn. Vì vậy nếu hạn chế hoặc không cho vay, dự án chậm lại, chắc chắn thị trường sẽ ảnh hưởng, cũng chậm lại.

Giải pháp về việc này có lẽ nên rà soát thêm, xem xét kỹ, trường hợp nào cho vay, trường hợp nào hạn chế, chứ không nên đóng cửa với tất cả. Ta đang thiếu vốn, cần phải khơi nguồn vốn.

Một trong những giải pháp trước đây đã từng thử đưa ra, là cầm cố thế chấp BĐS tại các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên vấn đề là hành lang pháp lý: khi người vay không trả được nợ, xử như thế nào? Nhà tài chính nước ngoài có được quyền sử dụng đất của Việt Nam hay không? Nếu tháo gỡ được vấn đề này, sẽ huy động được một nguồn vốn rất lớn cho thị trường bất động sản.

Là người làm việc trong lĩnh vực đất đai nhiều năm, ông có dự đoán được ảnh hưởng hay khó khăn này kéo dài trong bao lâu?

Đây chỉ là tình hình xảy ra trong thời gian ngắn. Về lâu về dài vẫn phải có giải pháp vốn cho thị trường bất động sản. Kể cả ngân hàng. Việc hạn chế cho vay chỉ một thời gian tạm thời. Hoạt động kinh doanh chính của Ngân hàng là cho vay, nếu không cho vay lâu dài, không khác gì bảo ngân hàng đừng hành nghề nữa!



Nguồn: vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường