Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiểm soát lạm phát cần tương thích với thực trạng kinh tế
24 | 03 | 2008
“Sự tăng giá ở nhiều nhóm, mặt hàng hiện nay chính là thay đổi trong cấu trúc giá khi VN trở thành một “tế bào” của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, không nhất thiết phải tìm một liều thuốc dứt điểm cho cả thị trường" - ông Phan Thế Hải, một lãnh đạo của Công ty Đầu tư Tài chính VietNamNet (VietNamNet Investment), khẳng định.
“Nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới sổ mũi”

chungkhoandixuong.jpg
"Nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới phải sổ mũi"

Trước tiên, cần phải nhìn nhận sự ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế toàn cầu, mà nước Mỹ giữ vai trò “đầu tàu”, đến VN và các nước nói chung trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là một điều tất yếu.

Câu nói quen thuộc “nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới sổ mũi” của các nhà kinh tế châu Âu đến nay vẫn phù hợp vì các cường quốc như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn chưa đủ mạnh để có thể thay thế vai trò dẫn dắt của kinh tế Mỹ.

Trận ốm chưa dứt từ sự đổ bể của tín dụng bất động sản 1 năm trước đây, cùng với việc giá dầu thô tăng kỷ lục, trong khi đây là mặt hàng mà Mỹ có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, đã khiến kinh tế nước này đi vào suy thoái.

Cùng với đó là trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, dịp mà các nhà đầu tư đang kiên nhẫn lắng nghe động thái xem đảng nào lên cầm quyền để còn “rót” tiền vào đâu, nên đã thành quy luật, nền kinh tế Mỹ giai đoạn này bao giờ cũng chững lại.

Tác động này có thể thấy rõ nhất qua trường hợp của Trung Quốc. Là nước xuất siêu vào thị trường Mỹ, khi nền kinh tế Mỹ chững lại thì thặng dư về mậu dịch của Trung Quốc trong quý I năm nay cũng giảm 62%.

Hàn Quốc, Đài Loan cũng phải chịu những tác động tương tự. Các nước đều bị tác động ở các mức độ nhất định khác nhau từ sự suy thoái ở bên kia bờ đại dương, đương nhiên, không ngoại trừ VN. Song biến động đấy có phải là lạm phát hay không lại là chuyện khác.


Cấu trúc giá thay đổi: Không phải điều bất thường

Mô tả ảnh.
Ông Phan Thế Hải - CEO VietNamNet Invesment. Ảnh: Nguyễn Nga

Thứ hai là vào WTO, VN không thể vẫn theo lối cũ là dùng ngân sách Nhà nước để tiếp tục trợ giá cho các mặt hàng, nên bắt buộc thị trường phải tự điều chỉnh. Cấu trúc giá của VN hiện nay đang thay đổi và tác động rõ rệt đến từng bộ phận người dân.

Ví dụ, giá lương thực, thực phẩm tăng, người nông dân có thể hả hê vì được giá thì ngược lại, người nội trợ lại cảm thấy ảnh hưởng ngay đến bữa ăn hàng ngày của gia đình. Đặc biệt là những người làm công ăn lương dựa vào thu nhập cố định theo thang bậc của Nhà nước. Số này khoảng 1,7 triệu người trên cả nước.

Còn giới kinh doanh lại nhìn nhận điều này ở một góc độ khác. Cụ thể, giá cả các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu như điện tử, điện lạnh, ôtô, đồ công nghệ cao… cho đến cước viễn thông, điện thoại di động… đều rẻ đi. Nhìn tổng thể, có được, có mất, đặc biệt là những doanh nghiệp nhập khẩu đang được hưởng lợi vì tiền đồng đang lên giá so với USD.

Rõ ràng, trong cấu trúc về giá có sự điều chỉnh chứ không phải chỉ tăng một chiều và sự điều chỉnh này gây bất lợi chủ yếu tới bộ phận người làm công ăn lương, viên chức Nhà nước.

Không nhất thiết phải tìm một liều thuốc cho cả thị trường

Trong quản lý vĩ mô, khi đưa ra chính sách cần nhìn toàn cảnh, lâu dài và bền vững chứ không nên có tác dụng nhất thời, nóng vội tìm một liều thuốc dứt điểm cho cả thị trường (mà chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người nào đó). Có thể thấy rõ tác động của sự nôn nóng nhất thời này qua thực tế thị trường chứng khoán và bất động sản hiện nay.

Thị trường bất động sản ấm lên là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế vì có thêm một lượng hàng hoá lớn vào lưu thông và khiến cho tốc độ luân chuyển của đồng tiền tăng lên. Ngay những nền kinh tế lớn như Mỹ và các nước châu Âu cũng đưa ra những chính sách tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu mua sắm khiến thị trường này sôi động, vừa giải quyết đầu ra trong kinh doanh, vừa giải quyết nhà ở cho người làm công ăn lương.

Còn ở VN, nếu cho đây là “đang sốt”, “bong bóng”, từ đó vội vàng can thiệp bằng cách thắt chặt tín dụng bất động sản là chưa hợp lý. Bởi chỉ cần phân tích cấu trúc giá của mặt hàng chủ lực nhất trên thị trường bất động sản là chung cư, đã thấy 3 yếu tố cơ bản là chi phí vật liệu, nhân công, giá thuê đất đều tăng mạnh (theo xu thế của tăng trưởng kinh tế), tất yếu làm giá bất động sản tăng theo.

Mô tả ảnh.
Không nên có tác dụng nhất thời, nóng vội tìm một liều thuốc dứt điểm cho cả thị trường.

Tương tự, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn. Với VN, sự phát triển của thị trường này là hết sức cần thiết để tạo sự cân bằng với thị trường vốn ngắn hạn. Đây là nhân tố quan trọng tạo nên sự bền vững cho nền kinh tế.

Với nền kinh tế phát triển như Mỹ, thị trường chứng khoán đã huy động số vốn lớn gấp 3 lần thị trường vốn ngắn hạn. Đó cũng là yếu tố chính yếu góp phần tạo nên tính “dẻo dai”, không dễ bị chao đảo qua các biến động kinh tế thế giới của nền kinh tế nước này. Còn đối với VN, thị trường vốn ngắn hạn quá lớn, mà thị trường vốn dài hạn quá yếu là nguyên nhân cơ bản khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Về mặt vĩ mô, cần tạo sự khích lệ để người dân chuyển hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán, từng bước tạo sự cân đối giữa vốn ngắn hạn và vốn dài hạn. Khi thị trường chứng khoán đang hưng phấn sau nhiều năm “ngủ đông” đã bị khống chế bằng những “đòn chí mạng” khiến thị trường này không thể ngóc đầu lên được.

Tôi cho rằng, sự can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước ở các trường hợp trên cũng như vấn đề kiểm soát lạm phát ở nước ta hiện nay là chưa tương thích với tình hình thực tế. Có thể sai lầm là chúng ta đã sử dụng những công cụ kiểm soát lạm phát của những năm 1986-1987 (khi lạm phát phi mã) để áp dụng cho năm 2008.

Xét tổng thể, hiện nay chưa xuất hiện những yếu tố của thời kỳ 1987 hay những yếu tố bất an của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Nền kinh tế VN nói riêng và khu vực nói chung đang phát triển khá tốt và có nhiều yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Sự can thiệp về chính sách này còn chưa hợp lý ở chỗ chưa nhìn bao quát toàn cảnh vấn đề; điều chỉnh dựa trên dư luận của 1 bộ phận, một nhóm lợi ích có ảnh hưởng lớn tới công luận.

Chính sách vĩ mô cũng như một toa thuốc điều trị. Uống kháng sinh liều cao có thể làm dứt cơn sốt hay giảm đau nhanh chóng cho một vết thương nhưng về lâu dài nó sẽ có những tác dụng phụ ngoài mong muốn. Hơn thế là sự “nhờn thuốc”, ảnh hưởng tới sức sống lâu dài của nền kinh tế.



Nguồn: VietNamNet

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường